Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong các trường học ở Hải Phòng

Thứ Năm, 16/08/2018, 14:00
Đa số các trường học ở Hải Phòng vẫn chưa lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vào chương trình giảng dạy, hoạt động, tại các trường học vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, bất cập, tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Theo Cảnh sát PCCC Hải Phòng, thành phố Hải Phòng hiện có trên 800 cơ sở giáo dục các cấp. Công tác đảm bảo an toàn về PCCC là rất quan trọng, cấp bách để đảm bảo môi trường an toàn ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của nhiều cơ sở trên về an toàn PCCC chưa thực sự đầy đủ, việc chấp hành các qui định về PCCC còn mang tính đối phó, thiếu hiệu quả.

Đa số các trường vẫn chưa lồng ghép kiến thức và kỹ năng về PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động, tại các trường học vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, bất cập, tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Mấy năm vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy tại cơ sở trường học, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh, giáo viên như: cháy phòng văn thư lưu trữ hồ sơ ở Trường THPT Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên); cháy thư viện và phòng thí nghiệm ở Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền); cháy tại khu vực bếp ăn của Trường mầm non Hòa Nghĩa, phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh); điện giật tử vong học sinh tiểu học ở huyện An Dương...   

Theo cán bộ chuyên môn Cảnh sát PCCC Hải Phòng, nguy cơ cháy nổ tại trường học bắt nguồn từ sự thiếu an toàn của hệ thống điện, sự bất cẩn của cán bộ, giáo viên khi sử dụng lửa tại các khu vực chứa nhiều vật dụng dễ cháy… Trong khi đó, công tác tuyên truyền PCCC tại nhiều trường chưa được người đứng đầu quan tâm đúng mức; việc huấn luyện nghiệp vụ về PCCC chưa được nhiều cơ sở trường học tổ chức thường xuyên, hoặc có thì cũng mới chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở. Ý thức và kiến thức về PCCC của thầy trò trong các cơ sở giáo dục hầu hết còn rất hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Lớp trại hè PCCC cho học sinh ở Hải Phòng.

Qua công tác kiểm tra thực tế của lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng cho thấy: Ngoài các cơ sở trường học được xây dựng mới trong nội thành, các trường trên địa bàn các quận, huyện ngoại thành hệ thống đường giao thông ra vào còn tương đối thuận tiện, còn lại các cơ sở trường học trong nội thành nhiều trường lại ở trong các khu dân cư đông người, cơ sở hạ tầng còn tồn tại nhiều bất cập, hệ thống giao thông đô thị chật hẹp, manh mún, khó đáp ứng yêu cầu về giao thông cho lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố. Nhiều trường còn không có bể nước dự trữ phục vụ chữa cháy, hoặc có bể nhưng không phát huy tác dụng, nhiều bể xe chữa cháy không hút được nước...

Có những trường có các dãy nhà từ 2 - 3 tầng nhưng chỉ có duy nhất 1 cầu thang thoát nạn; nhiều phòng học chỉ có 1 cửa thoát nạn. Trong khi số lượng học sinh của đại đa số các trường thuộc các quận nội thành đều quá tải so với quy định về diện tích, nên khi có sự cố hoặc cháy sẽ dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, gây thương tích cho học sinh. Các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy còn thiếu hoặc không đúng qui định về chủng loại. Đặc biệt, tại nhiều trường mầm non và bán trú có sử dụng gas phục vụ đun nấu cơm cho học sinh, việc bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, số lượng gas tồn chứa không đảm bảo an toàn về PCCC…

Tuy việc triển khai mô hình “Trường học đảm bảo an toàn PCCC” đã có nhiều chuyển biến, song đến nay vẫn chưa một trường nào hoàn thiện 15 tiêu chí về PCCC, nhất là các tiêu chí về hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy, điện chiếu sáng sự cố và chữa cháy... Nguyên nhân do nhiều cơ sở giáo dục này đã tồn tại từ lâu năm, công trình thiết kế không còn phù hợp.    

Theo lãnh đạo CSPCCC Hải Phòng, để đảm bảo an toàn PCCC, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ tại các cơ sở trường học, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với lực lượng CSPCCC tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra tại các cơ sở trường học. Chỉ đạo, đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống các trường theo đúng Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước. Đối với các công trình được cải tạo, mở rộng và xây mới phải thực hiện đầy đủ về thẩm duyệt thiết kế PCCC. Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề giải pháp về lối thoát nạn, hệ thống điện, hệ thống chống sét, các trang thiết bị PCCC...Các trường thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC phải được cơ quan PCCC thẩm duyệt thì cơ quan có thẩm quyền mới thực hiện việc cấp phép xây dựng.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC trong tất các cơ sở trường học phải được thực hiện thường xuyên để lãnh đạo, hiệu trưởng các cơ sở trường học nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được quy định trong Luật PCCC và các văn bản pháp luật. 

Các trường cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra và khắc phục các tồn tại thiếu sót nhằm chủ động phòng ngừa; rà soát, bổ sung đầy đủ phương tiện chữa cháy, các phương án chữa cháy tại chỗ. Thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, cán bộ giáo viên và học sinh. Từng bước đưa kiến thức an toàn PCCC vào chương trình dạy học nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng sống, phòng ngừa tai nạn trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là ý thức phòng ngừa, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ tại trường học…

Đặc biệt, cần triển khai nhân rộng mô hình “trường học an toàn PCCC” trên địa bàn thành phố, hàng năm các trường cần tập trung tuyên truyền PCCC qua các hình thức như tổ chức trại hè PCCC;  huấn luyện cho học sinh kiến thức PCCC và thoát nạn, diễn tập thoát nạn ngay tại trường... trong chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ kỹ năng sống...

Cảnh sát PCCC thành phố tăng cường kiểm tra toàn diện các mặt công tác PCCC theo định kỳ, đồng thời phúc tra việc thực hiện quy định của pháp luật về PCCC. Nâng cao ý thức, nhận thức và yêu cầu chủ sở hữu, chủ quản lý, hiệu trưởng khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót. Kiên quyết xử lý những cơ sở thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC, để các tồn tại thiếu sót kéo dài.

Văn Thịnh
.
.
.