Những phận đời vượt lên nỗi đau bom đạn

Thứ Tư, 01/07/2015, 10:06
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng nỗi đau của nó vẫn hiện hữu từng ngày. Trên đất Quảng Trị, bom đạn còn sót lại vẫn nổ giữa thời bình, khiến bao gia đình rơi vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng, hàng chục ngàn người bị thương tật. Tuy nhiên, bằng ý chí và sức sống mãnh liệt của con người đã giúp họ vượt lên nỗi đau bom đạn, đi tìm hạnh phúc, tương lai tương sáng…
Sau tiếng nổ đinh tai xé nát buổi chiều hè bình yên ngày 23/6, dân làng Kinh Tế Mới, xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) vội vàng chạy đến khoảnh rừng tràm thì mặt đất đã xuất hiện một hố sâu, đặc quánh mùi thuốc nổ khiến nhiều người ho sặc sụa, và những mảnh xương thịt vương vãi của một người vừa bị đạn pháo nổ.

Nạn nhân được xác định là anh Lê Hữu Hà (43 tuổi, trú thôn Bình Tiến, xã Gio Bình, Gio Linh). Nước mắt, sự hãi hùng là điều hiển hiện trên gương mặt của mỗi người, nhất là người thân của nạn nhân. Suốt từ 18h hôm đó đến tận gần sáng hôm sau, người nhà nạn nhân và bà con chòm xóm phải soi đèn pin lần tìm những mảnh thi thể còn sót lại của anh Hà… Anh Hà ra đi quá bất ngờ đến nỗi người vợ và 3 đứa con từ 1,5-6 tuổi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra.

Trong chuyến công tác, chúng tôi tình cờ gặp chị Hoàng Thị Đào (43 tuổi, trú thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Câu chuyện buồn của gia đình chị cũng bắt đầu bằng hai từ… bom đạn. Khi người con gái Lê Thị Mai (19 tuổi) lên 6 tuổi bị mắc bệnh bệnh thận, vợ chồng chị gắng sức làm lụng, chắt bóp từng đồng; nhưng vẫn không đủ tiền đưa con đi viện.

Nhìn đứa con gái ngày càng xanh xao, đau đớn, hao gầy đi vì bạo bệnh, vợ chồng chị đau đứt từng khúc ruột. Và rồi, chồng chị là anh Lê Hữu Sức quyết định chấp nhận nguy hiểm, theo một số người đi tìm phế liệu chiến tranh. Ngày chồng xách cuốc ra đi làm cái nghề “tìm kiếm tử thần”, chị như ngồi trên đống lửa. Và, điều gì đến đã đến.

Vào một buổi sáng năm 2004, khi anh Sức đang hì hục đào tìm một quả bom to ở độ sâu hơn 10m trong lòng đất thì bất ngờ hố bom bị sập. Nghe anh Sức kêu cứu, những người đi đào bom trong vùng biết chuyện vội vàng lao đến. Nhưng, vì anh đào trúng hố bom có mạch nước ngầm quá lớn, đất mềm nên đất đá cứ liên tục ụp xuống, không ai dám ứng cứu, mà có cứu cũng không được, có khi chết thêm nhiều người. Khoảng 30 phút sau, anh Sức bị đất đá chôn vùi dưới hố sâu…

Vợ chồng anh Trung, chị Bốn hạnh phúc bên nhau.

Cũng là một nạn nhân bom mìn, ông Đào Đăng Yến (57 tuổi, cùng trú thôn Kinh Môn, Trung Sơn, Gio Linh) may mắn còn lại mạng sống; nhưng hai cánh tay đã bị quả bom bi nổ cắt cụt. Tai nạn xảy ra năm ông chưa tròn 17 tuổi, trong lúc giúp bố mẹ dọn cỏ trồng tiêu. Giơ cao hai cùi tay cụt chỉ cho chúng tôi hơn 100 góc hồ tiêu sắp đến vụ thu hoạch, ông Yến cười trong nước mắt: “Tui may mắn có được một gia đình biết yêu thương, một người vợ luôn kề vai sát cánh nên đã xóa bỏ được mặc cảm, không còn nghĩ đến cái chết”...

Hỏi ra mới hay, sau vụ tai nạn, ông Yến đã cố gắng tập luyện để tự lo cho sinh hoạt của mình. Và giờ đây, khi nhắc đến ông Yến, ai cũng phải thán phục tài xớt cỏ nhanh hơn cả người thường. Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết rằng ông không những tự lo cho sinh hoạt bản thân mà còn là người chăm sóc vườn hồ tiêu, cây trái, đồng áng, có lúc đảm đương luôn việc chợ búa khi vợ đi xa. Riêng 100 gốc tiêu ông chăm sóc mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Tương tự, anh Sức chết đi, chị Đào phải thay chồng gồng gánh bươn chải đủ nghề cày thuê cuốc mướn nuôi con.

Suốt 10 năm qua, 3 mẹ con chị truyền cho nhau từng hơi ấm gia đình để gắng gượng vươn lên. Thấu hiểu nổi khổ của mẹ, hai con chị đã nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập. Hiện nay, đứa lớn đã là sinh viên năm thứ nhất ngành Sư phạm Văn - Đại học Sư phạm Huế; còn đứa thứ hai học lớp 11, Trường THPT Vĩnh Linh (Quảng Trị), năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường...

Chuyện tình cảm động của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Trung (43 tuổi, trú thôn Giàng Phao, Trung Sơn) làm lay động lòng người bởi sự nỗ lực, vượt qua nỗi đau bom đạn để đi tìm hạnh phúc cho đời mình. Câu chuyện buồn của anh Trung xảy ra năm 1997, khi một nhóm trẻ em nghịch dại với quả bom phát nổ, khiến mảnh bom văng trúng cắt cụt chân anh. Từ đó, những suy nghĩ cuộc đời đen tối, chết chóc cứ bám lấy cuộc sống của anh.

Mãi cho đến năm 2000, như một mối lương duyên ông trời sắp đặt, anh Trung đã gặp và được chị Lê Thị Bốn (43 tuổi, quê ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và được chị chăm sóc, yêu thương. “Lúc đó tui được một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng điều trị. Còn vợ tui (chị Bốn) đang chăm sóc em trai nằm chung phòng bệnh.

Nhìn thấy Bốn, tui đã có cảm tình; nhưng mang thân hình khuyết tật nên tui không dám mở lời”, nhớ lại chuyện cũ anh Trung tâm sự. Còn chị Bốn cho biết rằng, lúc nhìn thấy anh Trung đi lại cực khổ nên chị giặt quần áo giúp anh, chăm sóc rồi yêu anh khi nào không hay. Biết là không thể sống thiếu nhau nên chị quyết định đưa anh Trung về nhà ra mắt gia đình; nhưng bị cha mẹ phản đối kịch liệt vì sợ chị sẽ khổ khi làm vợ người tàn tật.

Nhưng, tình yêu sâu đậm đã giúp chị có dũng khí vượt qua ngăn cấm, cả hai cùng vận động và cuối cùng được cha mẹ đồng ý. Vậy là sau 6 tháng yêu thương trong bệnh viện, đôi uyên ương Trung-Bốn đã có một lễ cưới đạm bạc để trọn đời bên nhau… Bây giờ, cả hai đang vui vầy bên 3 đứa con, cũng là món quà vô giá kết tinh từ tình yêu vượt qua nỗi đau bom đạn.

Bảo Ngọc
.
.
.