Nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm môi trường

Thứ Bảy, 04/07/2020, 11:25
Tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nhiều hộ dân ở thôn Bình Trung nuôi tôm tự phát, không đúng theo phương án sắp xếp nuôi trồng thủy sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Hà (52 tuổi, ở xóm 1, Bình Trung) có nhà gần với cống nước thoát nước có các hồ tôm xả thải vào, lắc đầu nói rằng, mỗi ngày, gia đình bà đều phải hít thở mùi hôi thối từ những hồ nuôi tôm tự phát thải ra bốc lên. 

Dù sự việc đã nhiều lần được gia đình bà và các hộ dân khác báo lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xử lý. Còn ông Phạm Lắm (70 tuổi), có nhà ngay sau hồ bị các hộ nuôi tôm tự phát xả nước thải vào, cho biết, hồ nước này trước đây người dân dùng nuôi tôm, sau đó bỏ không nên các hộ nuôi tôm hiện nay xả thải vào hồ gây hôi thối kinh khủng. 

Vừa qua, UBND xã Tam Hải xây dựng cống thoát nước chạy dọc gần các hộ nuôi tôm tự phát thì các hộ nuôi tôm đã đấu nối trực tiếp vào cống thoát nước. Nước thải từ hồ tôm chưa qua xử lý chảy thẳng ra sông Trường Giang gây ô nhiễm cả nước sông…

Theo người dân địa phương, tình trạng mùi hôi thối từ nước nuôi tôm của một số hộ dân nuôi tự phát thải ra diễn ra từ 3 năm nay. Trước đây tại thôn Bình Trung chỉ có 5 hộ nuôi tôm tự phát, nhưng do không được giải quyết dứt điểm đến nay đã có 11 hộ nuôi. 

Người dân cũng phản ảnh việc các hộ nuôi tôm đóng giếng gần khu dân cư nên nước ngọt trong lòng đất dần nhiễm mặn. Hơn nữa, nuôi tôm nằm ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường là điều khó tránh. Trước sự việc xảy ra, UBND xã Tam Hải cùng một số ngành liên quan của huyện Núi Thành tổ chức cuộc họp dân nhằm đưa ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm chưa đúng quy định. 

Theo ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, xã đã thành lập tổ xử lý và đã kiểm tra khu vực nuôi tôm trái quy định trên. Đối với trường hợp người dân phản ảnh, hồ nước tù trước nhà dân gây mùi hôi thối, hiện địa phương đã xử lý xong bằng cách ngăn, hút toàn bộ bùn non, xử lý muối và vôi. 

“Việc giải quyết hồ tôm không đúng quy định còn rất nhiều bất cập và nhiều vấn đề. Thời gian tới địa phương sẽ giải quyết triệt để, tuy nhiên cũng phải thấu tình đạt lý. UBND xã Tam Hải sẽ kiểm tra lại diện tích đất nuôi tôm, hồ sơ đủ điều kiện nuôi, hồ sơ điện của 11 hộ dân nuôi tôm. 

Vừa qua đã có một số hộ nuôi tôm đã cam kết hết vụ nuôi sẽ ngừng rồi tiếp tục thả lại. UBND xã đã yêu cầu hết vụ nuôi này các hộ nuôi tôm không đúng quy định ở xóm 1 sẽ ngừng nuôi, nếu các hộ thả nuôi lại địa phương sẽ xử lý”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, việc nuôi tôm phát triển kinh tế là khuyến khích, tuy nhiên không phải phát triển bằng mọi giá đánh đổi môi trường. Hiện nay việc nuôi tôm trên địa bàn xã Tam Hải có dấu hiệu nhân rộng nuôi tôm bấp chất môi trường, rừng phòng hộ, bất chấp các loại đất và không đúng quy hoạch. 

Tình trạng trên sắp đến sẽ giải quyết. Liên quan đến sự việc nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn chỉ đạo UBND huyện Núi Thành kiểm tra, giải quyết. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Núi Thành khẩn trương kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với nội dung kiến nghị, phản ánh và trả lời các hộ dân, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Hà Vy
.
.
.