Nông dân sản xuất “thuận thiên”, thu lợi nhuận cao

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:15
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn mặn, đặc biệt là nước biển dâng. Từ thực tế đặt ra, nông dân đã thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng “thuận thiên”, qua đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.


PGS-TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và BĐKH nhận định: “Nước biển dâng là thách thức lớn nhất của ĐBSCL. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%). Khi đó, ảnh hưởng của nước mặn thường xuyên tới nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Làng Sen, Trà Rai, Hà Tiên, Bãi Bồi, Đất Mũi trở nên kém bền vững hơn”. Ngoài ra, xói lở bờ sông, bờ biển và giảm dòng chảy mùa khô, hạn, mặn cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Thời gian qua nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH đã được nông dân các nơi triển khai, đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro.

Ông Mai Lam Phương với mô hình trồng thanh long trên gốc cây mắm ở tỉnh Cà Mau.

Một số mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái… đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch.

Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.

Trong kịch bản ứng phó với BĐKH và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Đây được nhận diện là mô hình thuỷ sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác. Ông Phạm Văn Lước (ngụ tại xã Hoà Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhiều năm nay có thu nhập cao với mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm, cua trong ruộng trên diện tích 7.000 m2.

Ngoài ra, lão nông này còn 13.000m2 để nuôi tôm tự nhiên. Theo lời ông Lước, từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, xã cù lao này có mùa nước ngọt, ông xuống giống trồng lúa hữu cơ. “Trên diện tích 7.000m2 trồng lúa hữu cơ, tôi thu hoạch được hơn 5 tấn lúa, bán với giá 10.200 đồng/kg. Sau vụ lúa, tôi dẫn nước mặn vào đồng và nuôi tôm tự nhiên. Mô hình này giúp gia đình có dư giả”, ông Lước nói.

Ông Mai Lam Phương (54 tuổi, ngụ ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) là người đã sáng kiến trồng thanh long trên gốc cây mắm, đem lại hiệu quả kinh tế. Ông Phương có 1 hecta nuôi tôm nhưng năng suất ngày càng giảm nên thay thế bằng việc trồng màu, trồng cây ăn trái trên bờ bao. Nhưng đất nuôi tôm bị nhiễm mặn nặng nên năng suất không mấy khả quan.

Trong một lần tình cờ bắt gặp giống thanh long bản địa có sức sống mãnh liệt vì có khả năng chịu mặn cao nên từ năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cây thanh long trên cây mắm bờ vuông tôm.

Với cách trồng này rễ thanh long lại bám chặt, sống ký sinh, lấy chất dinh dưỡng trực tiếp từ cây mắm. Vụ trái đầu, dù thanh long cho năng suất thấp nhưng lão nông này vẫn kiên trì. Đến những vụ sau đó năng suất thanh long tăng dần và sản lượng đạt hàng tấn/năm, nhiều thương lái đã tìm đến thu mua với giá từ 7.000 – 20.000 đồng/kg.

Nhiều nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nông dân sản xuất theo hướng GAP không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế thiệt hại do BĐKH. Qua tổng kết của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, để thích ứng với BĐKH, nông dân đã chuyển đổi đất lúa sang nhiều mô hình đạt giá trị kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình luân canh cây hàng năm trên nền đất lúa với vùng sản xuất bắp nếp tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 13 tấn/ha, lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa gang tại huyện Long Hồ với năng suất đạt 41 tấn/ha, lợi nhuận đạt 36 triệu đồng/ha…

Như Anh
.
.
.