Nỗi khó của lao động “3 không” trong mùa dịch
- Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19
- Rau, hoa Đà Lạt trong mùa dịch COVID-19
- Hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu/tháng
Đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắp nơi trên cả nước tối đa tạm ngưng mọi hoạt động tụ tập đông người. Mọi dịch vụ đều giảm thiểu tối đa. Nếu như các loại hình dịch vụ công đi vào hoạt động “ảo”, trực tuyến, thì các dịch vụ tư, từ cắt tóc, hàng quán ăn, cà phê cóc…đều phải ngừng lại.
Hệ lụy kéo theo là hàng trăm ngàn lao động nhất là ở diện “3 không” (thu nhập không ổn định, không hợp đồng lao động, không bảo hiểm y tế -BHXH) liêu xiêu vì mất việc…
Đảo lộn cuộc sống
Cuộc sống bao giờ trở lại bình thường là câu hỏi trong từng người dân thời điểm khó khăn này! Ngày 24/3, TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc công văn chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, tạm dừng hoạt động quán bia, vui chơi bida, cơ sở dịch vụ ăn uống không tập trung 30 người trở lên. Không còn cảnh 5-6h sáng mọi ngả đường của Sài Gòn đã tấp nập, chen chân đi làm cho kịp giờ.
Nhiều lao động thời vụ mất việc bởi chủ kinh doanh phải trả lại mặt bằng vì dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ) |
Sài Gòn trong mùa dịch COVID-19 thật yên ắng. Nhịp sống chậm hẳn lại. Từng người tuân thủ mang khẩu trang khi ra đường. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” chạy sầm sập sau lưng của không ít người khi mất nguồn mưu sinh có được hằng ngày trong cuộc sống.
Khuya 23-3 trên đường Hà Huy Giáp, Q.12 khi chúng tôi ghé thăm một tiệm uốn tóc nữ vẫn còn thấy 3 nhân viên của quán đang cặm cụi làm móng cho khách. Một bạn lo lắng: “Dịch Corona này nguy hiểm quá! Tụi em sẽ cố gắng làm nốt đêm nay để kiếm chút tiền tiêu cho cả tuần tới bị ngưng hoạt động”.
Bạn gái này cho biết, cô là 1 trong 5 nữ nhân viên được chủ tiệm thuê làm việc hằng ngày. Mỗi người một khâu như gội đầu, massage, cắt uốn tóc, làm móng cho khách. Lương là 3 triệu đồng/tháng. “Tụi em được chủ cho cơm nuôi 3 bữa. Nay phải nghỉ 1 tuần chống dịch, mọi người đều rất buồn. Nếu nghỉ dài hơn hay cả tháng tụi em đói mất!
3 triệu/tháng chúng em phải chi tiền gửi về quê cho cha mẹ, tiền uống nước, tiền thuê nhà là 1,7 triệu đồng/tháng. Nếu lên địa bàn quận 1, quận 3 thì mức lương này không đủ chi trả tiền trọ. Tụi em cũng không dám về quê ngay lúc này, ở lại ráng hết thời gian cấm chắc sẽ được làm tóc trở lại”.
Anh Hoàng làm phụ hồ nhưng do tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng, ông chủ thầu của anh cho nhân viên nghỉ hết. Mất việc, mất thu nhập anh đành phải về nhà trông con cho vợ còn đang phải làm công nhân tại xí nghiệp may tư nhân.
Chị Huỳnh Thị Hiền là công nhân của một DN da giày xuất khẩu tại quận Bình Tân cũng cho biết: “Công ty em mới nhận được tin vui chưa lâu là có đơn đặt hàng xuất khẩu tới hơn 100.000 sản phẩm giày các loại. Các tổ tăng ca thời gian rồi và sắp hoàn thành lô hàng, chuẩn bị xuất đi Mỹ thì nhận được báo hoãn bởi phía nhà nhập khẩu tạm ngưng vì dịch COVID-19. Công ty phải cho một nửa số nhân công tạm nghỉ việc, hưởng 70% lương; một số người ở diện làm việc luân phiên và được lệnh là ngồi chờ. Tình trạng này mà kéo dài 3-4 tháng thì công ty khó khăn mà công nhân cũng đói chị ạ”.
Có thể nói là trong “cơn bão” hoành hành của đại dịch COVID-19, mọi tầng lớp người dân đều bị ảnh hưởng, tác động vào cuộc sống. Sinh hoạt bị đảo lộn. Nhất là những người trong lao động diện như: phụ quán, giúp việc, làm thuê thời vụ tại các cơ sở quán ăn, nhà hàng, nhân viên phòng massage, phục vụ nhà hàng karaoke, quán bar, phụ hồ,… không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Chia sẻ khó khan cùng doanh nghiệp
UBND TP Hồ Chí Minh đã có một số tờ trình đề nghị HĐND TP thông qua một số mức chi theo chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết đời sống cho các đối tượng gồm người lao động bị thất nghiệp do dịch COVID-19, bao gồm: dịch vụ nhà hàng - khách sạn, vận tải, may mặc… cả giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ. Mức hỗ trợ được đề nghị với là: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng. Từ tháng 4 tới tháng 6/2020. Số lượng đối tượng được hỗ trợ này được TP dự kiến sẽ lên tới khoảng 600.000 người lao động
Trao đổi thêm về vấn đề lao động thời dịch COVID-19, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số thông tin, người lao động bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm hiện nay cao nhất thuộc các nhóm lao động thời vụ, lao động phổ thông.
Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này cũng là lúc để tạo điều kiện các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh tế đào tạo lại nguồn lao động, nâng cao trình độ cho nhân viên. Để đợi tới khi dịch bệnh hết, tình hình yên ắng trở lại thì các cơ sở khối dịch vụ như nhà hàng, khách sạn sẽ lại thiếu lao động.
Như vậy, hai vấn đề đặt ra lúc này, đó là, chủ các doanh nghiệp cũng cần có yêu cầu đặt ra về kỹ năng, tay nghề của người lao động, mặt khác cũng cần có chế độ, có chính sách giữ người, cũng như cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động.
Ngoài ra, việc buộc phải cho lao động nghỉ việc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hay cắt giảm bớt nhân lực lao động để duy trì cơ sở kinh doanh là điều đương nhiên. Những lúc “dầu sôi lửa bỏng” như này, trên góc độ người với người thì NLĐ cũng nên chấp nhận và chia sẻ gánh nặng với chủ doanh nghiệp.
Trước mắt quan trọng hơn là mỗi người dân nên chú ý giữ gìn sức khỏe, có ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Nếu có điều kiện cũng nên về quê tạm thời để gần gũi gia đình, giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt khi ở TP Hồ Chí Minh.