Người dân bất an vì voi rừng xuất hiện... giữa làng
- Voi rừng tràn ra khu dân cư phá hoại hoa màu
- Voi rừng liên tục xuất hiện, người dân lo lắng
- Kinh hãi 20 con voi rừng rầm rập kéo về tàn phá hoa màu của dân
Thoát chết trong gang tấc
Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Nguyễn Thị Hồng (Sn 1985, trú xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) nhớ lại, vào khoảng 8h30 ngày 6-7, khi chị cùng hai con nhỏ đang lên rẫy để thu hoạch số bắp còn sót lại thì nghe những âm thanh ào ào phát ra từ phía góc vườn.
Sau đó là những kêu rú liên hồi rồi của 3 chú voi xồng xộc tiến về phía mẹ con chị Hồng. “Tôi vội hét lên voi rừng xuất hiện, rồi cùng hai đứa con bỏ chạy thục mạng đến nhà một người dân cách đó khoảng 1km”, chị Hồng nhớ lại.
Sau lần chết hụt ấy, phải hơn 3 ngày sau chị Hồng mới dám quay lại đám rẫy của mình để nghe ngóng tình hình. Hơn 5 sào bắp bị voi tàn phá tan hoang.
Những người dân ở đây cho biết, liên tục trong những ngày gần đây, đêm nào voi cũng về làng quấy phá khiến cho nhiều gia đình mất ăn, mất ngủ phải thức trắng đêm để canh voi. Những ngày trước, voi mới chỉ quanh quẩn những ngôi nhà, rẫy mía gần bìa rừng, nhưng gần một tuần nay, voi đột ngột xông thẳng vào giữa làng và tàn phá tất cả những gì trên đường chúng đi qua.
Lán trại của người dân bị voi tàn phá. |
Mới đây nhất, vào khoảng 2h40 rạng sáng 20-7, khi cả gia đình anh Trần Văn Tuấn (nhà nằm cách bìa rừng khoảng 3km) đang say trong giấc ngủ thì có tiếng đập mạnh vào vách ván. Bừng tỉnh, anh Tuấn cứ nghĩ trâu nhà ai đó xổng chuồng chạy lạc vào nhà mình. Cầm chiếc đèn pin ra soi, anh như chết điếng khi trước mặt mình là hai con vật to cao sừng sững đang tìm cách cạy ván nhà bếp.
“Lúc ấy, tôi chỉ biết lao vào nhà gọi vợ cùng 3 đứa con ôm nhau bỏ chạy một mạch sang nhà hàng xóm không dám quay đầu lại. Sáng hôm sau, tôi phải huy động thêm 5 người nữa mới dám quay về nhà. Đến đêm, gọi thêm một số thanh niên trong làng đến canh chừng hơn 12h đêm mới đi ngủ”, anh Tuấn nhớ lại.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, anh Tuấn cho biết thêm, cách đây khoảng 3 năm, 3 con voi rừng này cũng đã từng xuất hiện tại địa bàn xã nhưng tần suất xuất hiện, quậy phá không dày như bây giờ.
“Gần 1 tháng nay, hầu như đêm nào chúng cũng xuất hiện, thời gian hoạt động chủ yếu từ 20h đến 5h sáng hôm sau, khiến người dân, chính quyền và cán bộ kiểm lâm ai nấy đều mệt mỏi. Ngày ngủ, đêm canh voi, cả xã như đang vào cuộc chiến với những “ông tượng” này vậy”, anh Tuấn nói.
Tìm cách đuổi voi về rừng
Voi kéo về rẫy, thậm chí về giữa làng để quậy phá, mọi người tìm đủ cách để xua đuổi chúng. Nhưng lâu dần, voi trở nên lì lợm, xuất hiện thường xuyên nên việc đốt lửa, chiếu đèn, tạo tiếng ồn trở nên vô hiệu. Hàng trăm người dân tại đây chỉ còn biết tìm cách “sống chung” với chúng.
Dẫn chúng tôi ra thăm rẫy mía vừa bị voi phá nát, ông Y Bar (một hộ dân đang canh tác hoa màu tại xã Đắk Wil) ngao ngán nói: “Voi về riết rồi thành quen, dùng cái gì đuổi chúng cũng không sợ.
Giờ chúng tôi không muốn báo chính quyền nữa, vì báo mãi mà voi vẫn phá. Cả gia đình tôi sống ở đây nhờ làm rẫy. Bây giờ bỏ đất mía thì biết trồng gì đây, phải chấp nhận mất mát thôi. Hơn 3ha bắp, 1,5ha mía phải bỏ đi vì voi phá tanh bành không còn gì”.
Mảnh đất canh tác của gia đình ông Y Bar nằm ngay cạnh bìa rừng, lại trồng nhiều mía nên hầu như đêm nào voi cũng xuất hiện. “Nhiều đêm, sau khi quần thảo một vòng chán chê trong thôn, đàn voi lại kéo nhau về cái ao sau nhà tôi tắm. Riết rồi cũng thành quen, nhưng cũng rất lo vì voi có thể xuất hiện, tấn công vào nhà bất cứ lúc nào, nhất là khi mình đang ngủ thì rất nguy hiểm”, ông Y Bar nói.
Không chỉ gia đình ông Y Bar mà hàng chục hộ dân có đất canh tác nơi đây cũng đang phải nơm nớp lo sợ bị voi đến tàn phá bất cứ lúc nào. Không chỉ lo bị voi phá hoại tài sản, mà đêm nào các hộ dân ở đây cũng phải đốt lửa xung quanh nhà để đề phòng voi vào phá nhà.
“Rẫy mía nằm sát ngay nhà, chúng đã đến phá rẫy thì việc đi vào nhà là có thể xảy ra. Đêm nào vợ chồng tôi cũng phải đốt lửa, canh thức đến gần 12h khuya mới giám đi ngủ. Mà cũng có ngủ được đâu, hễ nghe tiếng “động lạ” vợ chồng lại kéo nhau ra xem, nếu voi về còn biết đường mà chạy chứ”, chị Lý Thị Vàng phân trần.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Lam Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho hay, sau khi nhận được nguồn tin của người dân, đơn vị đã cử lực lượng kiểm lâm xuống xác minh và thông báo cho các công ty, doanh nghiệp, chính quyền các xã để đề phòng, có các biện pháp phòng tránh đàn voi rừng.
“Qua xác minh, đàn voi trên gồm 2 cá thể voi trưởng thành của Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), do khan hiếm thức ăn nên chúng đi tới các địa bàn lân cận”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, trước vụ việc trên, lực lượng kiểm lâm đã yêu cầu người dân không được săn, bắt voi dưới mọi hình thức và hướng dẫn bà con cách xua đuổi voi. “Để tránh xung đột giữa người và voi, bà con nên hạn chế đi lại, ngủtại lán trại vào ban đêm. Nếu voi xuất hiện vào ban ngày, bà con cần tạo tiếng ồn để xua đuổi hoặc dùng săm lốp, ớt, tiêu để đốt, tạo mùi khó chịu xua đuổi voi”, ông Sơn cảnh báo.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, 4 cá thể voi xuất hiện tại địa bàn xã Đắk Wil có thể là những con voi bị lạc đàn trong số những đàn voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn.
“Hiện Trung tâm đang phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm huyện Cư Jút bàn bạc tìm biện pháp để di chuyển đưa các cá thể voi này về lại Vườn quốc gia. Trước mắt, Trung tâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm huyện cần phổ biến thông tin để người dân biết và phòng tránh, nhằm tránh sự xung đột giữa voi và người, để hạn chế hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ, không để xảy ra tình trang săn bắn, giết hại voi”, ông Luân nói.