Góc nhìn văn hóa

Nỗi đau từ một… cái tát

Chủ Nhật, 20/08/2017, 07:35
Ngày đầu tuần, trên Facebook lan tỏa một đoạn video ngắn, trong đó là cú dang tay vả hết lực vào mặt một nữ nhân viên bán hàng. Chủ nhân cú đánh như kẻ thù ấy thuộc về một anh đàn ông giàu có mang tên Khánh.


Tất nhiên không cần phải mắng góp thêm về hành vi đó, cộng đồng mạng, dư luận, báo chí sỉ vả có lẽ đã hòm hòm. Anh ấy nhanh nhảu xin lỗi, rất “trí tuệ” và đúng bài bản của một doanh nhân.

Hành hung phụ nữ ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm, từ những căn phòng tiện nghi đầy đủ kín đáo cao cấp cho tới xóm trọ nghèo nàn. Phụ nữ đa số im lặng, phải chăng dòng mã trong chuỗi xoắn ADN của họ đã có một đoạn thay đổi hãy biết cam chịu trong quá trình hoàn thiện tiến hóa hay còn có lý do quan hệ xã hội nào khác khiến họ sợ hãi?

Cái tát vào mặt người khác không hề giống việc gõ sai vài ký tự trên bàn phím máy tính để có thể dễ dàng ấn lệnh Undo (làm lại từ đầu). Đoạn clip kể trên ít nhất cũng mang lại một tín hiệu tốt, bởi nó đã đánh động vào sự phẫn nộ của đám đông mà những người bi quan hay buồn rầu than vãn rằng xã hội đang ngày trở nên quá vô tâm, độc ác hoặc sa đà vào những điều nhảm nhí đầy rẫy trên mạng xã hội.

Mạng xã hội đẩy được sự phẫn nộ lên đỉnh điểm để những kẻ chân tay to hung hăng ấy biết cúi đầu nhận lỗi. Và ở khía cạnh nào đó, mạng xã hội cũng chính là một sân khấu hoàn hảo.

Tôi đã từng rất ngạc nhiên, ngạc nhiên đến tột độ khi thấy một nam giới khá nổi tiếng lên Facebook tuyên ngôn những điều tốt đẹp bảo vệ phụ nữ. Tất nhiên những người hâm mộ anh ta vào cổ vũ và lấy đó như tấm gương sáng lồng lộng để chia sẻ răn dạy bạn bè hãy cư xử thật đẹp đẽ với nửa còn lại của thế giới.

Điều tôi ngạc nhiên bởi trong giới nghệ thuật nhiều người biết rõ, chứng kiến gã nổi tiếng này đánh đàn bà. Gã mà đánh thì mắt các cô gái liên quan đến chuyện tình cảm cứ gọi là mắt đen sì như con gấu Panda hoặc nhẹ hơn thì chuyển sang màu tím hoa sim.

Người ta ngại dây với “Chí Phèo”, không ai bóc mẽ gã trên mạng cả và thậm chí ngay cả đối với những nạn nhân, có một bức tường cao như sân khấu che khuất được bản chất sự thật và tôn vinh những thói đạo đức giả.

Phụ nữ vẫn tiếp tục bị ăn tát bởi những hục hoặc cảm tính “thích thì đánh thôi” như vụ đánh một nhân viên mặt đất tại sân bay Nội Bài cách đây vài tháng, hoặc đơn giản hơn nhiều là vu cho họ “nói láo” như lời giãi bày trên báo chí nguyên nhân đánh người của vị doanh nhân tên Khánh nói trên.

Tôi nhớ lại có một lần ngồi trò chuyện cùng anh bạn người Palestine đã làm việc tại Việt Nam từ những năm 1980, anh theo đạo Hồi. Anh ta ngao ngán lắc đầu phàn nàn về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ của người Việt bởi đã chứng kiến quá nhiều khi tôi gợi chuyện.

Tất nhiên, mọi sự so sánh là khập khiễng, anh ta nói vậy, ở đất nước anh ta sống, phụ nữ chỉ cần có tiếng kêu to khi bên cạnh một người ông nơi công cộng đã là vấn đề. Người đàn ông đó có thể khó trở về đến nhà lành lặn nếu có bất kể hành vi gì không tôn trọng phụ nữ chứ đừng nói là “một cái tát”.

Một cái tát, chúng ta chưa có chế tài xử lý, chỉ có sự phẫn nộ suông và vài ngày người ta quên ngay. Đó là sự thật về hấp thụ thông tin quá tải thời đại Internet, chúng ta lên án và bỏ đó như một đứa trẻ có đồ chơi mới.

Sự hình thành nhân cách con người phụ thuộc vào tình thương và sự tổn thương được tạo ra bởi chính những người xung quanh, từ cả những đòn roi quá khứ.

Nếu cảm nhận được sự đau xót từ một cái tát thì chúng ta sẽ chẳng thể tát ai.

Có lẽ vậy?

Hoàng Minh Trí
.
.
.