Giãn dân phố cổ: Người dân lo lắng về kế sinh nhai tại nơi ở mới

Thứ Ba, 20/01/2015, 10:08
Giãn dân phố cổ là một đề án đã được “thai nghén” trong suốt 15 năm. Mặc dù rất nhiều lần, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, đây là đề án khả thi nhưng đến thời điểm này, mọi bước vẫn chỉ là sự chuẩn bị trên giấy.

Như Báo CAND ngày 17/1 đã thông tin, đến tháng 3 tới đây, Hà Nội sẽ khởi động đề án này, bắt đầu bằng việc xây dựng các dự án hạ tầng giao thông đô thị, xã hội khu nhà ở giãn dân.Tuy nhiên, điều người dân phố cổ trong diện di dời cần nhất không phải là sự ưu đãi về nơi ở, mà là họ sẽ sinh sống bằng nghề gì ở nơi ở mới xa trung tâm.

Khu phố cổ Hà Nội được coi là một di sản đô thị cổ, gắn liền với sự hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long-Hà Nội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, khu phố cổ ngày nay trải rộng trên diện tích khoảng 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm với tổng dân số điều tra năm 2010 là gần 6,7 vạn người tương ứng mật độ 823 người/ha.

Với mật độ dân số đông như vậy, việc giãn dân để giảm sức ép cho phố cổ Hà Nội - đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, là cần thiết. Tuy nhiên, đây là một trong những đề án gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp nên dù được hình thành từ năm 2000 nhưng mãi đến năm 2013, Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội mới chính thức được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Theo đề án này, mật độ dân số khống chế đến năm 2020 là 500 người/ha, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người ra khỏi phố cổ.

Đề án này được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện với diện tích hơn 11ha tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), di dời 1.530 hộ dân. Sang giai đoạn 2, quận sẽ đề nghị TP bố trí quỹ đất 30ha để di dời hơn 5.000 hộ dân, và sẽ kết thúc đề án vào năm 2020.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, những đối tượng phải di dời trong giai đoạn một của dự án sẽ tập trung vào các hộ gia đình đang sống trong các khu đình, đền, chùa, di tích (464 hộ); khu trường học (13 hộ), trong các công sở (21 hộ). Các đối tượng còn lại là gần 6.000 nhân khẩu đang sống tại các công trình đặc biệt cần bảo hộ, các hộ dân sống trong một nhà có đông hộ, nhà xuống cấp nguy hiểm. Tổng số sẽ có khoảng 533 hộ phải di dời.
Mỗi mét vuông vỉa hè là nơi kiếm sống của rất nhiều người dân phố cổ.

Di dời hàng nghìn hộ dân với những thay đổi lớn về sinh hoạt, thói quen, nếp sống phố cổ không hề đơn giản. Ông Phạm Tuấn Long cũng khẳng định, Đề án giãn dân phố cổ nếu chỉ đơn thuần là giải phóng mặt bằng (GPMB) thì có thể đưa người dân tới nhiều khu vực.

“Nhưng ở đây chúng tôi xây dựng một khu đô thị để những người dân phố cổ được ở với nhau. Với không gian sống mới sẽ tạo ra điều kiện sinh hoạt giống với cuộc sống nơi phố cổ mà họ sống trước đây. Có thể thấy, ở nhiều khu đô thị mới chung cư cao tầng cư dân sống gần như bó kín trong không gian sống của từng căn hộ”, ông Long cho biết.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, 4 nhóm đối tượng trong diện di dời kể trên sẽ được hưởng chính sách GPMB nhà nước đang thực hiện với mức giá cao nhất 162 triệu đồng/m², và được hưởng chính sách tái định cư tại nơi ở mới. Phần diện tích sau khi thu hồi sẽ phục vụ mục đích chung.

Đối với các hộ dân diện tích đang ở rất bé, không đủ tiền mua căn hộ tái định cư thì sẽ được ở căn hộ tái định cư diện tích dưới 30m2 và không phải trả tiền. Còn nếu có nhu cầu ở căn hộ trên 30m2 sẽ áp dụng chính sách trả chậm, hoặc có quyền được thuê mua căn hộ. Đối với các hộ không đăng ký mua, nhà nước sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng. Khi nhận nhà tái định cư, người dân có quyền bán, nhưng không được quay trở lại nơi ở cũ trong phố cổ.

Tuy nhiên, qua rất nhiều cuộc khảo sát, đa số người dân phố cổ không muốn di dời. Bởi với họ, không phải chỉ là di chuyển chỗ ở mà còn liên quan đến kế mưu sinh. Ở phố cổ, chỉ cần 1m2 vỉa hè cũng đủ cho một gia đình sinh sống bằng nghề bán nước hay đồ ăn vặt.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cái khó nhất chính là phải đảm bảo việc làm cho 40% số dân phố cổ đang kiếm sống nhờ kinh doanh vỉa hè. Trong nhiều bài viết đề cập đến cuộc sống của người dân phố cổ, chúng tôi đã chứng kiến những gia đình ba thế hệ sống chung trong một căn hộ chỉ rộng 9m2.

Mọi sinh hoạt của 6 con người bó hẹp vẻn vẹn trong căn phòng chật chội đó. Tuy nhiên, hầu hết những người dân chúng tôi tiếp xúc đều không muốn chuyển đi vì điều họ lo lắng nhất là chỉ có nhà rộng mà không có việc làm... Với họ, dù chỉ là chạy xe ôm buổi tối quanh khu vực chợ Đồng Xuân – phố Hàng Khoai cũng đủ để sống.              

Mặc dù theo Ban Quản lý phố cổ, đơn vị được giao xây dựng và thực hiện đề án giãn dân, khu giãn dân này sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, có chợ dân sinh, trạm y tế chuẩn quốc gia, có không gian đi bộ và được quy hoạch bố trí “phố” buôn bán theo từng ngành, loại hàng hóa.

Toàn bộ diện tích tầng 1 của các tòa nhà là kiốt để người dân kinh doanh. Trên vỉa hè của khu trục chính của tuyến phố trong khu đô thị có 4 làn xe sẽ được dành một phần để bố trí khu vực kinh doanh cho bà con. Nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, ở nơi mật độ dân số thấp, không phải là khu kinh doanh sầm uất thì việc buôn bán sẽ rất khó khăn.

Ngọc Yến
.
.
.