Ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội:

Người dân đồng lòng chống dịch, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra

Thứ Năm, 02/04/2020, 08:33
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 1/4, ngày đầu thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch COVID-19, hầu hết người dân Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc. Trên nhiều tuyến đường, lượng phương tiện đã giảm tới 90%. Lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông cũng không vì thế mà lơ là nhiệm vụ.

Từ sáng sớm ngày 1/4, các bến xe: Phía Nam, Nước Ngầm, Mỹ Đình và Gia Lâm đều đã đồng loạt tạm “đóng cửa”. Ghi nhận lúc 8h00, khu vực bến xe phía Nam không một bóng hành khách, hệ thống nhà chờ mua vé đóng cửa. Các đại lý nhà xe trong bến cũng đồng loạt dán thông báo tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, thời điểm ghi nhận, trong BX Giáp Bát vẫn còn một số xe chưa di chuyển theo yêu cầu của bến.

Theo Trưởng ca điều hành bến xe phía Nam thông tin, tính đến 9h sáng 1/4, bến xe vẫn còn 8 xe khách đậu đỗ, trong đó có xe đã ở đây khoảng 4 đêm chưa tìm được chủ. Ban quản lý bến đang tích cực liên hệ với các chủ xe, hết ngày xe nào chưa di chuyển, bến sẽ thuê xe cẩu về bãi và không chịu trách nhiệm về sự an toàn của tài sản.

Cán bộ Công an, trật tự quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhắc nhở người dân giữ khoảng cách khi tập thể dục đông người để phòng, tránh dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Ngoài khu vực bến xe, ghi nhận của phóng viên trên các trục đường lớn nhỏ quanh khu vực Bờ Hồ, quanh các cửa ngõ ra vào thành phố như Pháp Vân-Giải Phóng, khu vực Mỹ Đình… lượng người dân lưu thông cũng giảm đáng kể. Hầu hết các cửa hàng dọc hai bên đường đều đã đóng cửa, trên đường chỉ còn xe máy, xe ôtô con, thi thoảng thêm vài ba chiếc xe tải nhỏ lưu thông,  lưu lượng áng chừng giảm tới 90% so với ngày thường.

* Ghi nhận của PV Báo CAND, ngày 1/4, người dân ở TP Huế và các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đều thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các tuyến đường trung tâm TP Huế rất ít người và phương tiện giao thông qua lại. Chợ Đông Ba (phường Phú Hòa, TP Huế), ngôi chợ nổi tiếng sầm uất xứ Huế, trong sáng 1/4, cũng vắng người mua bán...

Trung tá Lê Ngọc Minh, Trưởng Công an phường Phú Hòa cho biết, đơn vị đã tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cửa hàng ăn uống, giải khát và các quầy buôn bán trong chợ Đông Ba (trừ các gian hàng lương thực thực phẩm, rau củ quả, đồ khô) và tại các tuyến đường ở địa bàn phường phải đóng cửa để tránh tụ tập đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và được các tiểu thương, chủ quầy thực hiện nghiêm túc.

Tại chợ Bến Ngự, đa số các quầy hàng buôn bán các mặt hàng ngoài lương thực thực phẩm, rau củ quả cũng đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

* Tại TP Đà Nẵng, người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài 7 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào TP Đà Nẵng, lực lượng Công an, Y tế cũng tăng cường trực 24/24 tại 2 chốt mới trên đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà, để dừng kiểm tra đối với các phương tiện; các nhóm tự lập nhóm du lịch dã ngoại, ngắm cảnh.

Theo ghi nhận của PV, ở các tuyến phố trung tâm Đà Nẵng, các cửa hàng, quán cà phê đều treo bảng tạm đóng cửa; các bãi biển cũng vắng hẳn người đi tắm biển, vui chơi…

Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an, Biên phòng triển khai kiểm soát và yêu cầu khai báo y tế, địa chỉ, số điện thoại liên lạc tất cả những người ra, vào khu vực cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Các tàu cá cập cảng cá Thọ Quang cũng khai báo y tế, cung cấp địa chỉ, số điện thoại của chủ tàu và tất cả thuyền viên; khai báo các thông tin liên quan đến thời gian cấp, xuất bến; ngư trường đánh bắt, sản lượng…

Trên nhiều trục đường, lưu lượng phương tiện giảm đáng kể.

* Ở địa bàn tỉnh Quảng Nam, người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các tuyến đường đều vắng vẻ, một số người có công việc cần thiết ra đường đều mang khẩu trang phòng, chống dịch. Tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập 8 chốt kiểm soát.

Từ 0h ngày 1/4, chúng tôi đến chốt kiểm soát y tế khu vực vòng xuyến Tam Hiệp, trên tuyến quốc lộ 1A là cửa ngõ phía Nam tỉnh Quảng Nam, đã gặp tổ công tác Công an tỉnh Quảng Nam làm nhiệm vụ tại đây. Để kiểm soát y tế, các cán bộ, chiến sĩ CSGT tiến hành dừng phương tiện, hướng dẫn tài xế và hành khách xuống xe đến khu vực cán bộ y tế đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế.

* Tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường vắng người đi lại. Theo ghi nhận, các tuyến đường trung tâm TP Quảng Ngãi rất vắng người và phương tiện tham gia lưu thông; các khu vực chợ không còn cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp; nhà ga Cảng Sa Kỳ đã tạm đóng cửa…

Tại trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, theo ghi nhận của PV Báo CAND vào sáng 1/4 cho thấy, hầu hết chủ các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, các cửa hàng ăn, quán nhậu, cắt tóc, gội đầu, spa… đều đã dừng hoạt động, chấp hành nghiêm yêu cầu của UBND tỉnh, tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, những ngày qua, các lực lượng chức năng của phường, xã, thành phố đã triển khai vận động, tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết tạm dừng hoạt động nên đến sáng 1/4, phần lớn các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã dừng hoạt động. Trên một số tuyến đường tập trung nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống của TP Buôn Ma Thuột, như: Y Jút, Nguyễn Khuyến, Lê Thánh Tông… toàn bộ các cửa hàng dịch vụ, ăn uống đều đã đóng cửa từ tối 31/3.

Ông Trần Văn Quang, chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống tại đường Y Jút cho biết, từ chiều 31/3, sau khi được cán bộ, chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, ông đã đóng cửa hàng và tổng vệ sinh toàn bộ quán ăn. “Tôi nghĩ đóng cửa là chủ trương đúng đắn để phòng, chống dịch nên tôi ủng hộ và sẽ chấp hành cho đến khi chính quyền cho phép mở cửa lại”, ông Quang nói.

* Tại Lâm Đồng, theo ghi nhận của PV Báo CAND ở hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc, ngày 1/4, đường sá khá vắng vẻ, hầu hết những người ra đường đều thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và không tụ tập đông người.

Tại TP Bảo Lộc, cùng với công tác tuyên truyền bằng xe lưu động, hệ thống loa truyền thanh, lực lượng Công an và UBND các phường, xã, đã tiến hành nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, mua bán để đảm bảo an toàn.

Tại TP Đà Lạt, sáng 1/4 không còn tình trạng nhiều người tập trung ở nơi công cộng, nhất là quanh bờ hồ Xuân Hương như những ngày trước đây. Các cửa hàng tạp hóa, thực phẩm, người tới mua hàng thưa thớt hơn chiều ngày hôm trước. Hàng hóa tại các chợ vẫn rất dồi dào nhưng sức tiêu thụ lại chậm hơn hẳn.

* Theo ghi nhận của PV Báo CAND, từ sáng sớm ngày 1/4, tất cả các con đường hướng ra phía biển Nha Trang (Khánh Hòa) – nơi trước đó hội tụ rất đông du khách và người địa phương tụ tập vui chơi giải trí, thể thao, đón gió và tắm biển, đều có lực lượng Thanh niên xung kích, Công an gác chắn.

Hệ thống rào chắn tạm thời cùng với những biển báo: “Phòng, chống dịch COVID-19 – Cấm tập trung đông người” đã được thiết lập dọc tuyến biển Nha Trang, bãi cát ven biển trống vắng không một bóng người, các hoạt động dịch vụ cho thuê giường nằm, ghế bố, dù che nắng trong khu vực này đều xếp lại.

Một vài người cao tuổi nhớ biển theo nếp quen đi tập thể dục mỗi buổi sáng mang khẩu trang kín kẽ ra phía ghế đá phía trước hệ thống rào chắn tạm thời để ngồi ngắm biển trong chốc lát, tất cả đều giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa mỗi người theo đúng quy định.

Trên các tuyến phố ven biển TP Tuy Hòa (Phú Yên), TP Quy Nhơn (Bình Định) và TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) từ chiều tối 31/3 cho đến sáng 1/4, nhiều tổ công tác phối hợp giữa Công an, Bảo vệ dân phố, Thanh niên xung kích, Bộ đội Biên phòng, nhân viên văn hóa thông tin cùng với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tạm dừng tắm biển, không tụ tập đông người, thực hiện mệnh lệnh cách ly toàn xã hội và mang khẩu trang khi cần thiết phải ra bên ngoài.

Vì thế trong ngày đầu tiên cách ly toàn xã hội, bãi biển, công viên ở các địa phương nêu trên đều vắng bóng người.

Nhóm PV
.
.
.