Nỗi lo với trẻ em nhiễm HIV đã đến tuổi dậy thì

Thứ Tư, 10/06/2015, 09:50
Hiện nay, trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc điều trị ARV (thuốc điều trị HIV). Do đó, sức khỏe những trẻ em này được cải thiện đáng kể, tuổi thọ của các em được kéo dài. Rất nhiều em đã trở thành thanh thiếu niên hoặc sắp trở thành thanh thiếu niên trong một vài năm tới. Cùng với đó, các em sẽ phải đối mặt với rủi ro có thể xảy ra nhưng bố mẹ các em hết sức lúng túng chưa biết phải ứng xử như thế nào. (Vì lý do tế nhị nên tên của nhân vật trong câu chuyện đã được thay đổi).

Cách đây khoảng 10 năm, cháu Diễm Quỳnh, một bé gái nhiễm HIV ở Hải Phòng mới lên sáu tuổi vẫn theo mẹ lên Hà Nội cùng các cô chú đến văn phòng Dự án Sáng kiến Chính sách về y tế chơi đùa quậy phá. Thời gian trôi đi quá nhanh, năm nay cháu đã trở thành một thiếu nữ 16 tuổi với cơ thể đã phát triển.

Ảnh minh họa.

Tháng trước, chúng tôi xuống Hải Phòng, cháu đang ốm nằm lì trong phòng. Đã có một cậu bạn trai đến thăm, cả hai nói chuyện trong phòng riêng. Chị Hằng mẹ cháu khuyên thế nào cũng không được. Nếu nói nặng sợ cháu tủi thân bỏ nhà đi thì khổ.  Diễm Quỳnh không phải là trường hợp duy nhất. Hoàng, cậu bé nhiễm HIV ở Quảng Ninh cũng cùng trang lứa với Diễm Quỳnh là con của một anh chủ nhiệm một câu lạc bộ của những người sống chung với HIV. Mẹ của cháu Diễm Quỳnh và anh Lợi, bố cháu Hoàng, hay nói đùa với nhau là “Hay là tôi với bà nhận thông gia cho chúng nó cưới nhau. Thằng Hoàng nhà tôi bạn gái thích lắm. Tôi không biết phải giải quyết thế nào”.

Thông qua thu thập nguồn thông tin từ các nhóm cộng đồng của những người sống chung với HIV tại một số tỉnh phía Bắc, số trẻ em nhiễm HIV ở độ tuổi từ 10 đến 18 lên tới hàng trăm  em. Trên thực tế số trẻ này trong cộng đồng có thể nhiều hơn.

Mặc dù chưa có chuyên gia và nghiên cứu nào chỉ ra những nguy cơ, rủi ro đối với các trẻ em nhiễm HIV đã trở thành hoặc sắp trở thành thanh thiếu niên nhưng những người đi trước đang sống chung với HIV trong đó có bố mẹ các em đã dự đoán về điều này.

Những em này có thể làm lây nhiễm HIV ra những thanh thiếu niên khác qua quan hệ tình dục không an toàn.  Hoặc các em có thể lây nhiễm ngược lại các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục như viêm gan siêu vi B, C từ các thanh thiếu niên khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em gây khó khăn cho công tác  điều trị lâu dài.

Các em đã đến tuổi vị thành niên vì thế cơ thể của các em đã phát triển và có nhu cầu về tâm sinh lý đòi hỏi hết sức mạnh mẽ, do sự hấp dẫn bởi giới tính nên có nhu cầu về quan hệ tình dục. Do đó, các em có thể có bạn trai hoặc bạn gái và có thể vượt quá giới hạn, cụ thể là có hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Vấn đề có thai ngoài ý muốn hoàn toàn có thể xảy ra.

Đối với những em bỏ học sớm do nhiều hoàn cảnh khác nhau, thông tin tự bảo vệ mình còn chưa có, nói gì đến dự phòng từ mẹ sang con. Các em là những đứa trẻ mới lớn nên cơ quan sinh dục của các em rất dễ bị tổn thương hay xây xước do quan hệ lần đầu tiên, đây là yếu tố và là “cửa ngõ” thuận lợi cho lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua tình dục khác như viêm gan siêu vi B hoặc C.

Các em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, rủi ro trong cuộc sống có thể xảy ra trong tương lai: Các em gái có thể bị hiếp dâm, bị lôi kéo vào các hoạt động lao động tình dục như bán dâm. Các em trai có thể tìm đến các dịch vụ lao động tình dục nhằm thỏa mãn nhu cầu về sinh lý. Do thiếu kiến thức hoặc các em còn trẻ nên thường được phụ nữ lao động tình dục khuyến cáo không cần sử dụng bao cao su vì họ cho rằng các em còn trẻ nên không có bệnh tật.

Từ đó, có thể lây HIV ra nhóm phụ nữ bán dâm và đồng thời các em có thể lây các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các em (đồng nhiễm) hoặc lây các chủng virus HIV mới (bội nhiễm) gây khó khăn cho điều trị lâu dài. Các em là nhóm dễ bị tổn thương cũng có thể bị lôi kéo vào các hoạt động sử dụng ma túy. Đặc biệt là ma túy tổng hợp như  ma túy đá (ATS). Dẫn đến quan hệ tình dục theo nhóm và không an toàn làm lây nhiễm HIV ra thanh thiếu niên khác. Các em đã điều trị ARV nhiều năm nếu lây nhiễm HIV ra cộng đồng đặc biệt là các chủng virus kháng thuốc rất khó. Có thể khó điều trị và can thiệp.

Vấn đề tâm lý và hoà nhập với cuộc sống xã hội đối với trẻ em có HIV đang ở tuổi dậy thì cũng rất đáng quan tâm. Quan sát thực tế cho thấy một số trẻ có biểu hiện vấn đề về tâm lý như: Bị trầm cảm, tự kỳ thị và không cởi mở khi giao lưu với những đứa trẻ cùng trang lứa khác.

Do tác động về môi trường từ bên ngoài như kỳ thị tại trường học, bạn bè cùng trang lứa hay cơ sở giáo dục, các em đã biết và cảm nhận được bản thân là người có bệnh từ gia đình, ông bà hay bố mẹ. Vì thế các em mặc cảm về tình trạng bệnh tật của mình, không tự tin và sống khép kín, không giao tiếp cởi mở với thế giới bên ngoài và các bạn cùng trang lứa khác.

Thực tế hiện nay, các chương trình, dự án, các tổ chức phi chính phủ bao gồm cả quốc tế và Việt Nam liên quan đến phòng, chống  HIV về dự phòng cũng như hỗ trợ chăm sóc đều tập trung cho người lớn. Hiện nay, cho đến thời điểm này, chưa có một dự án, chương trình hay tổ chức nào quan tâm, hỗ trợ cho nhóm này. Và rất nhiều nguy cơ nếu chúng ta can thiệp muộn.

Đồng Đức Thành
.
.
.