Nở rộ dịch vụ dạy bơi trong dịp hè: Bỏ quên chất lượng
Nhốn nháo dạy bơi
Vào những ngày giữa hè nắng nóng, bể bơi tư nhân ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội luôn đông người. Nhưng, giữa những người đi bơi giải nhiệt thì số người đưa trẻ đến tập bơi chiếm số lượng đông hơn. Mấy chục trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau vây quanh một ông thầy dạy bơi. Một mình ông thầy loay hoay với các học trò, trong khi phụ huynh đứng trên bờ cứ trông con mà sốt ruột.
Chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh đưa con đến học bơi cứ thắc thỏm: “Tôi phải đóng tiền cho con học bơi. Chi phí 1 triệu đồng/khóa học, lại thêm 400.000 đồng tiền vé tháng. Thế mà cháu chẳng được thầy dạy là bao. Vì có quá đông trẻ học bơi nên mỗi buổi, thầy chỉ hướng dẫn cháu được có một lần. Tập cả chục ngày mà cháu chưa làm được đúng động tác”.
Trẻ học bơi tại Trường Thể thao thiếu niên 10-10 Hà Nội. |
Không ngồi trên bờ như các phụ huynh khác, ông Nguyễn Cường phải mua vé xuống bể để hướng dẫn cháu tập bơi, dù cháu ông vẫn đóng tiền học bơi 1 triệu đồng như những đứa trẻ khác. Ông Cường than thở: “Tiếng là cháu có thầy dạy nhưng thời gian thầy dạy các cháu bơi quá ít, không tương xứng với số tiền phụ huynh đóng học bơi cho con”. Theo quy định của bể bơi này, mức thu tiền học bơi là 1 triệu đồng. Ngoài ra, ai xuống bể thì tính vé, kể cả trẻ đã đóng tiền học bơi. Thế nên, khi phụ huynh cũng phải xuống bể cùng con khiến cho công cuộc học bơi của trẻ em trở nên đắt đỏ hơn.
Bể bơi P.A. ở quận Long Biên, Hà Nội cũng tận dụng hết công suất của bể như vừa cho người vào bơi tự do, vừa mở lớp học bơi nên sự lẫn lộn này khiến thầy giáo không phân biệt được ai học bơi, ai là khách. Từ 17h30 đến 20h30, bể thường xuyên trong tình trạng quá tải. Chị Nguyễn Thu Thanh ở phường Đức Giang đưa con trai đến tập bơi với mục đích rèn luyện kỹ năng cho con, đồng thời chị cũng tập bơi. Chị kể: “Vào giờ cao điểm tôi không dám tập bơi vì không có không gian để tập, toàn va vào người khác”...
Theo phản ánh của các phụ huynh cho con đi học bơi, chất lượng giáo viên dạy bơi là vấn đề đáng lo ngại. Ví dụ như ở một bể bơi tư nhân tại huyện Gia Lâm, thầy giáo dạy bơi cho con nhỏ năm nay thực chất chỉ là nhân viên cứu hộ của bể bơi những năm trước. Vì chạy theo số lượng, mục đích là thu tiền học nhiều nên các bể bơi tư nhân không bố trí nhiều giáo viên dạy bơi, dẫn đến học viên nhiều mà giáo viên ít.
Ngay cả các trung tâm thể thao có tiếng trong nội thành Hà Nội như Trường Thể thao thiếu niên 10-10, lớp học bơi cũng lên tới 120 cháu, quy định là 3 giáo viên một lớp nhưng lúc chúng tôi có mặt thì chỉ 2 giáo viên hướng dẫn dưới nước khiến một số trẻ thi nhau đùa nghịch vì thầy giáo còn đang hướng dẫn quay vòng.
Không kiểm soát được chất lượng dạy, học bơi
Mở lớp dạy bơi tràn lan, thuê thầy dạy bơi không có chuyên môn, dạy bơi không đúng động tác và quảng cáo “không biết bơi không lấy tiền” khiến nhiều phụ huynh bức xúc bởi con họ học gần hết khóa mà vẫn chưa biết bơi. Nhiều lớp học bơi mở ra, quảng cáo rầm rộ, nhưng trẻ học có biết bơi hay không lại là một chuyện.
Hiện nay, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội vào dịp hè, giáo viên dạy thể dục phát tờ rơi chiêu sinh lớp học bơi đến tay học sinh. Anh Nguyễn Tuấn Hùng, có con học Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Con trai mang tờ thông báo tuyển sinh của thầy dạy thể dục về nói rằng muốn học bơi. Tôi cũng muốn cho con học nhưng hơi băn khoăn, thầy có phải là huấn luyện viên bơi không, bởi nếu sai động tác thì rất khó sửa. Thầy bảo nếu học cả khóa mà không biết bơi sẽ hoàn lại học phí. Biết bơi là phải bơi đúng kỹ thuật, còn nếu cứ như “cào cào” thì không thể gọi là bơi được”.
Thầy giáo Trịnh Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Thể thao thiếu niên 10-10 (Hà Nội) cho biết, bộ môn bơi là một môn hoạt động ở dưới nước nên đòi hỏi giáo viên phải đúng chuyên ngành, bởi vậy nhà trường đặt yêu cầu khắt khe đối với các huấn luyện viên (HLV) là phải tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao chuyên ngành bơi. Trường 10/10 hiện có 14 huấn luyện viên dạy bơi, mỗi khóa học thời gian là 3 tháng.
Quy trình đào tạo khắt khe hơn, đó là 1,5 tháng đầu các HLV trang bị kỹ thuật trườn sấp, trườn ngửa cho các con. Sau đó kiểm tra giữa kỳ để kịp thời điều chỉnh những tồn tại và xác định xem mức độ trẻ đạt được. Đến cuối kỳ mời phụ huynh lên nghiệm thu sản phẩm trong 3 tháng đào tạo và cấp giấy chứng nhận với những học sinh bơi được 25m (mới gọi là biết bơi). Trường 10-10 chỉ tuyển sinh khi trẻ học hết lớp 2 bởi theo thầy Nghị thì kỹ thuật trườn sấp rất khó, đòi hỏi phải có thể lực. Nếu các con học xong trườn sấp thì học các kiểu bơi khác rất nhanh.
Đuối nước thương tâm liên tục diễn ra từ đầu hè đến nay khiến cho nhu cầu học bơi của trẻ em ở Hà Nội càng lớn, dẫn đến tuyển sinh ồ ạt, trong khi chất lượng của giáo viên dạy bơi không ai kiểm soát. Và đã có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra ở chính bể bơi, trong giờ học bơi. Bơi lội là môn đặc thù, hiện không ai quản lý các lớp học bơi tự do, tự phát như trên. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, quản lý để đảm bảo an toàn và học bơi đúng kỹ thuật cho trẻ.
Nói về một số bể quảng cáo “10 ngày biết bơi, không biết bơi sẽ hoàn trả tiền”, thầy Nghị đặt câu hỏi: “Biết bơi là bơi như thế nào? Kỹ thuật và động tác là gì thì không bể nào khẳng định được”. “Giữa quảng cáo và thực tế khác nhau. Vì tuyển vào ồ ạt, quá đông nên giáo viên không đủ thời gian kèm cặp học sinh. Hết khóa học, ai bơi được hay không bơi được cũng đánh đồng như nhau”- chị Nguyễn Thị Liên có con học bơi tại Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình chia sẻ. |