Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo sạch

Thứ Sáu, 28/10/2016, 10:32
Ngày 26-10, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh công bố đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sau hơn hai tháng Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh chuẩn bị, phối hợp cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… thực hiện.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, mặt hàng thịt heo không an toàn đang tiếp tục là mối lo ngại đặc biệt trong dư luận. Lo ngại đó là người chăn nuôi heo sử dụng thuốc, hóa chất cấm, thức ăn tăng trọng để lại dư lượng quá mức cho phép. 

Tình trạng bơm nước, tiêm chích các loại thuốc an thần trước khi đưa heo vào giết mổ hoặc khi thịt heo phân phối ra thị trường thì người kinh doanh ướp muối diêm, hàn the để tạo màu, ngăn vi khuẩn phát triển... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. 

Trong khi đó, việc lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt tươi của các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc kiểm tra định lượng, giám sát. Việc tạm giữ và xử lý còn nhiều hạn chế.

Từ ngày 10 - 12, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh có thể truy xuất nguồn gốc thịt sạch.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, với mục tiêu nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thịt heo từ cổng trang trại đến tay người tiêu dùng (NTD), việc thực hiện được triển khai như sau: Buộc 2 vòng nhận diện có khắc mã số QR code bằng tia laser vào 2 chân sau của con heo tại trang trại. Khi mã số trên vòng nhận diện được trang trại kích hoạt, các thông tin về trang trại nuôi heo sẽ được chuyển về hệ thống trung tâm và chủ trang trại chịu trách nhiệm thông tin đó. 

Vòng nhận diện trên có giá trị kích hoạt trong vòng 24-48 giờ, không có khả năng sử dụng lại trong trường hợp tháo ra lắp lại. Quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo sẽ được thực hiện xuyên suốt theo đường đi của heo từ lúc heo xuất chuồng cho đến khi đưa đến cơ sở giết mổ. Sau khi giết mổ, heo được xẻ ra thành 2 mảnh, mỗi mảnh có 1 vòng nhận diện. Kiểm dịch viên sẽ đóng dấu điện tử lên vòng nhận diện để xác định nơi giết mổ, thời gian giết mổ, nhân viên kiểm dịch và chứng nhận thịt đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các mảnh heo có 1 vòng nhận diện được đưa về chợ sỉ. 

Trước khi vào chợ, đơn vị quản lý chợ kiểm tra nếu  thịt có vòng nhận diện hoặc chứng minh được nguồn gốc thì  mới cho vào chợ. Chủ đại lý bán sỉ đọc các vòng nhận diện để nhập hàng, khai báo về bản thân, về chợ sỉ và nhận biết thông tin về mảnh heo thông qua công cụ như máy tính bảng hoặc điện thoại smartphone đã tải ứng dụng phần mềm TE-APP. 

Khi hàng đến chợ lẻ thì trên thùng phải được niêm phong vòng nhận diện. Khi bán, tiểu thương sử dụng tem giấy điện tử mua từ Ban quản lý. Dùng điện thoại kích hoạt, dán vào túi đựng thịt bán cho NTD. NTD truy xuất được các thông tin về thịtt heo như: Trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ đầu mối, tên  chủ sạp và số sạp kinh doanh, chợ bán lẻ, thông tin tiểu thương... từ tem giấy. 

Với phương pháp này, hệ thống quản lý có khả năng phân tích. Sàng lọc và lên “danh sách đen” hoặc khoanh vùng những khu vực, đối tượng, hiện tượng nghi ngờ  vi phạm để các nhà quản lý và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý. Qua đó, hệ thống cũng hỗ trợ NTCD thông qua bản đồ các điểm bán thịt heo đã được kiểm soát theo quy trình để biết và thuận tiện lựa chọn mua sắm.

Được biết, lượng thịt heo từ các tỉnh lân cận đổ về TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 80%. Vì vậy, giải pháp này triển khai, có 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An... có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ của TP đăng ký tham gia . 

Về cơ sở giết mổ, TP Hồ Chí Minh có 11 cơ sở giết mổ đăng ký, trong đó có 2 cơ sở  giết mổ lớn là Vissan và An Hạ với năng suất 4.000-5.000 con/ngày (chiếm hơn 50% lượng heo tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn TP). 3 cơ sở giết mổ tại Đồng Nai với năng suất 800-1.000 con/ngày, 5 cơ sở giết mổ tại Long An năng suất 2.000-2.500 con/ngày và 1 cơ sở tại Bình Dương năng suất 200-300 con/ngày. 

Với hệ thống phân phối, 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Hóc Môn và Bình Điền (cung cấp 70-80% nhu cầu thịt hằng ngày của TP) đăng ký tham gia và 4 chợ lẻ triển khai đợt thí điểm đầu tiên là chợ Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình. Riêng hệ thống phân phối hiện đại thì có 5 hệ thống siêu thị và 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi đăng ký. Hệ thống phân phối đăng ký tham gia bước đầu lên đến hàng trăm địa điểm và phủ khắp địa bàn TP, vượt xa với kế hoạch dự kiến ban đầu.

 Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: 

“Giai đoạn 1 triển khai thí điểm tại các đơn vị đăng ký tham gia ban đầu từ ngày 10-12-2016 và triển khai chính thức trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh từ ngày 1-3-2017. Trong giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, siêu thị và chợ lẻ. Giai đoạn 2 sẽ triển khai quản lý theo chu trình khép kín từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo từ khi mới sinh cho đến NTD. Dự kiến tổ chức trong năm 2017 và sẽ nhân rộng quản lý đến các mặt hàng thịt  gia súc, gia cầm, rau củ quả và các sản phẩm khác”.

Thúy Hà
.
.
.