Những bức tranh được vẽ bằng chân của “cô gái da cam”

Thứ Bảy, 27/12/2014, 11:12
Bị di nhiễm chất độc da cam từ mẹ nên Huỳnh Thị Thảnh (24 tuổi, trú thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bị liệt tứ chi ngay từ lúc lọt lòng. Bằng nghị lực vượt khó, Thảnh đã khiến nhiều người cảm phục khi dùng bàn chân tật nguyền của mình cầm bút viết chữ và vẽ nên những bức tranh thể hiện tình cảm và ước mơ của mình...

Tôi tình cờ biết Thảnh khi nghe các cán bộ xã Hương Bình kể về em trong một dịp lên công tác tại xã miền núi này. Lúc chúng tôi tìm đến, bên trong căn nhà nhỏ mái lợp những tấm tôn rỉ sét, tường xây bằng bờ lô chưa tô trét là một cô gái tật nguyền nằm co ro, bị mù nhưng chân vẫn cầm bút màu tô vẽ trên trang giấy trắng. Cô gái ấy chính là Thảnh.

Hết nhìn đứa con tật nguyền rồi lại nhìn ra bầu trời mưa trắng xóa, bà Huỳnh Thị Liên (59 tuổi, mẹ Thảnh) thoáng vẻ ngậm ngùi khi kể lại chuyện xưa. Bà trải lòng, cách đây 20 năm, bà cùng người chồng quê ở miền biển Thuận An (huyện Phú Vang) lên xã Hương Bình làm ăn theo diện kinh tế mới. Vợ chồng bà lần lượt sinh hạ 3 người con nhưng chỉ có cô con gái đầu là lành lặn, còn 2 người con kế của bà Liên do di nhiễm chất độc da cam nên đã mất khi chưa tròn 1 tuổi.

Năm 1990, bà Liên sinh tiếp người con gái út là Thảnh, cũng bị di nhiễm chất độc dioxin, tay chân queo quắt, bại liệt. Rơi vào cảnh cùng cực, buồn chán, người chồng bỏ đi biệt xứ, để lại bà Liên và người con dị tật trong căn nhà nghèo. Tháng ngày trôi qua, Thảnh lớn lên như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng em không đi được. Biết được hoàn cảnh bà Liên, một nhà hảo tâm đã đến tặng Thảnh chiếc xe lăn để em có thể tự đẩy đi...

“Cô gái da cam” Huỳnh Thị Thảnh tập viết, vẽ bằng đôi chân tật nguyền.

Nằm thu mình trên chiếc giường tre, dù nói chuyện rất khó khăn nhưng Thảnh vẫn cố gắng kể lại cho tôi nghe quãng đời gian khó suốt 24 năm mà em đã trải qua: “Hồi nhỏ, em muốn đi học lắm; nhưng vì chân tay bị tật, các thầy cô giáo sợ em không thể đọc và viết được chữ cái nên không nhận em vào lớp. Lúc ấy, em cứ bắt mẹ đẩy xe lăn đưa em đến trường và chỉ ngồi ngoài nhìn vào lớp học để nghe cô giáo giảng bài. Một thời gian sau, do điều kiện công việc nên mẹ không còn thời gian để đưa em đến lớp nữa. Thế là em đành ở nhà, mượn sách vở của các bạn để học chữ...”. 

Như để minh chứng, Thảnh cầm lấy cuốn sách tập đọc lớp 1 và phát âm những chữ cái “a,b,c” một cách chuẩn xác. Thế nhưng, điều khiến người ngồi đối diện với Thảnh bất ngờ hơn cả là khi em dùng chân phải của mình, cặp lấy cuốn vở tập vẽ được đặt ở đầu giường, nhẹ nhàng dùng ngón chân rút cây bút được giắt cẩn thận ở bìa vở và dùng 2 chân mở nắp bút rồi vẽ một ngôi trường có các bạn học sinh đang đùa chơi trước sân trường, có cây cỏ hoa lá cùng một cô gái đang ngồi trên xe lăn.

Chúng tôi hỏi, vì sao Thảnh lại có ý tưởng vẽ bức tranh này. Thảnh cười hiền và trả lời: “Em muốn được đến trường và học chữ như các bạn, nhưng vì bệnh tật nên không được đi học. Vì thế mà em thể hiện ước mơ ấy bằng cách vẽ trường lớp, các bạn học sinh lên trang giấy này!”.

Ông Võ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết thêm, do gia cảnh nghèo khó, bản thân lại sức khỏe yếu, con cái bệnh tật nên gần 20 năm qua, gia đình bà Liên vẫn còn trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2012, xã đã giúp đỡ bà Liên xây dựng một căn nhà cấp 4 trị giá 16 triệu đồng, để giúp mẹ con bà Liên có nơi ăn, chốn ở ổn định.

Nói về nghị lực của Thảnh, ông Dũng bảo: “Do chân tay bị bại liệt mà em Thảnh không thể đến trường học chữ. Tuy nhiên, em đã tự mày mò để học viết và tập vẽ bằng chân. Bà con ở đây ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó của Thảnh!”.

Anh Khoa
.
.
.