Những người “trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”

Thứ Hai, 18/01/2016, 08:14
Những cán bộ quan trắc công tác tại Đài Khí tượng thủy văn như những con ong cần mẫn cập nhật số liệu, dự báo tình hình, truyền tải thông tin của các phòng, các trạm KTTV theo từng giờ, từng thời điểm trong ngày.
Đài Khí tượng thủy văn
Đài Khí tượng thủy văn


Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Đông Bắc, (trụ sở tại quận Kiến An, TP Hải Phòng), thuộc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, là nơi đặt nền móng đầu tiên cho ngành KTTV Việt Nam. Do đặc thù công tác, mỗi đơn vị đóng tại một địa bàn khác nhau, từ vùng núi cao đến biên giới, hải đảo xa xôi. Những cán bộ quan trắc như những con ong cần mẫn cập nhật số liệu, dự báo tình hình, truyền tải thông tin của các phòng, các trạm KTTV theo từng giờ, từng thời điểm trong ngày.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Vũ Thắng, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đông Bắc cho biết, đơn vị có các nhiệm vụ sau: điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn và môi trường, quan trắc môi trường. Dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Đài có 61 đơn vị trực thuộc, 5 phòng chức năng, 5 đài KTTV tỉnh, 51 trạm KTTV nằm rải rác trên 6 tỉnh, thành phố trong khu vực với nhiều trạm vùng sâu, biên giới, hải đảo. 

Đơn vị tổ chức điều tra cơ bản, dự báo về khí tượng, thủy văn, môi trường không khí và nước trong phạm vi khu vực các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng thiên nhiên thời tiết cực đoan, những đợt nắng nóng và mưa lũ kéo dài. Do đó, công tác điều tra, dự báo KTTV trở nên cấp thiết, đóng vai trò quan trọng.

Cán bộ quan trắc ngoài trời.

Công việc hằng ngày của những cán bộ, công nhân viên ở các trạm, phòng thuộc Đài KTTV rất âm thầm, lặng lẽ. Vào những ngày thời tiết nhiều biến động, công tác quan trắc số liệu, dự báo tình hình, truyền tải thông tin được thực hiện liên tục, cập nhật từng phút. 

Những người làm công tác khí tượng có nhiệm vụ quan trắc và phát báo về những yếu tố khí hậu, thời tiết như: gió, mưa, nắng, độ ẩm, nhiệt độ (nhiệt độ đất và không khí)… Trung bình một ngày, các quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo - gọi là 8 OBS. Trong đó có 4 OBS chính và 4 OBS phụ. Những ngày bình thường, quan trắc viên thực hiện 3 giờ/1 OBS. 

Trong những ngày mưa bão, công việc này tăng lên gấp 6 lần, 30 phút/1 OBS. Những cán bộ làm tại các trạm rađa thời tiết thường trực theo dõi hình ảnh mây rađa, thông tin về mây cho các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cứ 5 phút/lần, các quan trắc viên trạm rađa thực hiện truyền tải thông tin xuống Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Nếu quan trắc thấy vùng mây nguy hiểm, các quan trắc viên phải thông báo kịp thời về trung tâm. 

Trong ca trực, các cán bộ, nhân viên tập trung theo dõi số liệu, cập nhật tình hình, không rời mắt khỏi màn hình máy tính, rađa. Những người làm công tác dự báo thủy văn, hải văn làm nhiệm vụ quan trắc về độ cao của sóng, nhịp sóng, độ mặn, nhiệt độ của nước…

Đài KTTV Phù Liễn xây dựng năm 1902, trên đỉnh núi Đẩu Sơn (phường Phù Liễn, quận Kiến An, TP Hải Phòng), ở độ cao 116m so với mặt nước biển, rộng 2ha. Đài thu phát tin dự báo khí tượng thủy văn vùng Đông Bắc Việt Nam tới các đài khí tượng tại Việt Nam, Lào, Campuchia và các trạm khí tượng quốc tế trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương để lập biểu, bản đồ thời tiết phục vụ giao thông hàng hải trên biển Đông. 

Hằng ngày, các bản tin dự báo thời tiết được phát bằng vô tuyến điện, điện thoại, thông báo ở cảng, ở các phòng bưu điện ven biển và phát trên cột tín hiệu biển. Khi có bão, các bản tin được phát liên tục nhiều lần trong ngày. Đài KTTV Phù Liễn là trung tâm nghiên cứu dự báo khí tượng hàng đầu ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ... trên biển, cung cấp số liệu cho bản tin dự báo tổng hợp của quốc gia. 

Năm 2000, Đài Phù Liễn lắp đặt hệ thống rađa thời tiết và những thiết bị nâng cao khả năng theo dõi; giám sát mọi diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn, môi trường. Năm 2002, Đài sử dụng trạm quan trắc môi trường không khí tự động hiện đại đầu tiên tại Việt Nam. Đài KTTV khu vực Đông Bắc có các đơn vị đóng tại các địa bàn trọng điểm. Điển hình, Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, là con mắt canh bão cho miền Bắc Việt Nam. Trạm khí tượng thủy văn Bảo Lạc, thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, cách Đài KTTV khu vực Đông Bắc 600km, gần khu vực biên giới.

Tuy công việc mưa nắng, vất vả, đồng lương hạn hẹp nhưng cán bộ ngành KTTV vẫn gắn bó với nghề. Anh Nguyễn Ngọc Minh, Trạm trưởng Trạm KTTV Phù Liễn chia sẻ: “Tôi công tác tại đơn vị gần 20 năm. Năm 2010, tôi được giao nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Khí tượng Phù Liễn. Đơn vị tôi đóng trên núi cao, tách biệt với nhân dân xung quanh, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn. Do đặc thù công tác, các cán bộ trong đơn vị không có khái niệm ngày nghỉ. Công việc vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đơn vị có các nhiệm vụ như: quan trắc khí tượng gồm các yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, gió, khí áp, mây, mưa, áp suất khí quyển; quan trắc môi trường, đo đạc thành phần hóa học có trong môi trường như C, H, O và quan trắc bức xạ: đo năng lượng, cường độ bức xạ mặt trời chiếu xuống mặt đất. Hàng ngày, các cán bộ, nhân viên trực 24/24h để theo dõi diễn biến thời tiết, bức xạ mặt trời, mây, mưa, nắng, gió, bão… Trung bình, Đài thực hiện quan trắc 3 giờ/kỳ/ngày, khi có gió bão thì 30 phút/lần, khi có thời tiết bất thường thì 15 phút/lần”.

Với lòng yêu nghề, các cán bộ dự báo viên thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức về công nghệ và phương pháp; phạm vi và hạng mục dự báo KTTV. Do đó, chất lượng, hiệu quả công việc được nâng cao, thời gian dự báo tăng lên và dự báo sớm, góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phục vụ công tác sản xuất và đời sống của nhân dân. 

Trước đây, lượng mưa chỉ dự báo theo định tính, nay dự báo được định lượng tương đối rõ ràng. Đơn vị dự báo được hầu hết các cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông kịp thời; theo dõi, dự báo sát diễn biến tình hình, nhất là những cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết khu vực Đông Bắc, trong đó có Hải Phòng. Chất lượng các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày được nâng lên, sát với diễn biến của tình hình thời tiết, tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp… 

Theo chủ trương hiện đại hóa ngành KTTV, mạng lưới quan trắc của đài được đầu tư xây dựng, trang bị thiết bị kỹ thuật chuyên môn hiện đại, tiên tiến phục vụ công tác điều tra cơ bản và dự báo. Từ đó, đáp ứng yêu cầu về công tác chỉ đạo phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đăng Hùng
.
.
.