Người dân hiến đất trị giá hơn 400 tỷ đồng để làm đường

Thứ Năm, 18/06/2015, 08:59
Có lẽ, chưa khi nào ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chủ trương làm đường của nhà nước lại được nhân dân đồng thuận đến như vậy, họ đã sẵn sàng hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để làm đường.

Hiến đất để đổi lấy môi trường trong lành

Chiều 17/6, có mặt tại tỉnh lộ 337 nằm trên địa bàn phường Cao Xanh, TP Hạ Long, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi con đường mới quá đỗi khang trang, thoáng đãng, hai bên vỉa hè rộng rãi, sạch đẹp, xóa tan hình ảnh kinh khủng trước kia. Tỉnh lộ 337 được biết đến là “con đường đau khổ” xuống cấp trầm trọng, có đến hàng trăm ổ trâu, ổ bò, lầy lội, mặt đường chật hẹp, bụi bặm. Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe tải đi qua cày nát con đường, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì lầy lội kinh khủng. Mong mỏi của hàng nghìn hộ dân có một con đường mới, rộng rãi giờ đã trở thành hiện thực.

Bà Ngô Thị Vân, ở tổ 55, khu 4, phường Cao Xanh là một trong 806 hộ dân tình nguyện tháo dỡ công trình nhà, bàn giao mặt bằng đầu tiên cho chúng tôi biết: “Trước đây con đường này chật chội lắm. Mùa hè thì mùi hôi thối của các hộ nuôi lợn thải ra không sao chịu nổi. Nhưng từ ngày có đường mới thì hết rồi. Đường thông hè thoáng, sạch sẽ nên người dân rất phấn khởi”.

Theo chia sẻ của bà Vân thì nhà bà hiến hai bên mặt đường với diện tích trên 50m² cho nhà nước để làm con đường này. Thấy bà tình nguyện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sớm, các hộ dân bên cạnh cũng làm theo. Theo chính quyền phường Cao Xanh thì hộ hiến đất làm tỉnh lộ 337 nhiều nhất là ông Nguyễn Anh Tuấn, ở khu 4b, hiến 258m². 

Diện tích đất của ông Tuấn có trên 800m², ông sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện con đường mới. Đây có thể coi là việc nghĩa mà không phải ai cũng có thể làm được. Thật hiếm thấy việc làm đẹp như thế này tại các dự án, hộ hiến ít cũng vài mét đất, nhiều thì vài ba chục mét đến cả hàng trăm mét. 

Theo ông Nguyễn Công Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình TP Hạ Long thì mỗi mét vuông đất ở thời điểm các hộ dân bàn giao mặt bằng trung bình là 10 -15 triệu đồng/m². Dự án làm tỉnh lộ 337 có 806 hộ dân, 5 đơn vị, tổ chức bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, 806 hộ này đã tình nguyện hiến 24.500m² đất (chủ yếu là công trình tạm), trị giá hơn 300 tỷ đồng với chiều dài 2km.

Tỉnh lộ 337 khang trang, đẹp đẽ nhờ sự hiến đất của 806 hộ dân.

Đồng thuận của người dân đã rút ngắn 2/3 tiến độ của dự án

Trong khi nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thì hơn 1 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng khi cải tạo xây dựng tỉnh lộ 336, 337 ở TP Hạ Long lại sẵn sàng hiến đất cho nhà nước, bàn giao mặt bằng sớm, quả là chuyện khó tin nhưng có thật. Đây là một sự thay đổi nhận thức rất lớn, và trên hết là tấm lòng trân quý của những con người vốn yêu mến và khao khát đổi mới vùng đất này trở nên văn minh và hiện đại hơn.

Ông Trần Công Huy cho biết, từ năm 2004 thành phố đã có chủ trương xây dựng tỉnh lộ 336 và 337 nhưng đều dở dang do vướng mắc GPMB. Năm 2013, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hạ Long chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án và kêu gọi, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa hiến đất làm đường.

Ông Trần Công Huy khi đó là Chủ tịch UBND phường Cao Xanh đã lăn lộn ngày đêm, trực tiếp cùng các đoàn thể vào cuộc vận động. Ông cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố, cứ 3 ngày phường lại có một cuộc họp, phân tích, chỉ ra những mặt lợi khi làm đường mới cho dân hiểu. Chúng tôi vận động các đảng viên, cán bộ công chức, các hội viện trong đoàn thể phải gương mẫu đi đầu”. 

Khi dân đồng thuận rồi thì rất nhanh, họ tự giác tháo dỡ phần cơi nới, nhà tạm, tạo điều kiện hết sức thuận lợi, bàn giao mặt bằng nhanh chóng cho chủ đầu tư thi công. Và thật khó tin là tỉnh lộ 337 giá trị xây dựng chỉ là 45 tỷ đồng do nhà nước đầu tư và công trình hoàn thành chỉ trong vòng 1 năm.

“Nếu nhân dân không hiến đất thì công trình phải kéo dài 3 năm mới hoàn thành”- ông Huy chia sẻ.

Ngay sau khi tỉnh lộ 337 hoàn thành, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình khác như xây dựng tỉnh lộ 336 thuộc địa bàn phường Cao Thắng và Hà Lầm (TP Hạ Long) 2 giai đoạn là 6,2km. Và, tỉnh lộ 337 như một điểm sáng, động lực để các hộ dân ở địa phương khác sẵn sàng hiến đất cho việc thay da đổi thịt nơi vùng đất mình gắn bó. Khi thực hiện GPMB tại tỉnh lộ 336 người dân cũng đã tình nguyện hiến đất. Theo ông Huy thì hiện nay giai đoạn 1 đã thi công xong 60%, người dân đã bàn giao 80% diện tích mặt bằng với tổng diện tích hiến là 8.000m², trị giá 80 tỷ đồng.

“Hiện thành phố đã vận động hơn 300 hộ dân hiến đất giai đoạn 2 với giá trị hiến khoảng 80 tỷ” – ông Huy cho biết.

Tiếp nối thành công đó, thành phố Hạ Long tiếp tục xây dựng đường từ cầu K67 đến cầu Bang để mở rộng không gian thành phố, chỉnh trang nâng cấp tỉnh lộ. Dự án kéo dài hơn 4km, có khoảng hơn 80 hộ dân bị ảnh hưởng và chính quyền đang vận động người dân hiến đất. Theo ông Huy thì người dân đều đã đồng tình với chủ trương của nhà nước hiến đất làm đường để nhân dân và nhà nước cùng được hưởng lợi.

Còn gì bằng khi thấy sự hy sinh của người dân được thay thế bởi những con đường đẹp đẽ, văn mình. Đây cũng là kinh nghiệm sâu sắc đối với việc đầu tư các công trình giao thông, giảm được 2/3 thời gian của dự án, ổn định ANTT và an ninh chính trị tại khu vực đầu tư.

Trần Hằng
.
.
.