Nhiều tỉnh thành cấm biển, sơ tán dân vì bão số 4

Thứ Năm, 16/08/2018, 13:47

Trong 3 giờ vừa qua, bão số 4 đã mạnh thêm, ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh 25m/s (cấp 10), giật 32m/s (cấp 11). Dự báo, bão đổ bộ với sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8), gây mưa phổ biến 250-350 mm, riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có thể lên 500 mm. 



Bão mạnh lên từng giờ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ 8 giờ ngày 16-8, bão số 4 đã mạnh thêm, ở đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh 25m/s (cấp 10), giật cấp 11 (32m/s). 

Lúc 10 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180km, cách Nam Định 180km, cách Vinh 290km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. 
Ảnh mây vệ tinh bão Bebinca sáng 16-8. Ảnh: NCHMF.

Đến 10 giờ ngày 17-8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão. 

Do ảnh hưởng của bão số 4, vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. 

Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; huyện đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 4-6m, biển động rất mạnh. 

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên) gồm toàn bộ vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc). 

Từ tối 16-8 trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. 

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 22 giờ ngày 17-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. 

Trong 36-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Cảnh báo mưa lớn, từ ngày 16-18/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). 

Thủ đô Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt). 

Từ 16-18 tháng 8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi và sông Mã có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, riêng sông Bưởi lên mức báo động 3 và trên báo động 3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1. 

Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 2.

Hà Nội ứng trực 24/24

Về việc nước sông Bùi có thể dâng, gây ảnh hưởng đến nhiều xã của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ thông tin, hiện mực nước sông Bùi đang ở mức 4,3m; dưới báo động lũ cấp 1 là 1,7m.

Để ứng phó với bão số 4, ngay trong sáng 16-8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ đã cùng các đơn vị chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra những vị trí xung yếu trong trận mưa ngập vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời. 

Với kinh nghiệm của những đợt ứng phó với mưa ngập trong cuối tháng 7 và đầu tháng 8, huyện Chương Mỹ yêu cầu các đơn vị liên quan trực 24/24 giờ với 100% quân số, chủ động ứng phó với những trận mưa lớn có thể xảy ra trong đêm 16 và rạng sáng 17-8, thực hiện phương án 4 tại chỗ để bảo vệ an toàn đê tả Bùi. 

Các địa phương khác như Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất... cũng đã lập kế hoạch ứng phó với bão số 4.

Đoạn đê tả sông Bùi được gia cố bao cát ngày 31/7. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Để đối phó với với tình trạng mưa ngập có thể xảy ra, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan ứng trực, chuẩn bị phương án 4 tại chỗ (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) và “5 không” (không để dân đói, dân khát, không bị điện giật, không bị dịch bệnh và không đuối nước). 

Chia sẻ về phương án ứng phó với bão số 4 có thể ảnh hưởng đến Hà Nội, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị huy động 100% quân số ứng trực với phương tiện kỹ thuật sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có mưa bão.

Để hạn chế úng ngập cho một số khu vực cầu chui dân sinh tại Đại lộ Thăng Long, Công ty đã lắp đặt, chuẩn bị máy bơm di động sẵn sàng bơm nước ra khỏi các khu vực bị ngập; đồng thời tổ chức nạo vét, thanh thải dòng chảy ở khu vực này. 

Cùng với đó, từ ngày 14-8, Công ty đã vận hành các trạm bơm hồ điều hòa, cửa phai đưa nước về mức quy định để có thể vận hành trạm bơm tiêu thoát nước tốt nhất. 

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 4, ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết đã có văn bản yêu cầu các xí nghiệp, tổ đội trực thuộc trực 100% quân số thực hiện kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên; kiểm tra, gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng và cây đang trong thời gian duy trì cây trồng dưới 2 tuổi. 

Đồng thời, Công ty chỉ đạo nhân viên thường xuyên tuần đường để phát hiện kịp thời các cây nghiêng, sâu mục, nguy hiểm để có biện pháp xử lý nhanh.

Nhiều tỉnh thành cấm biển, sơ tán dân

Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, Phó chánh văn phòng Vũ Xuân Thành cho hay ba đoàn công tác đã đi vùng bão đổ bộ để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó.

Thái Bình đã cấm biển từ 12h ngày 15-8 và tổ chức sơ tán dân. Trước 12h hôm nay các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình sẽ cấm biển và hoàn thành việc sơ tán dân trong ngày.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 16-8, biên phòng các địa phương đã thông báo, hướng dẫn trên 36.000 phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm, tới nơi tránh trú an toàn. Hiện còn hơn 2.000 phương tiện với khoảng 9.400 người (từ Quảng Ninh đến Nghệ An) hoạt động ven bờ, có thể đi về trong ngày.

Cơ quan chức năng đã thông báo đến chủ lồng bè, lều, chòi canh, vận động trên 1.400 người (Nam Định, Thái Bình) vào bờ tránh bão, số còn lại đã biết thông tin và cam kết vào bờ trước khi bão đổ bộ.

Về hồ thủy điện, đến sáng nay các hồ vẫn giữ nguyên trạng thái vận hành. Hồ Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy, hồ Sơn La và Tuyên Quang mở một cửa xả đáy. Hiện mực nước các hồ cao hơn so với quy trình cho phép. Tùy theo diễn biến mưa lũ, Ban chỉ đạo sẽ quyết định việc vận hành hồ.

Trước dự báo các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa sẽ có mưa đặc biệt lớn (500 mm) và Hà Nội có mưa khoảng 300 mm, Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị có văn bản gửi các địa phương để chủ động ứng phó. 

Bebinca là cơn bão thứ tư ở biển Đông trong năm nay, được phát triển từ vùng áp thấp ở biển Đông ngày 8/8. Do chịu sự tương tác với bão Yagi vào Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 13/8, đường đi của áp thấp, sau đó là áp thấp nhiệt đới và bão liên tục thay đổi, tạo thành hai vòng thắt nút. 

Đến chiều tối 16-8, trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Thái Bình. 

Kiểm tra tại công trình Cống Trà Linh (huyện Thái Thụy), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kinh nghiệm cũng như sự chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 4 của tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên với dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình, Bộ trưởng lưu ý tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ."

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thái Bình trước khi bão đổ bộ vào đất liền là bảo đảm an toàn về người và tài sản của các tàu thuyền đã neo đậu vào khu tránh trú bão. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết di dời lao động tại các đầm, chòi trông canh ngao vào trong đê chính, đồng thời bảo đảm an toàn tại các khu vực nuôi trồng, thủy hải sản. 

Trước dự báo hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, Bộ trưởng lưu ý công tác ứng trực, tranh thủ thời gian mở các cống tiêu để hạ thấp mực nước trên các sông trục bởi nếu để xảy ra ngập úng tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đặc biệt là không thể cấy lại thay thế. 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng cho biết để chủ động ứng phó với bão số 4, từ 12 giờ ngày 15-8 tỉnh Thái Bình đã ra lệnh cấm biển, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi. 

Đến nay, tất cả 1.239 tàu thuyền với trên 3.600 lao động đã neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão. Đồng thời, tỉnh tổ chức các đơn vị, lực lượng ứng trực, sẵn sàng các phương án xử lý, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Cũng do ảnh hưởng của bão số 4, chiều 16-8 tại Nam Định đã có mưa vừa, có nơi mưa to kèm theo gió giật mạnh. Hiện toàn bộ tàu thuyền trong tỉnh đã vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cũng đã có phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn. 



Tàu, thuyền neo đậu an toàn tại Âu thuyền Cửa Sót, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến 14 giờ ngày 16-8, toàn bộ 2.127 phương tiện với 5.738 ngư dân của tỉnh đã vào nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ trên 1.230 lao động tại hơn 1.024 lều, chòi canh ngao cũng đã vào bờ. 

Để chủ động ứng phó mọi tình huống bất thường có thể xảy ra, trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, tỉnh Nam Định sẽ sơ tán trên 41.500 người tại 12.074 nhà yếu, nhà tạm. Nếu các triền sông có lũ trên báo động 3, Nam Định cũng sẽ sơ tán trên 71.350 người ở 13.462 nhà yếu, nhà tạm không đảm bảo an toàn. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các địa phương, sở, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó bão theo phương châm "4 tại chỗ," đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức quản lý người và phương tiện tại các khu neo đậu tàu thuyền, kiên quyết không để người dân ở lại trên thuyền khi đang có bão. Người dân cần tránh tâm lý chủ quan, chủ động chằng chống nhà cửa, di chuyển, kê cao đồ đạc để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. 

Tại Hà Tĩnh, trước diễn biến bão số 4 đang tiến gần đất liền và có khả năng gây ảnh hưởng, lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động liên lạc, kêu gọi, tàu, thuyền đánh bắt trên biển vào nơi tránh trú an toàn. 

Theo báo cáo nhanh của Tiểu Ban an toàn nghề cá trên biển tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 16-8, tỉnh đã kêu gọi và thông tin liên lạc với 5.871 chủ tàu, thuyền với 15.951 lao động; trong đó có 170 tàu, thuyền với 665 lao động đánh bắt cá khu vực trên biển thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh là vùng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đã nắm được thông tin vào nơi trú ẩn an toàn. 

Tiên An (tổng hợp)
.
.
.