Nữ du kích gần 60 năm đi tìm mộ cha

Thứ Tư, 29/04/2015, 16:19
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức bà Trần Thị Minh Hương (82 tuổi), nguyên là thành viên du kích Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế, vẫn còn đọng lại những kỷ niệm khó phai. Đặc biệt, bằng niềm tin mãnh liệt, sau gần 60 năm tìm kiếm, bà đã tìm thấy mộ phần của cha ruột là cán bộ cách mạng đã bị thực dân Pháp giết hại...

Bên trong căn nhà cấp 4, vợ chồng bà Trần Thị Minh Hương ngồi bên nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Khi nghe hỏi về thời quá khứ hào hùng của đội nữ du kích Hương Xuân, ánh mắt bà Hương ánh lên niềm vui rạng ngời.

Bà kể, chưa tròn 16 tuổi, bà đã được cha ruột là ông Trần Đình Tư giác ngộ cách mạng và tham gia vào đội nữ du kích Hương Xuân để cùng các chị, các mẹ đánh địch bảo vệ xóm làng. 

Đầu những năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, cũng là thời điểm đội nữ du kích của bà Hương cùng lực lượng cách mạng đóng trên địa bàn Hương Xuân, Hương Vân hoạt động mạnh mẽ; tổ chức nhiều trận đánh lớn khiến bọn địch kiếp vía kinh hồn.

Bà Hương nhớ lại: Với phương châm đẩy mạnh chiến tranh du kích, sẵn sàng tiêu diệt địch, khắp các mặt trận ở Bình Trị Thiên đều đồng loạt nổi dậy, tiến công địch. Đặc biệt, vào đêm cuối năm 1953, khi phát hiện giặc Pháp hành quân về ga Vân Xá (Hương Trà), bà đã cùng đồng đội ôm mìn đến đặt tại đường ray ga này và đã tiêu diệt nhiều tên địch. “Lúc này, chúng biết có du kích ẩn náu bên đường ray nên liên tục xả súng, tui và 3 nữ du kích cố gắng bắn trả rồi thoát vòng vây của địch dù người nào cũng bị thương ở chân và tay do trúng đạn...”, bà Hương kể tiếp.

Vợ chồng bà Hương.

Sau trận đánh đó, một đối tượng chỉ điểm đã tố giác bà Hương với giặc Pháp và chúng kéo quân đến tận nhà lùng sục. Để cứu con gái, cha bà Hương đã đứng ra “chịu trận” và bị giặc Pháp tra tấn dã man bằng cách nện báng súng vào đầu, vùng mặt, dùng dây siết cổ... rồi sau đó đem đi xử tử. Dù cố gắng dò hỏi tin tức, nhưng gia đình bà Hương vẫn không thể tìm ra xác ông Tư…

Cuộc chiến chống Pháp kết thúc, đến cuộc đấu tranh đánh Mỹ, mặc dù gia đình chỉ có 3 người con gái, bà Hương là con đầu nhưng bà vẫn luôn nêu cao tinh thần cách mạng như cha mình và tiếp tục gia nhập vào đội nữ du kích của xã để đánh địch. Ngoài nhiệm vụ chống địch càn quét, bà còn làm ở bộ phận y tế để cứu chữa các chiến sĩ cách mạng bị thương. Không ít lần, bà Hương bị giặc bắt đi tra khảo để dò tìm tung tích căn cứ cách mạng ở Hương Trà, nhưng bà vẫn kiên trung, không hề khai báo nửa lời.

Ngồi bên người chồng năm nay đã 90 tuổi, bà Hương tâm sự, sau ngày đất nước thống nhất - 1975, vợ chồng bà đã cùng nhau đi khắp nơi để dò hỏi điểm thực dân Pháp xử bắn cha mình năm xưa, nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không có tin tức. Nhiều lúc tuyệt vọng, muốn từ bỏ việc tìm kiếm, nhưng vì thương cha nằm đâu đó cô quạnh nên bà động viên mình cố gắng hơn.

Đôi mắt rưng rưng, bà Hương hồi tưởng: “Con trai đầu của tui là liệt sĩ khi hy sinh ở chiến trường miền Nam, cha cũng là liệt sĩ, nên tui đặt quyết tâm phải tìm thấy hài cốt cha bằng mọi giá. Đến năm 2007, tình cờ đi thăm đồng đội cũ thì tui nghe bà con kể về câu chuyện cha tui bị hành quyết ở thôn Mỹ Xá, xã Quảng An, huyện Quảng Điền. Mừng quá, vợ chồng tui vội vàng bắt xe về đây tìm kiếm. Khi hỏi những người cao tuổi trong làng thì mới biết rằng cha mình cùng 2 người khác đã được dân làng chôn cất tại đây sau vụ xử bắn năm xưa. Lúc ấy, vợ chồng tui mừng quá nên cứ ôm chầm lấy nhau mà khóc, bởi sau gần 60 năm mới tìm thấy hài cốt cha mình...”.

Qua 2 cuộc kháng chiến, đội nữ du kích Hương Xuân vinh dự được Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế trao tặng nhiều huân, huy chương kháng chiến cao quý; trong đó có cá nhân bà Hương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, cho biết thêm: “Vợ chồng bà Hương là cán bộ cách mạng lão thành, dù nay tuổi cao sức yếu, nhưng họ vẫn tham gia các phong trào, để đóng góp xây dựng quê nhà. Đặc biệt, vợ chồng bà Hương còn thường xuyên giúp đỡ và chia sẻ đối với những hoàn cảnh nghèo khó trên địa bàn nên được người dân địa phương hết sức quý trọng”.

Anh Khoa
.
.
.