Phân bón giả… hậu quả cuối cùng nông dân chịu

Thứ Bảy, 24/09/2016, 10:50
Với đặc thù canh tác 3 vụ lúa/năm, cùng hàng trăm ngàn hécta vườn cây ăn trái, rau màu... nên hằng năm vùng ĐBSCL tiêu thụ hàng triệu tấn phân bón. Tuy nhiên, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hiện nay khiến bà con nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính “đau đầu”...

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nạm, trên cả nước có 800 cơ sở sản xuất và hơn 1.600 công ty kinh doanh, 20.000 đại lý chuyên về phân bón.

Còn qua thống kê của Bộ Công thương, toàn quốc có 320 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón, trong đó có 270 DN đã được cấp phép. Nhu cầu tiêu thụ phân bón của 10 triệu hộ nông dân trên cả nước vào khoảng 11 triệu tấn/năm. Hiện nay, trong nước sản xuất khoảng 9 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu.

Con số mà Hiệp hội Phân bón đưa ra thì theo quy định, tiêu chí để sản xuất phân bón của Bộ Công thương, còn khoảng 500 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đủ điều kiện. Trong 800 cơ sở nêu trên họ sản xuất phân bón với công nghệ đơn giản, như: dùng máy trộn bê tông, chảo tạo viên, máy sàng phân loại…

Cơ quan chức năng Cần Thơ niêm phong kho hàng phân bón lá của Công ty CP hóa sinh Thái Lan, để điều tra làm rõ.

Hơn 1 năm qua, khi kiểm tra xử lý phân bón kém chất lượng chủ yếu là các loại phân nhập khẩu do hàm lượng và phối trộn không đều. Từ đầu năm 2016 đến nay, Cục QLTT (Bộ Công Thương) tiến hành kiểm tra, lấy khoảng 786 mẫu phân bón các loại.

Qua xét nghiệm cho thấy 69% mẫu đạt yêu cầu, 31% mẫu kém chất lượng, hàng giả. Ngoài ra, Cục QLTT còn phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra 1.800 cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, phát hiện 421 vụ vi phạm, xử phạt 8 tỷ đồng.

Điều đáng lo ngại là thủ đoạn sản xuất phân bón giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Lãnh đạo Chi cục QLTT TP Cần Thơ thừa nhận, thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay tràn lan, rất khó kiểm soát. Tại ĐBSCL, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn nên tình trạng làm phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều.

Các đối tượng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sản xuất tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang sản xuất nhỏ lẻ, dùng cuốc xẻng để trộn phân bón… sản xuất vào ban đêm, các ngày nghỉ, không để hàng tồn kho; dùng gạch, đất, đá nghiền để pha trộn thành phân bón, sau đó đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân.

Anh Nguyễn Mạnh Tiến (ngụ xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), cho biết: “Người dân chúng tôi lâu nay rất tin tưởng vào các đại lý vật tư nông nghiệp ở địa phương. Đối với phân bón giả, kém chất lượng nhìn bề ngoài không thể phân biệt được và chỉ biết sau khi bón cho cây mà thôi. Theo tôi, các ngành chức năng phải quản lý chặt chẽ thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. Bởi nếu mua phải phân bón giả thì người lãnh hậu quả là nông dân chúng tôi”.

Còn ông Lê Văn Chiến (ngụ xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu phân bón, nên nông dân chúng tôi không thể phân biệt được thật, giả. Đến khi bón cây, thấy cây không phát triển thì lúc đó đã ngậm đắng rồi”. Đáng chú ý, gần đây nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng giả kỹ sư nông nghiệp về “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con nông dân để cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “đểu”.

Bà Trần Thanh Tiệp, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Kiên Giang, cho biết: “Ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang đã xuất hiện hiện tượng giả danh kỹ sư nông nghiệp về tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho bà con. Lợi dụng địa bàn xa, bà con ít tiếp cận với các nguồn thông tin, nên khi “kỹ sư nông nghiệp” về hướng dẫn họ tưởng thật”.

Mới đây, kiểm tra hành chính tại kho sản xuất của Công ty TNHH MTV Hạnh Phát Hưng (ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) do bà Nguyễn Thị Kim Hạnh làm chủ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã niêm phong, tạm giữ 13.721 bao phân bón (50kg/bao). Trong đó, 799 bao phân bón mang nhãn hiệu Hạnh Phát Hưng; 9.279 bao phân bón Trung Quốc, Na Uy, Israel, Indonesia; 3.070 bao phân bón Việt Nam sản xuất và 573 bao phân bón các loại đã hết hạn sử dụng.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về hành vi “Kinh doanh trái phép”. Qua điều tra, bà Hạnh mua phân bón thành phẩn của các công ty, phân bón do Trung Quốc sản xuất tiến hành pha trộn, đóng gói thành phẩm mang nhãn hiệu Hạnh Phát Hưng với số lượng lớn bán cho các đại lý trong và ngoài Cần Thơ, thu lợi bất chính 3 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, cho biết: “Phân bón giả, kém chất lượng khiến cho nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính đau đầu. Bởi nó làm ảnh hưởng đến uy tín chung, tổn hại cho lĩnh vực phân bón và nền sản xuất nông nghiệp. Vì thế, tỉnh Trà Vinh đã và đang quyết liệt kiểm tra, xử lý mạnh tay nạn phân bón giả”.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hậu quả của việc sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Việt Nam khoảng 2 tỉ USD/năm. Cả các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín cũng đang đau đầu vì tình trạng sản phẩm có uy tín bị làm nhái…

Đức Văn
.
.
.