Phập phù ngóng mùa hoa Tết
Nhiều nông dân trồng hoa đang phải tính đến phương án bù lỗ từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng cho một vườn hoa... Nhưng cũng có làng hoa lại đang hứa hẹn một mùa bội thu do đầu tư vào những chủng loại hoa độc đáo.
Thừa Thiên – Huế: Nguy cơ thua lỗ mùa hoa Tết
Bằng thời điểm này so với các năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân (55 tuổi, ngụ ở thôn Vọng Trì, xã Phú Mậu) đã có hoa cúc, hoa ly để bỏ cho các shop hoa ở TP Huế.
Còn năm nay, ông Nhân ngao ngán thở dài: “Gia đình tui có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng hoa Tết, nên từ tháng 10 âm lịch, vợ chồng tui đã gieo giống trồng 3 nghìn gốc cúc vàng và hơn 2 nghìn gốc ly, cùng một số loại hoa khác. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh kéo dài, đến nay, cây hoa sinh trưởng rất èo uột và chưa kịp nở nụ. Hiện cả gia đình tui như ngồi trên đống lửa, bởi khả năng thua lỗ 30 triệu đồng tiền vốn trong vụ hoa Tết năm nay là rất lớn”.
Cũng do thời tiết lạnh kéo dài, lại không có lũ lụt nên sâu bệnh trên hoa Tết xuất hiện nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến 10 nghìn gốc hoa các loại của cha con ông Lê Văn Lự, một trong những hộ dân có diện tích trồng hoa Tết lớn nhất ở xã Phú Mậu không đạt năng suất như năm trước.
Ông Lự chia sẻ: “Ngoài các giống hoa truyền thống như cúc, thược dược, hoa ly, đồng tiền thì năm nay, gia đình tui đã vay vốn mua thêm 100 gốc hoa lan Đại Hồ Điệp và trồng thêm 1 nghìn gốc Mokara cắt cành. Dự đoán trước hoa năm nay sẽ nở không đúng dịp Tết, nên gia đình tôi phải giăng bạt kín, treo bóng đèn để tăng nhiệt độ cho vườn hoa nhằm thúc hoa nở đúng thời điểm, hạn chế thiệt hại”…
Theo ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, để phục vụ thị trường hoa Tết Nguyên đán Ất Mùi, dịp cuối năm 2014, 500 hộ dân ở các làng hoa Tiên Nộn, Thanh Tiên, Vọng Trì... của xã đã tập trung gieo trồng trên 13ha hoa Tết. “Bình quân, hoa Tết ở xã cho thu nhập từ 130-140 triệu đồng/1ha. Tuy nhiên, vụ hoa Tết năm nay đã không như mong đợi; bởi hiện nhiều vườn hoa ở xã vẫn đang đâm chồi, nảy lá chưa kết nụ. Bên cạnh đó, có không ít hộ dân chuyên canh hoa ly đứng trước nguy cơ mất trắng, vì sâu bệnh phá hoại làm thối thân cây. Còn gần 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch vụ hoa Tết nên địa phương đang tìm mọi cách để giúp người dân cứu các vườn hoa”, ông Cơ khẳng định.
Ngược lại, nhiều vườn mai tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) và các phường Thủy Xuân, An Tây, Trường An (TP Huế) vốn là nơi chuyên cung cấp mai cắt cành cho các chợ hoa Tết đã rụng lá, nở vàng khiến người trồng hoa “méo mặt”. Ông Nguyễn Minh Đạt, chủ vườn mai trên 200 gốc ở đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân cho biết, những năm gần đây, thời tiết vụ Đông có diễn biến rất bất thường nên rất khó kiểm soát được thời điểm mai nở…
Lý giải về nguyên nhân mai vàng ở Huế nở sớm bất thường, ông Nguyễn Hữu Vấn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Do năm nay có một tháng nhuận, cộng với mùa đông ngắn nhưng số ngày nắng lại nhiều là lý do khiến nhiều vườn mai nở hoa sớm. Nếu thời tiết nắng ấm như những ngày qua tiếp tục kéo dài thì chắc chắn trên 80% vườn mai ở Huế sẽ nở sớm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân trồng mai Huế thất thu vụ hoa Tết Ất Mùi”.
Độc đáo đào Nhật Tân trên cao nguyên Đà Lạt
Gần 1.000 gốc đào Nhật Tân giữa miền đất kinh tế mới của người Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng đang trông ngóng xuân về để đơm hoa đón Tết.
Cách đây 15 năm, ông Chu Đức Lợi (58 tuổi) lặng lẽ đưa vợ con rời quê nhà - làng đào nổi tiếng Nhật Tân (Hà Nội) vào thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) lập nghiệp. Ông Lợi không quên đem theo những cành đào quý vào trồng để giữ lấy hương sắc quê hương trên vùng đất mới. Lập nghiệp với trên 1ha đất, sẵn có kinh nghiệm trồng đào được truyền đời qua nhiều thế hệ, vợ chồng ông Lợi quyết phát triển kinh tế từ cây trồng truyền thống của quê hương - đào Nhật Tân.
Ông Chu Đức Lợi bên vườn đào Nhật Tân trên đất Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng. |
Hai năm đầu gia đình ông đều thất bại, chỉ thu hoạch được… lá. Cây tốt um nhưng không chịu ra hoa, hoặc có ra cũng không đúng vào dịp Tết. Sang năm thứ 3, vợ chồng ông Lợi quyết định thay đổi kỹ thuật, ép không cho đào phát triển nữa để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, vậy là đào nở hoa đúng dịp Tết, từ đó vợ chồng ông Lợi đúc rút được kinh nghiệm trồng đào Nhật Tân trên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng.
Sau 15 năm, vườn đào Nhật Tân gần 1.000 gốc của gia đình ông Lợi đang hứa hẹn một vụ hoa Tết bội thu. Đối với gia đình ông, đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm. Từ sáng sớm, vợ chồng ông đã phải ra vườn chăm chuốt, tưới nước, điều chỉnh cho đào nở hoa vào đúng dịp Tết. Đào Nhật Tân ở gia đình ông Lợi nhằm vào dịp Tết thường phải cố gắng đạt được 3 điều kiện, đó là vừa có quả, vừa có hoa lại vừa có lộc. Theo ông Lợi, đào Nhật Tân trồng trên đất Lâm Đồng dễ hơn nơi quê hương ông một khi đã nắm bắt được kỹ thuật. Khí hậu ở Lâm Đồng quanh năm mát mẻ, mùa đông vẫn nắng ấm nên không phải dùng các loại thuốc hóa học để kích thích đào ra hoa như ở Nhật Tân, tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Nếu như ở quê hương Nhật Tân, muốn cho đào ra hoa đúng vào dịp Tết, chủ vườn phải ngắt lá trước khoảng 70 ngày, sử dụng các loại thuốc để kích thích ra hoa vì trời quá lạnh thì ở trên quê hương mới, loại đào này chỉ cần sau 30 ngày ngắt lá là tự đơm hoa rực rỡ.
Trong số gần 1.000 gốc đào có hơn 200 cây đào thế, trên 700 gốc đào cành sẽ được đưa ra thị trường vào đúng Tết Ất Mùi. Đào thế có giá bán từ 5-30 triệu đồng/cây, cho thuê từ 2-5 triệu đồng/cây. Đào cành ngày Tết có giá từ 3 trăm ngàn đến 1 triệu đồng/cành. Với vườn đào này, mỗi năm gia đình ông Lợi thu về không dưới 300 triệu đồng tiền lãi, cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu khác.
Ông Thái Văn Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết, gia đình ông Lợi là người đầu tiên đưa đào Nhật Tân về trồng tại địa phương. Hằng năm cứ vào giáp Tết, vườn đào của gia đình ông lại nhộn nhịp người ra vào hỏi mua, thuê đào về chơi Tết. Đào Nhật Tân trồng tại Nam Ban cho chất lượng hoa rất tốt, không thua kém ở Hà Nội.