Nhức nhối việc xử lý rác thải nông thôn
Từ các thôn xã ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng,... đến các xã ngoại thành Hà Nội, những đống rác ngày một cao thêm và tồn tại qua nhiều tháng, nhiều năm mà chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đe dọa tới sức khỏe người dân...
Người dân khổ vì rác
Bãi tập kết rác thải của xã Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương) nằm ngay cạnh đường giao thông liên tỉnh. Bãi rác dài đến 30m, chất cao gần bằng đầu người với đủ các loại vỏ chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu, chăn chiếu rách, đồ ăn thức uống...
Người dân sống gần bãi rác cho biết cuộc sống của họ quanh năm bị ảnh hưởng bởi bãi rác này. Mùa đông khô hanh thì bụi bẩn từ đống rác cuộn lên mù mịt. Ngày mưa thì nước bẩn từ rác chảy xuống đồng ruộng, mương máng ngay cạnh. Những ngày hè oi nóng thì mùi hôi thối bốc lên và phát tán trên diện rộng. Vì thế người dân luôn thường trực nỗi lo về nguy cơ bệnh tật.
Tình trạng đốt rác ngoài trời vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. |
Nếu như trước kia, rác thải nông thôn chủ yếu là rác hữu cơ, thường được chôn lấp ngay trong vườn nhà thì nay, tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh khiến rác vô cơ ngày càng nhiều lên. Người dân tìm cách vứt rác ngoài đường, ngoài cánh đồng, ven bờ ao, chân cầu... hay bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Người này làm theo người kia, kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn xóm, khiến môi trường ô nhiễm, cảnh quan nhếch nhác.
Thực hiện theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiện nay nhiều xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải trong thôn xóm và chở đến đổ tại địa điểm quy định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bãi chứa rác tạm thời và luôn trong tình trạng quá tải. Bởi rác thải ra đến bãi tập kết thì... nằm nguyên tại đó, không được phân loại, không được xử lý, hằng ngày bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân.
Còn nhiều cái khó
Nước ta tuy là nước nông nghiệp, vùng nông thôn chiếm phần lớn nhưng việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải ở khu vực này còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Kinh phí do người dân đóng góp chỉ đủ trả thù lao cho người thu gom rác. Công việc thu gom rác hàng ngày vất vả, độc hại, tiền công thấp nên không ai muốn làm.Do vậy việc gom rác thải hàng ngày từ các hộ dân về địa điểm quy định ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Tập kết rác về một địa điểm đã khó, khâu xử lý rác lại càng bất cập. Một số địa phương đã xây dựng được lò đốt rác, nhưng hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả. Chúng tôi đến bãi xử lý rác thải La Điền, xã Tự Tân (Vũ Thư, Thái Bình) – nơi có 3 lò đốt rác được xây dựng trị giá tiền tỷ nhưng chưa từng được đưa vào sử dụng và ngày càng xuống cấp.
Trong khi đó rác thải vẫn tràn lan gây ô nhiễm môi trường, trở thành nỗi bức xúc của người dân. Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân cho biết: Ba lò đốt được thiết kế rất hẹp, không thể xử lý được toàn bộ lượng rác khoảng 40 - 50m3 thu gom về bãi mỗi tuần. Cách đốt rác theo kiểu thủ công, cháy tự nhiên nên khói bốc lên sẽ gây ô nhiễm cho khu vực dân cư xung quanh.
Ngoài ra, để duy trì được lò đốt thì xã phải có từ 1-2 lao động để thường xuyên phân loại, phơi khô và vận hành lò đốt. Trong khi kinh phí các hộ dân đóng góp không đủ để chi trả. Mấy năm gần đây xã phải chuyển đổi mô hình hoạt động của bãi rác theo hướng kết hợp đốt thủ công và chôn lấp rác thải.
Tương tự, lò đốt rác xã Vũ Hội (Vũ Thư, Thái Bình) được đầu tư 500 triệu đồng đã hư hỏng và ngừng hoạt động sau 3 năm vận hành. Theo ông Mai Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Vũ Hội thì mặc dù công suất thiết kế lò có thể đốt 5-6 tấn rác/ngày nhưng thực tế chỉ đốt được tối đa 1 tấn/ngày do rác cần phải phân loại và phơi khô.
Hiệu suất lò đốt nhỏ trong khi lượng rác thải quá lớn gây ra tình trạng rác ùn ứ ngày càng lớn. Địa phương đã phải 2 lần mở rộng diện tích bãi rác và thực hiện đốt rác thủ công. Rác cứ cháy âm ỉ cả tuần liền, khói bốc lên đen sì và khét lẹt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.
Đi qua xã Hưng Long (Ninh Giang, Hải Dương), ngay cạnh đường giao thông nằm chình ình một bãi rác lớn, các loại chuột, gián, giòi bọ sinh ra ở bãi rác nhiều vô kể. Anh Bùi Văn Vương – người dân xã Hưng Long cho biết: “Rác thải đổ ra bãi rác này ngày càng nhiều. Khi rác nhiều quá thì địa phương sẽ dùng máy xúc chôn lấp rác cho bớt đi”. Điều đáng nói là do thiếu kinh phí san ủi, xúc đất che phủ, hóa chất khử mùi, xử lý nước rỉ rác theo đúng tiêu chuẩn nên việc chôn lấp thường qua loa, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.
Phân loại rác từ các hộ gia đình
Giải quyết vấn đề rác thải nông thôn cần sự tham gia của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc tổ chức thu gom, xử lý rác tập trung, các cấp hội nông dân nên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại, thu gom rác hữu cơ ủ làm phân vi sinh sử dụng ngay cho ruộng, vườn nhà mình.
Hạn chế dùng các sản phẩm gây hại tới môi trường như túi nilon, bao bì nhựa, thuỷ tinh. Như vậy sẽ giảm đáng kể lượng rác tập kết về bãi rác hằng ngày. Cần tuyên truyền cho người dân không chỉ giữ sạch nhà mình, mà phải giữ sạch môi trường xung quanh, không vứt rác bừa bãi.
Việc xây dựng những nhà máy xử lí rác thải quy mô theo cụm xã là rất cần thiết và cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Ngoài ngân sách Nhà nước dành cho việc xử lý rác thải, cần thực hiện công tác xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia. Có như vậy thì vấn đề rác thải mới được giải quyết tốt, đảm bảo đời sống của người dân cũng như mỹ quan chung tại các vùng nông thôn.