Nhà hát vừa thiếu lại còn lãng phí

Thứ Ba, 08/08/2017, 07:59
TP Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm kinh tế văn hóa lớn của cả nước, nơi đây quy tụ hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong làng giải trí Việt. Nhiều chương trình văn hóa đặc sắc, nhiều tiết mục, tác phẩm ca khúc, tuyệt phẩm để đời đều khởi nguồn từ chính mảnh đất Sài thành này.

Thế nhưng, một nghịch lý đáng buồn là thành phố đang thiếu một nhà hát đúng nghĩa nhưng vẫn có những nhà hát được đầu tư xây dựng nhưng không sử dụng được gây lãng phí.

Với kinh phí hơn 132 tỷ đồng cách đây gần 3 năm, rạp Hưng Ðạo được đầu tư cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Nhưng cho đến nay thì rạp vẫn cửa đóng then cài dù đã 2 lần được lên kế hoạch kỹ càng, đã ra mắt công chúng.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng lãng phí trên là do đầu tư chưa đồng bộ, đối với các hạng mục như đồ nội thất để phục vụ cho công tác biểu diễn đã không được tính toán cẩn thận chu đáo dẫn đến việc thiết kế không phù hợp, phòng hóa trang không có trong khi đó sân khấu thể nghiệm được xây không đạt chuẩn, ghế ngồi nhỏ, sân khấu chính thì lại quá bé.

Chương trình múa Ba lê đặc biệt của HBSO "Ballet with Tchaikovsky and Ravel".

Ðây là một sự lãng phí lớn trong kinh phí đầu tư mặc cho các nhà hát đang rất thiếu một mái nhà. Vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Văn hóa tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện dự án, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (giai đoạn làm chủ đầu tư) và các cá nhân có liên quan. Cần chọn đơn vị kiểm định độc lập để thực hiện thẩm định chất lượng và định giá lại hàng hóa, thiết bị không đúng xuất xứ.

Giám đốc Sở Xây dựng được yêu cầu kiểm tra công tác nghiệm thu và tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các cá nhân có sai sót trong việc thẩm định thiết kế cơ sở, phê duyệt dự án (ban đầu).

Trung tâm có hai sân khấu nhỏ 300 ghế, sân khấu lớn khoảng 600 ghế. Ngoài sân biểu diễn, nhà hát còn xây khu làm việc cho nhân viên, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống, sản xuất băng đĩa...

Tính đến thời điểm này, thực trạng cơ sở hạ tầng của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - các nhà hát, rạp hát - vẫn là điểm khuyết vô cùng lớn trong mặt bằng phát triển chung của TP Hồ Chí Minh.

Ðến nay, tại thành phố hầu hết các đơn vị nghệ thuật công lập đều không có được một “ngôi nhà” đúng nghĩa, nơi làm việc, tập luyện, rèn nghề, tổ chức biểu diễn đều mang tính tạm bợ. Có được một nhà hát mang tầm cỡ quốc gia, một nhà hát được xây mới là niềm vui, niềm mong mỏi cấp thiết của hầu hết các đơn vị nhà hát nghệ thuật.

Có thể kể tên một số nhà hát lớn của TP Hồ Chí Minh như Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch (HBSO), Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… tên tuổi của những nhà hát này cũng đã gắn liền với những tác phẩm để đời. Tuy nhiên, những nhà hát này lại đều cùng chung một cảnh ngộ như nhau.  

Đầu tiên phải kể đến là Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch (HBSO), với hơn 20 năm thành lập (từ năm 1993 đến nay), HBSO đã cống hiến không ngừng nghỉ để cho ra đời những sản phẩm tinh thần đặc sắc phục vụ khán giả.

Dù đã hơn 20 năm nhưng đến nay HBSO vẫn phải thuê phòng tập múa ở số 81 đường Trần Quốc Thảo; dàn nhạc tập luyện ở rạp Thanh Vân, nơi đây cũng là kho của nhà hát; phòng làm việc được đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố. Trung bình mỗi năm, HBSO phải chi gần 900 triệu đồng cho việc thuê mướn điểm diễn và điểm tập luyện.

Còn với các nhà hát khác thì tình trạng cũng chẳng khả quan hơn như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen có văn phòng nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi cho đến rạp hát Kim Châu nằm ở khu trung tâm quận 1, cả hai nơi này đều chỉ có thể sử dụng làm nơi tập luyện bởi lẽ cơ sở vật chất hạ tầng đã quá xuống cấp, cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn.

Thảm hơn nữa phải kể đến việc luân chuyển từ nơi tạm bợ này đến nơi xập xệ kia của Nhà hát Nghệ thuật hát bội. Từ hơn 10 năm lây lất ở rạp Long Phụng nay chuyển về rạp Thủ Đô có lịch sử hơn 70 năm chống chọi cùng mối mọt thời gian, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Việc cần phải có “nhà” cho các nhà hát là cấp thiết. Cái này không có gì bàn cãi. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO tâm sự: “Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày, từng bước, với từng người. Từ nay tới năm 2021 - khi tôi nghỉ hưu, trong 5 năm ấy, tôi không muốn làm điều gì khác ngoài việc xây dựng nhà hát. Tôi hi vọng đến năm 2021 có thể động thổ được công trình này”. 

Hải Âu
.
.
.