Nhận diện thủ đoạn buôn bán thực phẩm “bẩn”

Thứ Năm, 05/05/2016, 08:26
Các đối tượng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc thường dùng mọi thủ đoạn để đưa hàng vào thị trường tiêu thụ. Tránh bị lực lượng chức năng bắt giữ, bọn chúng thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian, phương thức vận chuyển… Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt trên 2 nghìn vụ.

Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, một trong những đội chủ lực điều tra, khám phá nhiều vụ thực phẩm “bẩn”, thuộc Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội (PC49) cho biết, thời gian qua đơn vị phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm quá hạn sử dụng, độn hóa chất. 

Thực phẩm “bẩn” từ bò tuồn vào nhà hàng, quán bia.

Chúng có thể làm giả thực phẩm, gài nhãn mác của các thương hiệu thực phẩm đã có thương hiệu trên thị trường; sử dụng lại vỏ bao bì của nhãn hiệu đã được chứng nhận an toàn còn hiệu lực hoặc trà trộn cùng thực phẩm có nguồn gốc để kinh doanh.

Có trường hợp, các đối tượng còn đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc vào vùng thực phẩm đã xây dựng thương hiệu an toàn rồi hoàn tất thủ tục hồ sơ đưa ra thị trường tiêu thụ... Tuy nhiên, để ngăn chặn những hành vi này, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Tội phạm môi trường thực phẩm “bẩn” chủ yếu là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm; vận chuyển, buôn bán gia cầm, thủy hải sản nhập lậu, không qua kiểm dịch; vận chuyển, buôn bán các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; không đảm bảo chất lượng; gian lận thương mại trong kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, lừa dối khách hàng và người tiêu dùng giữa thịt trâu và thịt bò làm ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng trong quá trình chế biến lương thực, thực phẩm gây ngộ độc; kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, tem nhãn phụ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng; sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất rau, giá đỗ, đưa sản phẩm rau không an toàn vào lẫn với rau an toàn để tăng lợi nhuận; sử dụng thạch rau câu để bơm vào tôm nhằm tăng trọng lượng để tăng lợi nhuận; sử dụng nước ô xy công nghiệp để tẩy trắng mực đã quá date…

Theo ghi nhận của trinh sát PC49, trước đây, hàng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc hoạt động mạnh ở các điểm như chợ Ninh Hiệp, khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… hay dọc tuyến đê sông Hồng. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động trung chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam.

Xé lẻ, vận chuyển bằng xe máy, xe ba bánh chở đến tận cửa hàng của người kinh doanh. Một tiểu xảo là các đối tượng thường xuyên thay đổi phương tiện vận chuyển hàng lậu, hoặc thuê “xe ôm” vận chuyển, để khi bị phát hiện sẽ không lộ ra chủ hàng. Ngoài ra, đối tượng sử dụng biển kiểm soát giả hoặc thường xuyên thay đổi biển, giờ chủ yếu đi ban đêm từ 3 đến 5h sáng…

Cùng với đường bộ, nhiều loại phương tiện khác đang bị đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng gian lận thương mại, thực phẩm “bẩn” lợi dụng như đường sắt, đường thủy và cả đường hàng không. Mặc dù hiện nay, mức xử phạt vi phạm đã cao hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn thấp so với lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc của các đối tượng.

Từ năm 2015 đến nay, PC49 phối hợp với các đơn vị chức năng đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố vụ án 43 vụ và xử phạt hành chính 2873 vụ, thu trên 14 tỷ đồng.

Điển hình, Đội Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Công an phường Tây Tựu phát hiện Trương Đức Hiếu (24 tuổi), trú tại tỉnh Hải Dương đang đỗ xe máy trước cửa hàng tạp hóa Hoàn Hảo để hạ thùng carton có ghi chữ Ajinomoto loại 454gram và loại 1kg cùng 1 túi bóng đựng 3 túi mì chính Ajinomoto loại 1kg. Đối tượng Hiếu không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số mì chính nói trên.

Qua khai thác, Hiếu khai là người vận chuyển thuê cho Vũ Văn Quyết (29 tuổi), trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đội Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành truy xét nóng, khám xét nơi ở của Quyết tại quận Long Biên, Hà Nội, bắt quả tang đối tượng đang có hành vi đóng gói mì chính giả.

Kiểm tra, thu giữ 103 gói mì chính giả thành phẩm, khoảng 600kg nguyên liệu mì chính giả để đóng gói, 268 vỏ túi mì chính nhãn Ajinomoto và A-One, 7 vỏ thùng carton mì chính nhãn Ajinomoto, các loại máy đóng túi, máy khâu, vỏ bao bì dùng để đóng gói mì chính giả. Cơ quan điều tra đã khởi tố Vũ Văn Quyết, Trương Đức Hiếu, Nguyễn Văn Sơn về hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm.

Cuối tháng 4, Đội 6 phối hợp với Đội Quản lí thị trường (QLTT) số 11 (Chi cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất chuyên thu mua các sản phẩm từ bò như: guốc, đuôi, chân, mõm, tai và nem chạo tại cụm 7, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại kho đông lạnh của cơ sở sản xuất có 3,7 tấn đuôi, chân và mõm bò các loại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch thú y.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy (41 tuổi)- chủ cơ sở sản xuất, hàng ngày thu mua số sản phẩm từ các lò mổ, thuộc địa bàn các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên, sau khi chế biến đem bán tại chợ Ngọc Hồi và các nhà hàng, quán bia. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính cơ sở sản xuất 50 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh.

Trước hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, người dân không tránh khỏi hoang mang. PC49 thông tin nhận diện các loại thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý quan sát kỹ nhãn hiệu hàng hoá.

Đối với thực phẩm bao gói sẵn, chúng có thể không dán nhãn hoặc nếu có dán nhãn sẽ không ghi đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định ghi nhãn hàng hoá như: Tên sản phẩm; thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; hướng dẫn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; xuất xứ; các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm.

Đối với thực phẩm có nguồn gốc nước ngoài sẽ không có tem phụ bằng tiếng Việt hoặc có tem phụ bằng tiếng Việt nhưng không có tên doanh nghiệp chịu trách nhiệm nhập khẩu. Còn các sản phẩm nông, lâm sản, thuỷ sản thì không có dấu xác nhận được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, động vật.

M.Hiền
.
.
.