Nguy cơ thiếu nước ngầm ở vùng sông nước

Thứ Năm, 26/03/2015, 08:47
Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới tiêu và sinh hoạt, nhất là vùng nông thôn. Nguồn nước ngày càng bị mặn hóa và ô nhiễm. Bên cạnh là tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, vượt khỏi tầm quản lý của ngành chức năng.

Nguồn nước ngầm suy giảm

Nhiều nơi ở Trà Vinh bị suy giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Anh Dương Minh Tâm (ấp Cà Tốc, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú) lo lắng vì gần nửa tháng nay, khu ruộng trồng khoai của gia đình đang thiếu nước tưới, trong khi tình hình khô hạn bắt đầu diễn ra. Anh Tâm cho biết: “Năm 2013, gia đình tôi có đóng 1 cây nước mô tơ nhưng chỉ bơm nước ngầm được 1 năm rồi sau đó nguồn nước tắt hẳn. Tôi đầu tư thêm một cục kích nước nhưng nguồn nước ngầm vẫn không mạnh lên được”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cũng buồn rầu vì 8.000m² trồng đậu phộng đang nằm phơi nắng ngoài đồng mà thiếu nước tưới. Năm 2012, giếng khoan nhà bà Hồng bị tụt nước và kéo dài đến nay. Giếng khoan đào xuống đất sâu cả 100m nhưng không ăn thua, bơm khoảng 2 giờ là đã hết nước.

“Trên địa bàn xã có 5.000 giếng khoan, khoảng 60% trong số đó phục vụ cho trồng màu đều bị tụt nước, không thể bơm vào lúc cao điểm”, ông Võ Văn Náo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc thông báo. Theo tính toán của các ngành chức năng, nguồn nước ngầm để phục vụ trong trồng màu chỉ chiếm khoảng 30%, nhưng nguồn nước ngầm trong nuôi thủy sản chiếm tới 70%. Việc  thiếu nguồn nước ngầm đang gây hậu quả rất lớn đến ngành này.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 140.000 giếng khoan nước ngầm, trong đó gần 138.000 giếng đang khai thác, sử dụng, số còn lại đã hư hỏng nặng. Lưu lượng khai thác trung bình 373.332m²/ngày đêm; mật độ khai thác 29,5 giếng/km². Tổng trữ lượng nước ngầm của tỉnh có thể khai thác khoảng 5,8 triệu m²/ngày. Ðiều đáng lo nhất là số giếng khoan hư hỏng bỏ hoang nhiều năm đã bị nhiễm phèn, mặn nên đã xâm thực vào nguồn nước ngầm đang sử dụng khiến những giếng nước sạch cũng bị nhiễm bẩn.

Tình trạng khai thác quá mức nước ngầm, khiến ĐBSCL đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Theo nhiều chuyên gia, nguồn nước ngầm tại Cà Mau có nguy cơ bị cạn kiệt do nơi đây có đến 300.000 ha diện tích ao nuôi tôm. Chính nguồn nước nuôi thuỷ sản chưa được xử lý đã xả thẳng ra môi trường xung quanh làm cho việc giải phóng, tiêu thoát nguồn nước bẩn, ô nhiễm rất chậm.

Vào mùa khô tại một số vùng nuôi tôm ở Cà Mau, người dân còn khoan giếng lấy nước ngọt pha vào để giảm độ mặn cho nguồn nước dẫn từ các dòng sông, kênh rạch. Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng chính sự khai thác nước ngầm quá mức đã gây ra tình trạng sụt lún tại bán đảo Cà Mau.

Cần quản lý chặt

Theo đánh giá của Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF), sông Mekong chảy qua Việt Nam là một trong 5 dòng sông ở Châu Á sẽ sớm cạn kiệt nguồn nước. Ước tính trong tương lai gần lưu lượng dòng chảy của sông Mekong về ĐBSCL từ 2.000m²/s sẽ suy giảm còn khoảng 1.000m²/s. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, lượng mưa bất thường dẫn đến nguồn nước ở ĐBSCL bị suy giảm và ô nhiễm hơn. Nhiều giếng khoan, giếng đào bị ngập hoặc khô cạn.

Theo ông Nguyễn Văn Hoành, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, để tránh tình trạng ô nhiễm và hụt nước ngầm, huyện đã được Sở TN-MT tỉnh hỗ trợ trám lấp tổng cộng được 65 giếng khoan. Nhưng lượng giếng khoan không còn sử dụng ở Cầu Ngang khá lớn do kinh phí tráng lấp khá cao.

Hiện phòng TN&MT huyện đang triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước”. Đề án này thực hiện sẽ giúp cho huyện khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm một cách hiệu quả. 

UBND tỉnh Cà Mau cũng đang chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan triển khai lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trước mắt, Sở TN-MT cần tiến hành lập phương án xử lý, trám lấp hơn 2.000 giếng khoan hư hỏng, không sử dụng, với nguồn dự trù kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh, việc cần làm ngay là công bố quy hoạch cụ thể nơi nào được phép, nơi nào cần hạn chế và nơi nào cấm triệt để khai thác nguồn nước ngầm.

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.