Phận người bên triền núi đá đèo Cả

Thứ Ba, 24/11/2015, 11:00
Trên con đường xuyên Việt qua địa phận phía Bắc đèo Cả ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, du khách bắt gặp những dãy núi với hàng triệu tảng đá chất chồng do thiên nhiên tạo tạc từ bao đời nay.

Nơi ấy từ nhiều năm qua, hoạt động khai thác đá xây dựng đã trở thành nghề truyền thống ở địa phương, thu hút hàng ngàn lao động từ nhiều nơi bám trụ trên những triền núi đá cheo leo, hiểm trở để... kiếm cơm từ những viên đá chẻ.

Một ngày tiếp cận thực tế ở nhiều mỏ đá phía Bắc đèo Cả, tôi có dịp chứng kiến và tìm hiểu những nỗi vất vả, hiểm nguy của những người thợ chẻ đá. Bên một triền núi đá ở khu vực Bùng Binh, thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, hai người dân địa phương là  Nguyễn Hữu Nghĩa, 36 tuổi và Trần Anh Thành, 34 tuổi, đang tất bật bên tảng đá vừa mới chẻ vỡ đôi. Từ nơi này nhìn rộng ra, một vạt núi trải dài đã bị nhiều nhóm thợ chẻ đá đào bới, khai thác nham nhở dưới chân. 

Thấy khách đến, anh Thành dừng tay khoan đá, chia sẻ: “Tui là dân nhà nông, nhưng nguồn thu nhập từ hai sào ruộng lúa không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt gia đình, nên phải theo nghề chẻ đá hơn chục năm nay. Nhọc nhằn, vất vả và lắm lúc phải đối mặt với hiểm họa tính mạng có thể ập đến từ những vụ đá rơi, trượt chân té ngã bên triền núi... Biết vậy, nhưng vì miếng cơm manh áo tụi tui phải đeo bám nghề này để kiếm tiền”. 

Cách đó không xa, anh Trần Quốc Toản, 32 tuổi, trú ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa đang lặng lẽ “độc hành” với những thao tác chẻ đá rất sõi nghề sau hơn chục năm gửi phận mình bên triền núi. Anh Toản có vợ và hai người con như hai anh Nghĩa, Thành, nhưng do không có ruộng lúa, nên đời sống kinh tế gia đình chỉ trông chờ khoản tiền chẻ đá thu được mỗi ngày. 

Dù cực nhọc, hiểm nguy nhưng những người thợ chẻ đá vẫn bám triền núi phía Bắc đèo Cả để kiếm cơm.

Tại nơi khai thác, giá bán mỗi viên đá đôi (40x20cm) 7.500-9.000 đồng, mỗi viên đá đơn (20x20cm) 3.500-4.000 đồng. Mỗi ngày một người thợ sõi nghề chẻ được 30 viên đá đôi, trị giá 225.000-270.000 đồng, nhưng bình quân mỗi tháng chỉ thu nhập từ 5-6 triệu đồng, vì công việc chẻ đá có thể gián đoạn nhiều lần khi cần dọn nơi khai thác, cơ thể mệt mỏi cần nghỉ ngơi hay gặp lúc tiết trời mưa gió...

Đề cập đến những hiểm họa rình rập tính mạng người thợ chẻ đá, ông Bùi Văn Đồng, 49 tuổi, trú ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Để có được những đồng tiền, bát gạo từ nghề này, thợ chẻ đá không chỉ đổ mồ hôi, mà đã có trường hợp phải đánh đổi bằng nước mắt và máu, thế nhưng chúng tôi vẫn phải bám trụ bên những triền núi để kiếm cơm từ những mỏ đá”. 

Cho đến nay chưa có con số thống kê chính xác về số vụ tai nạn lao động ở những mỏ đá phía Bắc đèo Cả, nhưng khi điểm lại những ca thương vong đã xảy ra trong vài năm gần đây sẽ thấy hiểm họa treo trên đầu người thợ chẻ đá. 

Tiếp chuyện phóng viên, anh Nguyễn Văn Thiện, trú ở thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa – người may mắn thoát chết tại mỏ đá tự phát ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam sáng 3-6-2011, nhớ lại: “Lúc đó ba người trong nhóm thợ chúng tôi đang hì hục đục, chẻ, thì một tảng đá từ trên cao đổ sập xuống. Nghe tiếng động mạnh, tui và anh Phạm Văn Kim chạy thoát ra ngoài, trong khi anh Phạm Minh Chí, 28 tuổi tử nạn tại chỗ”. 

Sáng 24-6-2013, trong lúc anh Hồ Tấn Cường, 40 tuổi, trú ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa đang vung tay búa chẻ đá tại một mỏ đá ở thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Tây, thì một tảng đá từ trên cao đổ sập xuống đè chết tại chỗ. Vụ tai nạn kinh hoàng nhất từ trước đến nay xảy ra ngày 6-1-2008 khiến 3 người chết tại hiện trường mỏ đá ở xã Hòa Xuân Tây. 

Anh Nguyễn Phương Bình – nạn nhân duy nhất sống sót kể lại: “Giữa buổi sáng hôm đó, cả nhóm thợ đang thao tác chẻ đá tại mỏ đá Hóc Trùm do ông Lê Huệ, 62 tuổi làm chủ, bất ngờ trên cao một tảng đá to đổ sập xuống. Ba anh Trần Bá Lý, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn Hào tử nạn, còn tui thoát chết”. 

Sau vụ tai nạn đó, cơ quan chức trách vào cuộc, nhưng hơn 3 năm sau vụ án mới khép lại bằng phán quyết của TAND tỉnh Phú Yên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7-7-2011. Bị cáo Lê Huệ bị xử phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm các quy định khai thác tài nguyên.

Hiểm họa có thể tái diễn tại những mỏ đá tự phát ở phía Bắc đèo Cả, nhưng cuộc mưu sinh vẫn cuốn hút hàng trăm người thợ kiếm cơm trong điều kiện không đảm bảo an toàn, vì những mỏ đá lộ thiên ở đó hình thành tự phát, không khảo sát thiết kế, không xác lập quy trình kỹ thuật khai thác, không bẩy dọn những tảng đá treo, đá mồ côi có nguy cơ sập đổ, thợ chẻ đá không được bảo hộ lao động, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế... Trách nhiệm quản lý những mỏ đá lộ thiên ở nơi này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, cần được cơ quan chức trách ở Phú Yên quan tâm bằng những biện pháp hữu hiệu.

Ông Đào Văn Dục, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên cho biết, đến thời điểm này chưa có mỏ đá nào ở địa bàn nêu trên được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Gần đây, HTX đá chẻ Hòa Xuân đăng ký đầu tư dự án khai thác đá chẻ xây dựng tại 23 vị trí với diện tích 3,5ha ở xã Hòa Xuân Tây, nhưng hồ sơ chưa được thẩm định nên chưa có giấy phép, thế nhưng tổ chức này vẫn khai thác trái phép và đã xảy ra cái chết của anh Hồ Tấn Cường hôm 24-6.

Sau vài cuộc kiểm tra đơn điệu của các cơ quan chức trách, nạn khai thác đá chẻ trái phép ở phía Bắc đèo Cả vẫn diễn ra và phức tạp hơn. Các mỏ đá không khảo sát thiết kế, xác lập quy trình kỹ thuật khai thác đá lộ thiên, không bẩy những tảng đá treo, đá mồ côi có nguy cơ sập đổ, thậm chí có nơi lén lút sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khoan nổ…

Thực trạng khai thác đá chẻ tái diễn trái phép trên diện rộng ở phía Bắc đèo Cả không chỉ là hiểm họa treo trên đầu những người thợ mà còn gây thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường sinh thái, tạo nguy cơ sạt lở núi…

Đã đến lúc UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành: Công nghiệp, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng và UBND huyện Đông Hòa tổng kiểm tra toàn diện để có biện pháp kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh nạn khai thác đá chẻ trái phép, đồng thời quy hoạch, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đảm bảo trật tự, an toàn và đúng pháp luật…

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.