Những người phụ nữ dệt ước mơ từ sợi lanh

Chủ Nhật, 20/10/2019, 19:17
Những sợi lanh tuy nhỏ bé nhưng đã giúp cuộc sống của người phụ nữ dân tộc Mông làm việc tại Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A (HTX Lanh Trắng) thay đổi từng ngày, từ đó hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ qua biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự và quyền con người.

Những phụ nữ Mông do hệ lụy từ nạn bạo hành gia đình, khiến hôn nhân bế tắc và hình thành suy nghĩ sang biên giới tìm việc để “đổi đời”, để từ đó không may trở thành nạn nhân của nhiều vụ buôn bán người là những câu chuyện không hiếm gặp tại các khu vực vùng cao biên giới và xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cũng không phải là ngoại lệ.

Các chị em là thành viên HTX đang tham gia sản xuất.

Thế nhưng, các câu chuyện buồn trên đang trôi dần về quá khứ khi trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn, cuộc sống của người phụ nữ nơi đây ngày một tốt đẹp hơn. Từ mùa xuân năm 2018, đến với Cao nguyên Đồng Văn – Hà Giang, tại các điểm du lịch nổi tiếng như Dinh thự nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng sản phẩm gia dụng dệt từ lanh trắng – một loại vải truyền thống của người Mông.

Với khát khao cháy bỏng muốn tạo công ăn việc làm, khẳng định giá trị của người phụ nữ cùng những kinh nghiệm từ khi còn nhỏ được gia đình truyền dạy lại trong việc tạo ra sản phẩm như váy, áo từ sợi lanh, chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn; người sáng lập, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX Lanh Trắng đã tổ chức các lớp dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện, đồng thời sáng lập ra HTX Lanh Trắng. Kế hoạch của chị đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là việc bố trí 200ha đất để trồng cây lanh và vay vốn từ Chương trình 135.

Chị Vàng Thị Cầu hướng dẫn các chị em trong HTX thêu may các mặt hàng gia dụng dệt từ lanh trắng.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2018 chỉ với 10 thành viên, nhưng chỉ sau hơn 1 năm, HTX Lanh Trắng đã có 20 thành viên với thu nhập ổn định mỗi tháng từ 5 – 6 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 95 phụ nữ trên toàn huyện Đồng Văn. Tới nay, đã có 70 dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX được trưng bày tại điểm tham quan Dinh thự Họ Vương và nhận được sự yêu thích từ khách du lịch. Không dừng lại ở đó, HTX đang triển khai hợp tác sản xuất với các cơ sở du lịch, thời trang trong nước và xuất sang Canada, Úc, Italia, Nhật Bản... 

Ngoài ra, HTX Lanh Trắng còn thực hiện mô hình liên kết, hỗ trợ sản xuất với các hộ gia đình trong 15/19 xã, thị trấn thuộc huyện Đồng Văn, trong đó ưu tiên các gia đình khó khăn, chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán người. “Dự kiến, vào cuối năm 2020 tất cả 19 xã, thị trấn cùng tham gia làm với hợp tác xã. Mỗi một xã, thị trấn sẽ có ít nhất có 1 nhóm gồm 10 chị em tham gia hợp tác xã”, chị Vàng Thị Cầu cho biết.

Sản phẩm của HTX Lanh Trắng.

Ngoài những thành tựu đã đạt được, thì điều quan trọng là giờ HTX đã trở thành điểm tựa vững chắc của nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le. Như bà Sùng Thị Say, 55 tuổi ở xã Sủng Là  - một phụ nữ tàn tật không có sức khỏe để làm nương và các công việc nặng nhọc; hay chị Giàng Thị Già, 23 tuổi do nhẹ dạ cả tin đã từng bị lừa sang Trung Quốc... Những hoàn cảnh trên đã được HTX tiếp nhận, tạo việc làm và được các chị em trong HTX đùm bọc, động viên chia sẻ, giúp đỡ.

Không chỉ giải quyết việc làm, HTX cũng đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người phụ nữ nơi đây, đặc biệt là trong vấn đề nhân quyền. Từng là một trong những nạn nhân của bạo lực gia đình, chị Sùng Thị Sy – Giám đốc HTX cho biết, trước đây, kinh tế thiếu thốn khiến cho chồng chị thường xuyên say rượu và đánh chửi vợ con, nhất là khi anh trở về nước với hai bàn tay trắng do bị chủ quỵt tiền sau thời gian đi lao động trái phép ở Trung Quốc.

 HTX Lanh Trắng dần trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ dân tộc Mông ở xã Sà Phìn nói riêng, huyện Đồng Văn nói chung.

Sau khi được chị Vàng Thị Cầu nhiều lần thuyết phục, chị Sy quyết định tham gia vào HTX với niềm hi vọng về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. “Từ khi có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, mình có tiền để mua sắm cho con cái, không phải vay mượn nữa. Chồng cũng giúp đỡ mình nhiều hơn và không còn đánh mắng vợ nữa”, chị Sùng Thị Sy vui mừng tâm sự, đồng thời nhắn nhủ rằng: “Các ông chồng hãy yêu thương vợ hơn và dừng các hành vi bạo lực gia đình. Vì làm như vậy sẽ khiến các cô vợ sẽ rất tủi thân và buồn. Còn những người vợ hãy biết tôn trọng chồng. Cả hai bên hãy tôn trọng nhau”.

Ngoài việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông, những việc làm của chị Vàng Thị Cầu, của HTX Lanh Trắng, của những người phụ nữ dân tộc Mông can trường nơi đây đã chứng minh rằng chỉ khi người phụ nữ dám mạnh mẽ vươn lên, có việc làm, có thu nhập thì sẽ khẳng định được tiếng nói và vai trò của họ trong gia đình, góp phần tạo ra bình đẳng giới, góp phần bảo đảm quyền con người. “Phụ nữ có việc làm, có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương”, chị Vàng Thị Cầu khẳng định.

Cao Trung
.
.
.