Nhiều hồ bơi trong khách sạn, khu resort đang mất an toàn

Thứ Hai, 17/08/2015, 14:13
Không chỉ có ở Đà Nẵng, thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ du khách bị đuối nước, tử vong khi đang tắm trong hồ bơi của một số khách sạn, resort trên cả nước… Các khu nghỉ dưỡng, vui chơi tại các điểm du lịch này có thực sự an toàn.

Mặc dù được các y bác sĩ khoa Nhi - hồi sức của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tích cực cứu chữa, nhưng bé T.N. (10 tuổi, trú TP Đà Nẵng) nạn nhân trong vụ giật điện tại hồ bơi trẻ em của một resort 5 sao O. trên đường Trường Sa (TP Đà Nẵng) vào ngày 21/7 vừa qua vẫn không thể qua khỏi. Ngày 12/8, sau hơn 20 ngày cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, bé được đưa về nhà lo hậu sự trong nỗi đau mất mát quá lớn của người thân và gia đình.

Nhiều vụ đuối nước, tử vong đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng cho “an toàn khi tắm ở hồ bơi” tại các hồ bơi của resort, khách sạn. (Ảnh minh họa)

Dư luận đang còn bàng hoàng bởi vụ giật điện, đuối nước trong hồ bơi trẻ em tại resort của bé gái này, thì vào những ngày đầu tháng 8/2015, một cái chết thương tâm do đuối nước khác lại xảy ra tại hồ bơi của một resort T… nằm trên đường Cửa Đại – Hội An. Nạn nhân lần này là  PGS - TS Tr. T. D., Phó hiệu trưởng của trường ĐHSP Đà Nẵng. Và cũng tại Đà Nẵng trước đó không lâu ở hồ bơi của khách sạn hạng sang trên đường Ngô Quyền  cũng đã xảy ra vụ du khách là trẻ em bị đuối nước…

Khách sạn, resort cần đưa những buổi tập huấn ngắn về kỹ năng phòng, chống đuối nước vào chương trình lưu trú cho du khách.

Có một điều lạ, tất cả vụ việc này dường như lại hoàn toàn được “ém nhẹm” thông tin. Thậm chí khi  PV tiếp cận hiện trường, tìm hiểu sự việc thì các nhân viên, quản lý hoặc chủ các resort hay khách sạn này tuy thừa nhận, tỏ ra đáng tiếc vì vụ việc xảy ra. Nhưng có một điểm chung là đều đổ lỗi phần lớn cho sự chủ quan của chính nạn nhân hoặc người thân đi cùng.

Khi PV đặt câu hỏi: Hồ bơi nơi bé gái gặp nạn là hồ bơi trẻ em, có mực nước hồ rất thấp. Tại sao quản lý resort cho rằng tại thời điểm xảy ra vụ việc là khoảng 18h, hồ đang sửa chữa, vậy nhưng trong hồ vẫn có nước. Và phải một lúc lâu sau khi cháu bé được phát hiện nhảy xuống hồ, bị giật điện thì bé mới được cứu lên trong tình trạng đã bất tỉnh, tính mạng nguy kịch?. Sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng trong xử lý tình huống, cấp cứu nạn nhân của lực lượng cứu hộ là quá rõ ràng. Nhưng những câu hỏi này chưa được trả lời một cách thỏa đáng.

Dòng trạng thái đau buồn, bức xúc của người thân bé gái tử vong do giật điệt trong hồ bơi một resort tại Đà Nẵng.

Là một resort 5 sao lớn, với đầy đủ các tiêu chuẩn và trang thiết bị hiện đại, vậy tại sao lại có thể để xảy ra chuyện hồ bơi bị rò rỉ điện, dẫn đến việc khách tắm bị giật điện dẫn đến chết người sau đó?. Và nếu như giải thích của chủ resort rằng: “Bé gái và mẹ không phải là khách tại đây, họ chỉ đi theo cùng một đoàn khách lưu trú tại resort. “Họ đã tự ý nhảy xuống hồ bơi để tắm vào lúc hơn 18h khi đoàn khách đi cùng trên đã ra về”?… Vậy thì bộ phận nhân viên, quản lý hay bảo vệ của khách sạn bấy giờ đang ở đâu?. Chẵng nhẽ, vấn đề an ninh của resort này lại quá lỏng lẻo để không phải là khách của mình nhưng vẫn tự do ra vào, tắm hồ bơi dễ dàng đến như vậy?.     

Chính vì vậy, nhằm bảo đảm tính mạng cho du khách, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây hoang mang tâm lý và dư luận như vừa qua. Nên chăng, các resort này ngoài có một đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp thường xuyên giám sát, hướng dẫn, còn cần phải đưa những buổi tập huấn ngắn về kỷ năng phòng chống đuối nước vào chương trình lưu trú cho du khách tại các resort, khách sạn của mình.

Hoài Thu
.
.
.