Ngư dân trẻ ra biển vớt rác thải
Năm nay mới 29 tuổi, song anh Cường được nhiều người ở thị trấn Thuận An biết đến, vì anh là một trong số ít ngư dân vừa đi biển vừa… vớt rác. Dưới cái nắng chói chang của những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tình cờ gặp Cường khi anh vừa cho chiếc tàu hơn 1.000 mã lực của mình vào cập cảng Thuận An để bán hải sản cho các thương lái sau chuyến biển dài ngày. Dù 12 ngư dân khác đã rời tàu nhưng Cường vẫn hì hục chuyển từng túi rác nhựa từ tàu lên bờ.
Cường kể, với ước mơ bám biển từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì thi vào các trường cao đẳng, đại học như bạn bè đồng trang lứa thì anh lại lên tàu cùng bố ra biển đánh cá. Sau nhiều năm bám biển, năm 2018, từ nguồn vốn dành dụm được cộng với số vốn vay ngân hàng, Cường mạnh dạn đóng chiếc tàu cá 1.018CV, với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng. Đây là một trong số ít tàu cá có công suất lớn ở vùng biển Thuận An do một ngư dân trẻ như Cường làm chủ.
Ngư dân trẻ Trần Văn Cường với công việc vớt rác thải trên biển. |
Ngoài đánh bắt, tàu còn làm dịch vụ hậu cần để phục vụ cho các tàu cá có công suất nhỏ trên biển. “Từ những ngày đầu tiên đi biển, chứng kiến cảnh ngư dân trực tiếp xả rác thải xuống biển là những chiếc túi nilon, vỏ chai nước, vỏ lon bia đã qua sử dụng; hoặc rác thải nhựa trôi dạt từ bờ ra biển thì mình đã nghĩ ngay đến việc nhặt nhạnh số rác ấy đưa lên tàu để mang vào bờ. Sau này, để phục vụ cho việc nhặt rác, mình tự chế ra một cây vợt dài để có thể đứng trên mạn tàu vớt những chai lọ, vỏ lon trôi dạt trên mặt biển. Số rác này sau đó được cho vào những chiếc túi tận dụng từ lưới đánh cá đã hỏng để đưa vào bờ”, anh Cường kể.
Và những chuyến biển dài ngày, tàu cá của anh Cường đi qua khắp các vùng biển của Tổ quốc, trong đó có cả ngư trường Hoàng Sa để vừa đánh bắt hải sản, vừa nhặt rác mà Cường nói vui rằng, đó là… “một công đôi việc”. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, thị trấn Thuận An xây dựng phong trào “Ngôi nhà xanh trên biển” để kêu gọi các ngư dân đi biển nhặt các loại rác thải có thể dùng tái chế nhằm gây quỹ giúp đỡ cho học sinh nghèo thì Cường và các bạn thuyền càng thêm hăng hái với việc vớt rác trên biển.
Toàn bộ rác thải nhựa mà Cường vớt được sau đó đều được trao cho Đoàn Thanh niên của thị trấn Thuận An bán gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Cường trải lòng, Việt Nam có hàng vạn ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, và chỉ cần mỗi ngư dân chung tay nhặt rác, hoặc ít nhất có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác xuống biển thì đại dương sẽ ngày càng sạch hơn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi hải sản.
Nhiệt tình, mẫn cán nên Cường được bầu làm Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Tân Bình, kiêm luôn Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An, với sự tham gia của gần 30 ngư dân trẻ. Không những lan tỏa hành động nhặt rác trên biển để bảo vệ đại dương, CLB ngư dân trẻ do Cường làm “thủ lĩnh” còn tích cực vận động các ngư dân ở địa bàn thị trấn Thuận An và các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, thuộc huyện Phú Vang cùng chung tay giữ gìn bảo vệ môi trường biển, lắp đặt thùng rác cố định trên tàu cá để hạn chế vứt rác xuống biển.
Ông Hoàng Phước, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An cho biết, với những việc làm thiết thực, ý nghĩa để bảo vệ môi trường biển, cuối năm 2019, Trần Văn Cường là 1 trong số 34 gương nhà nông trẻ tiêu biểu trên toàn quốc được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của khi có sáng kiến, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng.
Tiếp đó, vào tháng 3-2020, anh Cường cùng với 2 cán bộ đoàn tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên-Huế vinh dự nhận giải thưởng cao quý Lý Tự Trọng do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng.