Nơi người dân phải mua nước sạch đắt nhất miền Trung

Thứ Hai, 01/06/2015, 08:48
Vùng bãi ngang thuộc vùng Nam thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình được bao bọc bởi dòng sông Gianh luôn ăm ắp nước. Mặc dù vậy, người dân nơi đây đang phải vật lộn với khô khát, khốn đốn vì thiếu nước sạch sinh hoạt, bởi nguồn nước đều bị nhiễm phèn và mặn. Trong lúc đó, dự án nước sạch vẫn đang ì ạch triển khai.

Dưới cái nắng cháy chói chang ngày hè, nước sạch càng khan hiếm. Vì vậy, không ít người cho rằng, ở vùng đất này người dân phải mua nước sạch để sử dụng đắt nhất miền Trung.

Khô khát giữa bốn bề sông nước

Vùng đất cồn bãi các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn nằm giữa bốn bề là nước của sông Gianh. Mỗi mùa mưa lũ, nước sông Gianh ngập sát tận mái nhà, người dân vùng cồn bãi nơi đây lại bồng bế nhau chạy lũ. Khi lũ rút, hàng chục ngàn hộ dân vùng đất này lại gồng mình chống chọi với việc thiếu nước sạch sinh hoạt. Hàng chục ngày qua, khi hạn hán quay quắt, nước sạch khan hiếm, người dân nơi đây phải vật lộn từng ngày với nước sạch. 

Chúng tôi đến làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch khi nhiệt độ ngoài trời lên hơn 40 độ C. Bao bọc ngôi làng vùng trũng này đều là nước, nhưng tất cả nguồn nước đều nhiễm mặn, vì vậy người dân phải mua từng thùng nước sạch để dùng. Nhiều lần, người dân Cồn Sẻ đào giếng, khoan giếng nhưng đều không thành công vì nước nhiễm mặn cao. 

Trước đây, để có nước sinh hoạt, hằng ngày người dân Cồn Sẻ đều cắt cử lao động mạnh khỏe của gia đình chỉ chú trọng việc kiếm nước sạch, bằng cách băng đồng vài kilômét để gánh nước. Giờ đây, đời sống kinh tế khá hơn, người dân không còn tất tả gánh nước nhưng lại phải mua từng thùng nước để dùng. 

Ông Nguyễn Cương sống ở thôn Cồn Sẻ cho biết: Thôn Cồn Sẻ có hơn 670 hộ dân với trên 3.500 khẩu, các hộ gia đình chủ yếu theo nghề biển. Và hộ nào cũng phải mua nước sạch để dùng trong sinh hoạt, ăn uống. Hằng  tháng, mỗi hộ dân mua từ 3-5m3 nước, giá mỗi mét khối nước dao động từ 80 đến 100 ngàn đồng. 

Người dân khi mua nước cũng không rõ nguồn gốc và chất lượng của nước mình mua, chỉ biết rằng nước được các chủ thuyền chở từ các núi đá tận đầu nguồn về cung cấp theo đơn đặt hàng của người dân. Có khi cần nước mà cũng không thể mua được. Vì giá nước lên cao nên rất nhiều hộ dân nơi đây đã tiết kiệm nước sạch bằng cách: cùng một chậu nước, nhưng nước đầu dùng để vo gạo, rồi rửa rau và tắm. 

Hạn hán nặng nề làm nhiều người dân Quảng Bình đang quay quắt tìm nguồn nước sinh hoạt.

Dù trời nóng nực nhưng việc tắm rửa của người dân cũng hết sức khó khăn vì còn phải tiết kiệm nước. Do thiếu nước sạch trầm trọng nên một số trẻ em nơi đây không được vệ sinh tắm rửa thường xuyên, vì vậy nhiều em mắc bệnh ngoài da. Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều cụ già đều chung ước muốn: cả đời lam lũ đồng quê, chỉ mong có được nguồn nước dồi dào để dùng thì chết cũng thỏa.

Dự án nước sạch giậm chân tại chỗ

Rời xã Quảng Lộc, trong cái nắng nóng gay gắt, vị mặn chát của nước sông Gianh thổi rát trên da thịt, chúng tôi về xã Quảng Hải, một trong những xã có 100%  hộ dân phải mua nước quanh năm. 

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải, anh Đoàn Xuân Thiện cho biết, xã Quảng Hải có hơn 750 hộ dân với hơn 3.200 nhân khẩu sống dọc bờ sông Gianh và chủ yếu làm nông nghiệp. Người dân Quảng Hải còn lắm khó khăn, thu nhập hằng tháng chưa tới 400 ngàn đồng/người, nên việc phải gánh thêm khoản tiền mua nước đã làm cho đời sống càng vất vả hơn. 

Giá nước bán ở đây cũng được chia làm nhiều giá khác nhau. Khi mùa lũ vừa đi qua, giá nước có thể từ 30-40 ngàn đồng/m³, sau tăng lên 70 ngàn đồng/m³ nước và bây giờ, trong thời điểm nắng nóng, giá nước tăng lên đến 100 ngàn đồng/m³. Nhưng không phải bán cho ai cũng với giá đó. Với các hộ gia đình sống gần bờ sông, khi mua nước do việc lắp vòi bơm từ thuyền vào nhà gần nên có thể lấy giá từ 60-70 ngàn đồng/khối nước, nhà ở xa hơn thì lắp vòi bơm xa hơn nên cứ thế giá nước cũng tăng lên. 

“Nhà tui gần bờ sông, bơm nước từ thuyền lên cũng tiện nên giá chỉ 40-50 ngàn đồng/m³. Tuy nhiên, phải cực kỳ tiết kiệm, nước mua chỉ dùng cho ăn, uống, họa hoằn lắm mới dùng nước cho những sinh hoạt khác”, ông Nguyễn Niên, 67 tuổi, trú xã Quảng Hải cho biết vậy. 

Theo tính toán của lãnh đạo xã Quảng Hải, dù trong xã bà con còn nghèo, nhưng hộ gia đình nào cũng phải mua nước để sử dụng, sinh hoạt. Nếu tính theo giá bình quân như hiện nay là 80 ngàn đồng/m3 nước thì trong một năm, người dân xã Quảng Hải phải tiêu tốn trên 1 tỷ đồng để mua nước sinh hoạt.

Rời vùng cồn bãi, chúng tôi phải vượt qua sông Gianh. Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy dưới chân cầu Quảng Hải, tôi chợt thấy chạnh lòng khi nghĩ tới cảnh người dân tất tả quay cuồng trong mùa khô khát trong lúc bốn bề sông nước vây quanh.

Được biết, để giúp đỡ hàng chục ngàn hộ dân bờ Nam sông Gianh có nước sạch sinh hoạt, từ năm 2008, Chính phủ đã cho phép triển khai dự án cấp nước sinh hoạt có trị giá 11 triệu euro từ nguồn vốn ODA. Theo kế hoạch ban đầu thì đến năm 2013, dự án trên sẽ hoàn thành và người dân sẽ được hưởng lợi từ dự án. Song đến nay đã gần 7 năm trôi qua, người dân vùng cồn bãi bờ Nam sông Gianh vẫn tiếp tục chờ, hy vọng vào dự án và tiếp tục phải gồng mình mua nước sinh hoạt.
Dương Sông Lam
.
.
.