Nhà vườn miền Tây bị thiệt hại nặng do triều cường, mưa lớn
Nhiều diện tích đã được xuống giống vụ hoa tết nhưng không kịp bơm tát thoát nước nên ngập úng, gây thiệt hại nặng, có nơi gần như “mất trắng” 100%.
Các huyện Long Hồ, Tam Bình, Bình Tân và thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)… là những địa phương chịu thiệt hại nặng do mưa lớn và đợt triều cường vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (Âm lịch) vừa qua. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Vĩnh Long, đợt triều cường dâng cao khiến hơn 8,2ha vườn cây ăn trái bị ngập, gây thiệt hại từ 30 đến 50%.
Nhiều diện tích ao nuôi cá bị ngập, thiệt hại trên 70%; 69 bờ bao, đập bị tràn, sạt lở với tổng chiều dài hơn 35km và hơn 9,5km quốc lộ, đường liên xã bị ngập; hàng trăm hécta lúa đang giai đoạn chín xanh và chờ thu hoạch tại các huyện Long Hồ, Tam Bình cũng bị ảnh hưởng. Triều cường dâng cao, nhiều đoạn bờ bao tại huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít bị tràn, sạt lở ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái.
Ông Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Vĩnh Long cho biết, để chủ động ứng phó với những đợt triều cường sắp tới, các địa phương đang gấp rút triển khai các công trình thủy lợi nhằm bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái và ruộng lúa của người dân. Khẩn trương thực hiện phương châm 4 tại chỗ, vận động lực lượng tại chỗ tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng, chủ động ứng phó với triều cường, hạn chế thiệt hại cho người dân.
Ông Lê Hoài Nam (ngụ ấp 5, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, gia đình ông trồng 0,7ha dừa. Nhưng những trận mưa vừa qua, nước ngập sâu nên số lượng dừa trên cây bị rụng trái rất nhiều. “Trồng dừa phải giữ mực nước vừa phải trong ao. Nước ít quá hay nhiều quá cũng làm ảnh hưởng đến năng suất”, ông Nam nói.
Nhiều diện tích trồng dưa leo của người dân tại ấp Mỹ Hưng (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Phong) cũng bị ngập úng chết toàn bộ. Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP Mỹ Tho cho biết, ngành chức năng chưa thống kê đầy đủ thiệt hại về hoa màu và cây ăn trái sau đợt mưa to, kết hợp triều cường vừa qua. Qua kiểm tra, tại xã Tân Mỹ Chánh có 59ha bưởi bị ảnh hưởng do người dân chưa chủ động trong việc bơm tát. Nhiều vườn bưởi bắt đầu có dấu hiệu vàng lá. Tại xã Mỹ Phong, số lượng hoa đã xuống giống bị thiệt hại nặng do ngập úng và các loại bệnh sau mưa dầm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (ngụ Mỹ Tho) sang chậu cho những gốc hoa bị ngập úng. |
Năm nay, làng hoa Mỹ Tho xuống giống khoảng 800.000 giỏ hoa các loại. Trong đó, 35.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, 300.000 giỏ cúc Hà Lan, 250.000 giỏ cúc vàng hòe… Thời điểm hiện tại, bà con đã xuống giống được 35.000 giỏ hoa cúc mâm xôi và 300.000 giỏ hoa cúc Hà Lan. Tuy nhiên, số lượng hoa này bị thiệt hại khoảng 30%, thậm chí nhiều nơi thiệt hại 100%. Cơn mưa lớn và kéo dài tối 13 và rạng sáng 14-10 đã khiến số lượng cây giống bị thiệt hại nặng nề hơn. Nhiều nơi, nước ngập lênh láng, cây giống bắt đầu héo úa…
Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (ngụ xã Mỹ Phong) tất bật tìm giống cúc Hà Lan thay thế cho số lượng cúc đã xuống giống bị úng chết. “Gia đình xuống giống 6.000 giỏ hoa cúc Hà Lan nhưng bị thiệt hại hơn 30% cây con. Gia đình đã chủ động bơm tát nhưng do mưa quá to và kéo dài nên việc thoát nước ra không kịp…”, bà Kiều nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nuôi (ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong) cho biết, nước ngập bơm không kịp nên nhiều giỏ hoa bị ngập qua khỏi đầu, trôi xuống các rãnh… bị thối, chết từ từ. “Ruộng hoa nào thấp, không chủ động thoát nước thì đợt này xem như thiệt hại 100%. Điều đáng lo ngại hiện nay là không có cây con giống để thay thế. Vì giống hoa vừa ươm ra rễ đã bị thối gần hết, số lượng cây con khác lại không ra rễ”, ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong nói.
Theo một số nhà vườn tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), mực nước lũ năm nay cao hơn các năm trước khoảng 70cm. Nhiều diện tích cỏ nhung, cây công trình trồng trên đất ruộng như hoa Trang, cúc Tiger, cau kiểng, Hoàng Yến… đều bị ngập úng.
“Nước năm nay nhiều hơn mọi năm. Các nhà vườn đang tập hợp nhân công, gia cố bờ bao cho vững chắc chứ không con nước tới không chịu nổi”, ông Đỗ Hoàng Ẩn (ngụ xã Tân Khánh Đông) cho hay. Thống kê sơ bộ của xã Tân Khánh Đông, con nước mấy ngày qua đã làm gần 3ha cỏ nhung Nhật bị ngập từ 30cm đến 40cm, gây thối bộ rễ và có nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Đông cho biết, địa phương có hơn 250ha cây ăn trái, 30ha trồng cỏ nhung. Sau đợt triều cường vừa qua, chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng, vận động người dân chủ động gia cố, nâng cao các bờ bao, điểm xung yếu, chủ động tháo nước và để hạn chế thiệt hại. Từ đây đến hết mùa lũ vẫn còn nhiều đợt triều cường nên nhà vườn cần tập trung nhân lực, vật lực để bảo vệ diện tích hoa màu, vườn cây ăn trái.