Nhiều địa bàn bị cô lập, một số tuyến giao thông hư hỏng, ách tắc do mưa lũ

Thứ Ba, 13/12/2016, 17:34
Mưa lớn kéo dài suốt hai ngày qua đã khiến cho nhiều địa bàn ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa bị cô lập, một số tuyến giao thông hư hỏng, ách tắc.

Đến chiều 12-12, trên địa bàn TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã có4 ngôi nhà dân ở các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương bị sập đổ, sạt lở, rất may là không xảy thương vong về người, trong đó có trường hợp thoát nạn trong gang tấc giữa đêm khuya. Một đoạn đường 2-4 ở phía Nam đèo Rù Rì thuộc phường Vĩnh Hòa bị sạt lở mặt nền; hàng chục khối đất đá từ trên núi bị mưa lũ cuốn sạt lở, chắn lấp hai cung đoạn trên đường Phạm Văn Đồng ở phường Vĩnh Thọ, gây ách tắc giao thông.

Rạng sáng ngày 13-12, anh Trần Văn Hồi (22 tuổi, trú ở phường Phước Long, TP Nha Trang) bị điện giật tử vong khi đang cùng người thân thu dọn đồ đạc tránh ngập lụt.

Mực nước trên sông Cái qua xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang dâng cao, chảy xiết.
Một đoạn đường 2-4 qua phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang sạt lở.
CSGT hướng dẫn các phương tiện tránh đoạn đường sạt lở

Đường sắt xuyên Việt ở phía nam đèo Rù Rì bị bồi lấp.

Trong một diễn biến có liên quan, ông Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, nước lũ từ phía núi đổ xuống ào ạt đã khiến cho350m đường sắt ở phía Nam hầm Rù Rì bị bồi lấp đất đá, sạt lở nền đường từ rạng sáng 13-12, bốn đoàn tàu khách SE2, SE4, SE5, SQN4 chạy hành trình Sài Gòn – Hà Nội, Sài Gòn – Quy Nhơn và đoàn tàu khách SE7 chạy hành trình Hà Nội – Sài Gòn phải dừng lại ở các ga Nha Trang, Lương Sơn.

Ngay trong buổi sáng 13-12, Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang đã thuê 5 xe ô tô khách trung chuyển 430 hành khách từ ga Nha Trang đến Lương Sơn và ngược lại để tiếp tục hành trình bằng tàu lửa. Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Phú Khánh đã huy động một số thiết bị kỹ thuật chuyên dụng và gần 100 công nhân đến hiện trường tập trung khắc phục hậu quả và đã thông tuyến trước 15h chiều cùng ngày.Tuyến quốc lộ 1A qua địa phận hai xã Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, TP Nha Trang nhiều đoạn bị bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ, đất đá ngập tràn nền đường, dải phân cách bê tông bị xô lệch…

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đến 14h chiều ngày 13-12, ba Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’ăng trên lưu vực sông Ba ở địa bàn tỉnh này đã đồng loạt xả lũ với tổng lưu lượng 8.000m3/s.

Dùng xe cẩu để cứu bò trôi dạt trên sông Ba ở Phú Yên.

Dự kiến trong 24 giờ tới lưu lương xả lũ sẽ phải tăng lêndo nước lũ thượng nguồn từ Tây Nguyên đổ xuống sông Ba với lưu lượng lớn. Nguồn nước xả lũ kết hợp mưa lớn trên diện rộng ở Phú Yên đã khiến cho nhiều vùng quê ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa bị ngập lụt, một số tuyến giao thông bị chia cắt. Lần đầu tiên lực lượng cứu hộ - cứu nạn ở Phú Yên sử dụng xe cẩu đến cầu Đà Rằng cũ để cứu gần 10 con bò bị trôi dạt trên sông Đà Rằng.

Tại tỉnh Bình Định đến trưa 13-12, các xã ở phía đông huyện Tuy Phước và một số phường thị xã An Nhơn ngập tràn nước lụt, trong đó có nhiều thôn, xóm ở hai xã Phước Hòa, Phước Thuận đã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, hơn 24.000 học sinh bậc mầm non đến trung học cơ sở tại 43/58 trường học ở huyện Tuy Phước đã phải nghỉ học.

Hữu Toàn - Vĩnh Thành - Q.Thuần
.
.
.