Nghiện game như nghiện ma tuý

Thứ Ba, 16/06/2020, 22:26
Nhằm góp phần cảnh báo, ngăn chặn những tác hại của game online, ngày 16/6, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đã tổ chức tọa đàm: “Nghiện game online - hậu quả khó lường”.  



“Cày” game thực chất để “nuôi giá trị ảo, đánh mất chính mình

Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả là các nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực liên quan. Tọa đàm cũng nhằm tìm ra giải pháp, chơi game để giải trí chứ không phải để trở thành con nghiện, gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Đồng thời đặt vấn đề, làm thế nào để phát huy mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực, nâng cao khả năng tự vệ của giới trẻ khi tham gia, sử dụng game online; quản lý game online, những quy định, chế tài của pháp luật liên quan đến kinh doanh, sử dụng game online; việc chữa trị, những giải pháp nhằm định hướng, hỗ trợ cho giới trẻ tự điều chỉnh mình trong việc sử dụng game online. 

ThS Bùi Quang Trung, Trưởng phòng truyền thông và Marketing Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Trong xu thế bùng nổ mạng Internet toàn cầu ngày hôm nay, game online được phát triển với tốc độ rất nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Trong đó, nhiều bạn trẻ khi say mê vào game thì sẽ quên ăn quên ngủ, thậm chí ngồi nhiều giờ trong một tư thế ở các phòng chơi game. Với những cách chơi game như vậy sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả để lại cho chính những người nghiện game. Vì các bạn trẻ chơi game đang ở độ tuổi đẹp nhất để phát triển bản thân, tâm lý bị thay đổi bởi các hành vi trong game dẫn đến các hành vi bạo lực, hành vi cướp giật… gây ra những hậu quả tổn thất cho chính gia đình và xã hội rất lớn mà thủ phạm chính là các bạn game thủ.”.

Còn theo trình bày của ThS Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Vì sao tổ chức y tế thế giới (WHO) phải đưa bộ môn game online vào để nghiên cứu? Lý do là các chuyên gia đã thấy tác hại của game online là rất lớn. Dẫn chứng rất cụ thể là ở Việt Nam, thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ án liên quan đến game online. Chỉ cần click vào mạng đọc về nội dung game là có thể thấy xuất hiện nhiều tin tức như: nam sinh bị đâm chết tại phòng game, mâu thuẫn chơi game, nhóm thiếu niên chém nhau cũng vì game…

Th.S An đưa ra cụ thể về một vụ án gây chấn động vừa qua, đó là một cậu học sinh THPT đã bị ám ảnh bởi thế giới ảo của game rồi thực hiện vụ bắt cóc bé trai 5 tuổi. Do bị trói tay 2 ngày cậu bé bị tử vong. Và cho rằng, game online ảnh hưởng, tác hại mang tính trực tiếp và cả gián tiếp đến con người, và liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tác hại đầu tiên của game là ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chơi game thức khuya nên không thể dậy đi học hoặc đi học trong tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi không tiếp thu được kiến thức. Lâu dần dẫn đến chán nản, bỏ học.Thứ hai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người chơi game. Khi tập trung liên tục vào game với những hình ảnh gây hưng phấn, sẽ khiến cơ thể bồn chồn mệt mỏi, mắt dần kém đi dẫn đến bệnh về mắt. Thứ ba, ảnh hưởng đến tinh thần. Khi người chơi game nhập tâm vào thế giới ảo, bên trong game sẽ từ từ tách rời xã hội bên ngoài. Luôn cảm thấy thế giới bên ngoài chẳng có gì thú vị. Sau đó, người chơi game sẽ rơi vào cô đơn, muốn xa lánh với những người xung quanh. Dần dần sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần... 

“Game online làm thay đổi hoạt động não bộ khi những hình ảnh tiêu cực của game liên tục nằm trong đầu người chơi. Ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội; ảnh hưởng việc cập nhật thông tin mới, không theo kịp công nghệ khoa học, kỹ thuật. Bởi vì người chơi games dành hết thời gian rảnh để chơi game online. Do đó, chúng ta đừng nuôi giá trị ảo mà đánh mất giá trị thật của chính con người mình.” – ThS An đúc kết. 

Người nghiện game chẳng khác nghiện ma túy hay uống phải ly nước có độc

Bạn B.N, là nữ học sinh Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) kể lại câu chuyện “lún sâu” trong game đến mức thành “con nghiện game” của mình: Ngày trước do nghe trên mạng xã hội nói có nhiều “game thủ” chơi và trở thành cao thủ, kiếm được tiền từ game online nên tôi và một số bạn nói với gia đình sẽ chơi game để kiếm tiền. Tôi bắt đầu chơi game rồi nghiện, chơi 8 tiếng/ngày; dần dần chơi quên ăn quên ngủ. Sau đó tôi bỏ nhà đi, bố mẹ tìm được tôi đưa về và nhốt trong nhà. Nhưng, tôi lại tìm cách trốn ra ngoài, trong người chỉ có 50.000 đồng, chơi được một buổi thì hết tiền. Lúc này, trong đầu tôi chỉ một nung nấu là làm gì để có tiền chơi game tiếp, chả lẽ đi cướp giật? Sau đó tôi quyết định đi tìm việc làm. Tuy nhiên, đi làm kiếm tiền rất vất vả, một ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng để ăn uống và chơi game. Sau đó tôi cũng vẫn được gia đình cha mẹ thương tìm, lôi về và đưa vào trường cai nghiện game. ”. N kể.

Câu chuyện của N đã thu hút sự lắng nghe của hầu hết những người tham dự trong đó có nhiều bạn trẻ thuộc trường THPT Thành Nhân. Họ dường như lặng đi khi nghe N chia sẻ từ tận đáy lòng với sự ăn năn, ân hận: “Chỉ vì mê game mà mình bỏ gia đình, bỏ đi ước mơ, bỏ cả tương lai của mình. Nếu mình không sớm nhận ra và không được sự quan tâm của các thầy cô thì bây giờ có thể mình đang sống lang thang ở một nơi nào đó, hoặc chết ở đâu đó rồi!”.

Các Chuyên gia, nhà chuyên môn tham dự tại buổi toạ đàm

“Game thủ” B.N kể lại câu chuyện nghiện game của mình và đã từng bỏ nhà ra đi vì nghiện game.

Được biết, sau hơn nửa năm trong trường, N bắt đầu quen với môi trường sống trong trường và dần dần quên được game online. Trong quá trình học tại trường, N được các thầy cô trong khuyên bảo, gia đình động viên để có động lực có thể “cai” game. 
100% các bạn trẻ tham dự đều thừa nhận có và thích chơi game online.

Trực tiếp làm công tác giúp đỡ, cai nghiện cho các “game thủ”, ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game kể: “Tôi cùng ăn, cùng ngủ với người nghiện game, tôi thấy rằng khi một ai đó chơi game online thì rất khó để nghỉ chơi. Khi đứa con nghiện games thì ông bà, cha mẹ dù có nói gì cũng như “nước đổ lá môn”. Thầy cô giáo có dùng các hình phạt nào thật nặng để xử lý học sinh nghiện game thì chỉ càng làm học sinh chán nản, nghỉ học. Một người nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Game online là bóng đêm phủ đầy tương lai của con người, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, game online như một ly nước có độc, nếu chúng ta uống ly nước độc chẳng khác nào ta tự sát và người chơi game được ví như người uống nước có độc”. Ông Lê Anh nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 phân tích: chơi game thì thấy vui, nhưng sau khi hết vui thì không biết làm gì nên quay lại chơi game. Trong khi ấy, các nhà sản xuất game lại rất biết cách để thu hút người chơi trở lại chơi game. Nhưng, khoa học và thống kê từ y khoa cho thấy, người nghiện game dẫn đến nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Thứ hai là cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh.Trong khi đó,  về việc điều trị, BS Ca cho biết: “Nghiện game online có những bệnh rất khó trị. Nếu phát hiện sớm thì điều trị sẽ dễ hơn và đặc biệt là phải tạo ra môi trường điều trị thuận lợi cho người nghiện. Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn chưa có nhiều cơ sở điều trị phù hợp với cai nghiện game và chưa có sự liên kết giữa các cơ sở. Cho tới nay, việc điều trị còn mang tính cá thể, tuỳ từng trường hợp”.

Huyền Nga
.
.
.