Nguy hiểm nhiễm độc chì do uống thuốc cam trôi nổi

Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:15
Mặc dù đã được rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo về hậu quả của việc tùy tiện mua thuốc cam trôi nổi cho trẻ nhỏ uống, tuy nhiên vẫn có không ít các bà mẹ vì thiếu hiểu biết mà vô tình khiến con mình bị ngộ độc chì từ những túi thuốc cam ấy. Hậu quả của việc sử dụng thuốc cam lâu dài có thể ảnh hưởng đến trí lực và chỉ số IQ của trẻ.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, chiều 25/6, chúng tôi gặp hai mẹ con chị Đặng Thị Hường và cháu Nguyễn Thị Thu Hằng, trú tại xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Cháu Hằng năm nay  4, tuổi khá xinh xắn nhưng đang phải nhập viện điều trị vì nhiễm chì do uống thuốc cam trôi nổi.

Nhiều trẻ bị nhiễm độc chì do uống thuốc cam.

Chị Hường kể lại: Lúc cháu được 6 tháng tuổi, bàn tay cháu hay nắm chặt với nhau, cháu lại hay quấy khóc về ban đêm. Nghe mọi người mách bảo, chị Hường đã đến nhà một ông lang trong làng để mua thuốc cam cho con uống, mong con sẽ hay ăn, chóng lớn.

Chị kể lại: Lúc đó cháu còn đang bú mẹ nên tôi cũng dùng thêm cả thuốc cam để cháu hấp thụ qua sữa mẹ. Con uống thuốc cam dạng bột, mẹ thì uống dạng viên thế nhưng tác dụng hay ăn chóng lớn đâu chưa thấy, mà chỉ thấy cháu Hằng có những biểu hiện khác như người tím tái, lười ăn, nôn trớ. Đưa cháu đi khám tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chị Hường mới ngã ngửa khi biết con mình đã bị nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam.

Trong đợt điều trị đầu tiên, gia đình chị phải vay mượn anh em họ hàng để chi trả tiền viện phí, tiền thuốc, ăn ở đi lại lên đến 70 triệu đồng. Đến bệnh viện trong đợt điều trị thứ 2 này, chị Hường kể: Thương cháu lắm nên lần này gia đình phải vay ngân hàng để mong chữa khỏi bệnh cho con.

Thời điểm cách đây chưa lâu, khi dịch tay-chân-miệng bùng phát, nhiều gia đình cũng đã lo lắng và đổ đi mua thuốc cam cho con trẻ uống với mong muốn con khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cam trôi nổi đã để lại những hậu quả khôn lường khi hàm lượng chì trong máu của nhiều trẻ điều trị tại Trung tâm Chống độc tăng gấp từ 5 đến 10 lần cho phép.

Như trường hợp cháu Phạm Quang Phát, 13 tháng tuổi, ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chỉ vì thấy cháu bị tưa lưỡi, quấy khóc, mẹ cháu Phát đã mua thuốc cam của bà lang vườn về bôi cho con. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, cháu có biểu hiện mệt mỏi, nôn nhiều, thậm chí có thời điểm bị co giật nên gia đình đã đưa đi khám ở nhiều bệnh viện. Tại Bệnh viện Nhi TW, cháu Phát được chẩn đoán nhiễm độc chì và chuyển đến Trung tâm Chống độc để điều trị.

Qua các trường hợp trẻ em bị nhiễm độc chì điều trị tại Trung tâm Chống độc do uống thuốc cam cho thấy, phần lớn thuốc cam mà các bệnh nhi sử dụng là mua của ông lang, bà lang vườn. Những gói thuốc cam này đều không có nguồn gốc xuất xứ, chỉ được đóng gói tạm bợ trong những túi nilon nhỏ bằng bàn tay. Bệnh nhân nhẹ nhập viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, nặng thì bị co giật, hôn mê, lú lẫn. Sử dụng các loại thuốc cam gây nhiễm độc chì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến trí lực và làm giảm chỉ số IQ của trẻ.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, khi thấy con mình bị sài đẹn, mụn nhọt, bệnh tay-chân-miệng…, các bà mẹ không được tự ý mua thuốc trôi nổi trên thị trường, mà phải đưa trẻ đế các cơ sở y tế để điều trị. UBND và Sở Y tế các địa phương cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các lang băm, lang vườn treo biển “bốc thuốc gia truyền” để dẹp tận gốc việc kinh doanh các loại thuốc nam trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ.

Hiện nay, tại nhiều phiên chợ quê ở các tỉnh lẻ, rất dễ bắt gặp những bà lang, ông lang treo biển hành nghề bốc thuốc nam. Trên chiếc vải bạt, họ thường bán những gói thuốc lá cây, thuốc nam bào chế dạng bột màu đen, màu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và, đây cũng chính là một trong những “kênh” quen thuộc để người dân có thể mua được những túi thuốc cam trôi nổi với quảng cáo giúp trẻ hay ăn, chóng lớn, bụ bẫm. Giá của những túi thuốc cam này cũng không cao, chỉ dao động từ vài nghìn đồng một túi.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, nên có biện pháp xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn bán các loại thuốc cam trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi lẽ hậu quả từ việc sử dụng các loại thuốc này đã rõ và khá nặng nề. Có như vậy mới đủ sức răn đe.

Người viết bài này mong rằng, để giúp con mình được khỏe mạnh và phát triển, mọi người hãy là những bậc làm cha làm mẹ thông thái, đừng vì thương con, nghe theo những lời mách bảo, rỉ rai mà khiến con mình mắc bệnh. Cần cương quyết nói không với những loại thuốc cam bán trôi nổi trên thị trường.

Nguyễn Hương
.
.
.