Những dòng kênh được hồi sinh

Chủ Nhật, 05/04/2015, 13:14
Sau 40 năm giải phóng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đã tạo ra những dấu ấn mang tính bước ngoặt lịch sử về sự thay đổi, phát triển của thành phố về mọi mặt. Trong đó, những công trình giao thông và cải tạo hạ tầng cơ sở các dòng kênh nước đen như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương… là những kỳ tích đã làm cho TP Hồ Chí Minh bừng sáng hơn, văn minh, mỹ quan hơn.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, lễ khánh thành kênh Tân Hóa - Lò Gốm được tổ chức vào ngày 5/4.

Đây là dòng kênh ô nhiễm nặng nhất TP chảy qua 4 quận: 11, 6, Tân Bình, Tân Phú, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần một triệu dân.

Theo đó, dự án dài 7,5km và các nhánh phụ dài 1,2km nằm trong mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch TP Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Bao gồm các hạng mục: mở rộng kênh, nắn dòng chảy (xây cống hộp kín), nạo vét bùn, đắp bờ kênh, xây tường ngăn lũ, cải tạo mặt đường rộng từ 6m - 20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Những khái niệm về xóm nước đen, dòng kênh bẩn, thối, rác và những dãy nhà lụp xụp, tạm bợ dọc theo kênh, rạch tại TP Hồ Chí Minh trở thành ký ức ám ảnh một thời những tưởng sẽ không bao giờ thay đổi được.

Đằng sau sự nhếch nhác và mất vệ sinh ấy là những vòng xoáy của các loại tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự, sự nghèo đói, dốt nát.

Để nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 1,5 triệu dân sống trong khu vực ấy, lãnh đạo thành phố luôn luôn trăn trở, quan tâm, đột phá trong cơ chế, quyết tâm rất cao để vực dậy sự sống, cải tạo các dòng kênh bẩn, kênh đen làm thay đổi diện mạo thành phố trên tầm cao mới, sự phát triển mới.

Giữa cái nắng chói chang, oi bức của tháng 4, là thời điểm giao mùa của thời tiết phương Nam, nhưng các công nhân, máy móc vẫn ngày đêm hì hục đào bới dưới các hố sâu gần chục mét “bốc mùi thối”, của hai gói thầu số 8 và 9 để tăng tiến độ các hạng mục cuối cùng của dự án.

Hầu hết các gói thầu thi công đều gặp phải những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, làm nghiêng lún nhà dân, vướng dây điện, cáp ngầm, ống nước tại đoạn Tân Hóa nối Lũy Bán Bích khiến cho bên thi công và người dân đều khổ sở.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hôm nay.

Ba năm qua, từ khi dự án được triển khai, cứ mỗi lần có mưa lớn và triều cường cao là cả khu vực dài từ Bàu Cát đến Đầm Sen hầu như chìm trong biển nước bẩn, bốc mùi hôi thối.

Nay đã cơ bản giải quyết xong các đoạn cống hộp, người dân trong khu vực rất phấn khởi vì không còn cảnh ngập nước bẩn như bao đời nay. Các đường Âu Cơ, Hòa Bình theo đó cũng được nâng lên đảm bảo cao độ mặt đường.

Dự án vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh đi vào lịch sử phát triển đô thị sau 40 năm giải phóng chính là công trình cải tạo xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài qua 7 quận: 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp.

Toàn bộ công trình gồm 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3-2003 lắp tuyến cống bao (có đường kính 2,5-3m) dài 8,9km nằm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Kênh nước đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được hồi sinh trở thành dòng kênh xanh góp phần chống ngập nước cho một lưu vực rộng 33,2km2 thuộc bảy quận, thiết thực cải thiện cuộc sống cho hơn 1,2 triệu dân.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những dự án đầu tiên của thành phố mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển thành phố toàn diện, bền vững.

Việc thực hiện thành công dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho 1,2 triệu dân ở 7 quận.

Dự án đã được 7.000 hộ dân với gần 50.000 người đã chấp nhận di dời, giải tỏa và tái định cư.

Bên cạnh dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa tạo cảnh quan trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.

Và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang trở thành một tuyến tham quan du lịch đường thủy.

Hoàng Châu
.
.
.