Nhiều hộ dân sống thấp thỏm trong những ngôi nhà cổ xứ Huế

Chủ Nhật, 18/10/2015, 08:36
Những ngôi nhà cổ lợp ngói liệt men truyền thống tồn tại song song cùng hệ thống thành quách, lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn đã làm nên một cố đô Huế cổ kính, trầm mặc. Tuy nhiên, do không được tôn tạo kịp thời nên có nhiều ngôi nhà cổ rơi vào tình trạng xuống cấp khiến các hộ dân sống trong những ngôi nhà này phải thấp thỏm, lo âu…

Hai tuyến đường Bạch Đằng và Chi Lăng, phường Phú Cát, TP Huế, vào đầu thế kỷ XIX là phố Gia Hội, nơi buôn bán sầm uất nhất xứ Huế với sự giao thương giữa người Việt và người Hoa lúc bấy giờ. Thời điểm ấy, khu phố này được nhiều quan lại chọn để xây dinh thự, nhiều thương gia cũng tìm đến để xây cất những căn nhà theo lối kiến trúc độc đáo. Thế nhưng, những năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, những ngôi nhà cổ ở Gia Hội dần bị biến mất, số ít còn lại nằm lạc lõng, kề sát bên những ngôi nhà cao tầng, cũng trong tình trạng xuống cấp, hư hại.

Ngôi nhà cổ số 158 Bạch Đằng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi nhà cổ số 88 Bạch Đằng, hơn 100 năm tuổi của ông Đặng Ngọc Châu (70 tuổi) là một ví dụ. Ông Đặng Minh Khoa (45 tuổi, cháu ông Châu) hiện đang cùng vợ sống ở đây không thể giấu hết nỗi lo lắng khi được hỏi về vấn đề trùng tu, bảo tồn ngôi nhà. “Ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn cả thế kỷ theo kiểu 1 gian 3 chái với diện tích khoảng 100m2. Cách đây 1 năm, ông Châu vào TP Hồ Chí Minh sinh sống nên đã giao ngôi nhà này cho vợ chồng tui bảo quản. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng đã quá lâu nên các phần kiến trúc trong ngôi nhà bị xuống cấp, mục ruỗng, nhất là phần mái bị hư hỏng quá nặng, nhưng vợ chồng tui không biết lấy tiền đâu để tu sửa”, ông Khoa trao đổi.

Làm nghề chạy xe ôm, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày nên đối với ông Khoa, việc tu sửa nhà cổ là việc làm “bất khả thi”. Không có kinh phí, ông Khoa đành lấy tạm mấy tấm nilon, xốp để che chắn lên phần mái tránh dột nát, bộ cửa trước cũng được ông dùng những khúc gỗ để chống đỡ tránh bị sập… Cách nhà ông Khoa một đoạn đường ngắn là ngôi nhà cổ “Đông Mậu” (số 158 Bạch Đằng, TP Huế). Ngôi nhà được xây dựng với kiến trúc truyền thống “mái ngói liệt men” và hiện là ngôi nhà duy nhất còn giữ đúng kiến trúc cổ xưa ở phố cổ Gia Hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xoa (47 tuổi), người đã sinh sống ở căn nhà này suốt 30 năm qua, phần lớn các hạng mục của ngôi nhà cổ này đã bị... mối mọt ăn gần hết.

“Hiện toàn bộ ngôi nhà 2 tầng này đều trong tình trạng báo động “đỏ”, mọi thứ từ cột kéo, cánh cửa, cầu thang... đều bị hư hỏng, mục nát. Dù vợ chồng tui đã bỏ công sức, tiền bạc tu sửa và gia cố, nhưng cứ đến mùa mưa bão thì lại lo ngay ngáy, không ngủ yên bởi sợ nhà sập”, bà Hồ Thị Năm, vợ ông Xoa than thở…

Ngoài 2 ngôi nhà cổ nói trên thì hiện dọc tuyến đường Bạch Đằng còn có rất nhiều ngôi nhà cổ từ 100-200 năm tuổi, đang trong tình trạng xuống cấp tương tự. Nhiều chủ nhà loay hoay không biết lấy gì để tu sửa nhà cổ, vì thế họ đành chấp nhận sống trong những căn nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Chỉ có một số ít gia đình tiến hành tu sửa, xây mới bờ tường, kèo cột tránh sập.

Ông Phạm Quốc, Chủ tịch UBND phường Phú Cát cho biết, hiện phường đang quản lý khoảng 40 ngôi nhà cổ nằm trên 2 tuyến đường Bạch Đằng và Chi Lăng. Từ năm 2002, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập Ban bảo vệ phố cổ Gia Hội và phê duyệt đề án bảo tồn khẩn cấp các ngôi nhà cổ. Tuy nhiên đến nay, đề án này đã rơi vào “quên lãng” khi các cơ quan chức năng chưa có sự quan tâm xứng tầm với giá trị của những căn nhà cổ. Phường đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp cho quy hoạch phố cổ để làm du lịch, nếu không thì cho phép người dân phá bỏ để xây nhà mới để tránh tai nạn do nhà đổ sập gây ra, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm...”, ông Quốc khẳng định.

Tương tự, khu phố cổ Bao Vinh nằm ở ngoài kinh thành Huế vốn có khoảng 50 ngôi nhà cổ được xây dựng trong khoảng thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn 5 ngôi nhà cổ. Nguyên nhân là do người dân sinh sống trong các ngôi nhà cổ này sợ bị sụp đổ nên đã phá dỡ để xây mới. Các hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà cổ ở xứ Huế đều có chung mong mỏi, được chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm, hỗ trợ kịp thời để tu sửa, bảo tồn nhà cổ. Qua đó, tránh việc sập đổ nhà cổ gây thương vong như đã từng xảy ra ở một số tỉnh, thành trong thời gian qua.

Anh Khoa
.
.
.