Nông dân góp tiền xây cầu ngói 'nối bờ vui'…

Thứ Bảy, 07/03/2015, 15:31
Với mục đích đảm bảo ATGT nông thôn và tạo điều kiện thông thương, nông dân làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã đóng góp tiền để xây dựng chiếc cầu ngói có kiểu kiến trúc “độc nhất vô nhị”, với tổng giá trị gần 1 tỉ đồng. Việc làm này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng nông thôn mới của người dân nơi đây…
Dịp đầu tháng 3, chúng tôi về thăm Hiền Lương, ngôi làng có nghề rèn nổi tiếng bậc nhất cố đô Huế, đến nay vẫn đang được lưu giữ nghề sau hơn 500 năm tồn tại và không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất nơi đây. Dẫn chúng tôi đến tham quan công trình cầu ngói được dân làng xem là “biểu tượng” của tinh thần đoàn kết, ông Trần Sỹ Ngọc, Trưởng thôn Hiền Lương không giấu được niềm vui lẫn sự tự hào, cho biết: Cầu ngói này được xây dựng theo kiểu kiến trúc 3 gian 2 chái, phía dưới là cầu, còn phía trên là nhà có 8 trụ chống đỡ.

Cầu có chiều dài 25m, mặt cầu rộng 5,5m, hai bên có lối dành cho người đi bộ rộng gần 1m. Đặc biệt, cầu có kiến trúc hình cung với phần mái được lợp bằng ngói ống liệt men truyền thống, đường nóc gắn “lưỡng long triều nguyệt”, hai đầu hồi khắc hình chú dơi đang sải cánh... với tổng kinh phí xây dựng gần 1 tỷ đồng, trong đó số tiền mà dân làng đóng góp là trên 650 triệu đồng, còn lại do UBND xã Phong Hiền hỗ trợ.

Cầu ngói Hiền Lương sau khi hoàn thành đã “nối bờ vui” cho hàng trăm hộ dân sống ven sông.

Tìm hiểu được biết, để có số tiền xây cầu, làng Hiền Lương đã thành lập một ban vận động do ông Huỳnh Kim Mão làm trưởng ban, với 15 thành viên là những người có uy tín của thôn, để ra lời kêu gọi và phát đi những bức tâm thư gửi đến con cháu của làng đang làm ăn xa quê. Nhờ thế, chỉ sau một thời gian ngắn mà ban vận động đã nhận được hàng trăm triệu đồng ủng hộ để xây cầu. Đến tháng 4/2011, cầu được khởi công xây dựng.

Chỉ cho chúng tôi thấy tấm bảng công đức là danh sách ghi những người đã đóng góp, ủng hộ để xây cầu được dựng ngay một bên cầu, ông Mão nhớ lại giai đoạn khó khăn nhất. Đó là khi cây cầu nối liền 2 xóm Đồng Nhân và An Hội của thôn chỉ mới xây dựng được 1/3 thì giá cả thị trường leo thang, từ sắt, thép, xi măng... đều tăng giá khiến dân làng rất lo lắng và hoang mang. Trước nguy cơ chiếc cầu không thể hoàn thiện, làng lại tiến hành họp bàn và quyết định tiếp tục kêu gọi, nhờ thế mà sau hơn 3 năm xây dựng, đến cuối năm 2014, cây cầu mới cơ bản hoàn thiện, “nối bờ vui” cho hơn 200 hộ dân ở 2 bên bờ sông.

Theo UBND xã Phong Hiền, để xây dựng chiếc cầu ngói, đã có gần 170 gia đình, cá nhân và chi họ ở làng Hiền Lương không tiếc công sức, tiền bạc để đóng góp từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. Điển hình như ông Huỳnh Kim Mão đóng góp 20 triệu đồng, anh em gia đình ông Hoàng Như Mai Sơn 77 triệu đồng; Hòa thượng Thích Tín Nghĩa 100 triệu đồng...

Nhìn các em học sinh dắt xe đạp đi qua cầu ngói sau giờ tan trường, bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Hiền Lương tự hào chia sẻ: “Nhờ tinh thần đoàn kết của người dân và sự giúp đỡ của chính quyền mà làng giờ đã có được chiếc cầu ngói khang trang, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương; góp phần đảm bảo ATGT vào mùa mưa, nhất là đối với các em học sinh khi qua sông đi học và vừa tạo điểm nhấn du lịch. Giờ đây, khi du khách đến Hiền Lương để tham quan các cơ sở làm nghề rèn truyền thống thì còn có thể ghé cầu ngói để chụp hình lưu niệm...”.                      

Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có cây cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng, được xây dựng ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) vào năm 1776, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, cầu ngói Thanh Toàn đã thu hút trên 15 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm các mặt hàng lưu niệm, góp phần phát triển dịch vụ du lịch địa phương.
Anh Khoa
.
.
.