Nghị lực tuyệt vời của thầy giáo “tí hon”

Thứ Hai, 26/03/2018, 10:24
Sinh ra với một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng với ý chí quật cường và nghị lực vươn lên hiếm có, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng đã vượt qua mọi khó khăn về thể chất lẫn tinh thần để khẳng định bản thân, và có đóng góp cho xã hội.

Căn phòng nhỏ tầng 6, toà nhà Nơ 7A, bán đảo Linh Đàm là nơi làm việc của Trung tâm nghị lực sống - được thành lập bởi cố “hiệp sĩ” tin học Nguyễn Công Hùng. Hiện tại, Giám đốc trung tâm là chị Nguyễn Thảo Vân, em gái của cố “hiệp sĩ” Công Hùng.

Cũng giống anh trai của mình, chị Vân từ lúc sinh ra đã phải chịu thiệt thòi về thể chất. Do những khuyết tật mà chị mang trên người, nên việc sinh hoạt của chị có phần khó khăn hơn những thành viên khác, mọi việc đều phải thuê một chị giúp việc hằng ngày đến chăm lo cơm nước, giúp đỡ chị Vân.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng.

Để gây dựng được trung tâm quy mô, uy tín như hiện nay không thể không kể đến những người bạn, người đồng nghiệp đã gắn bó, sát cánh cùng chị Vân và trung tâm. Trong đó, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - 30 tuổi, người thầy tí hon nhưng luôn rừng rực ngọn lửa của những giấc mơ không hề nhỏ chút nào. Người thầy tí hon bởi vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao hoảng 1 mét 20, và cân nặng 19kg.

Ban đầu, khi gọi điện đề nghị làm việc, tôi đã nhầm người bên kia đầu dây là một bạn gái nào đó. Sau này, Hùng cũng nói rất nhiều người đã nhầm như vậy, đối với Hùng đó là chuyện bình thường.

Thầy Hùng sinh ra trong một gia đình làm nông ở Nam Đàn, Nghệ An. Gia đình thầy cũng bình thường như bao gia đình khác, mọi người đều phát triển bình thường.

Nhưng khi thầy Hùng 7 tuổi, mọi người mới phát hiện ra là thầy không có dấu hiệu phát triển, từ hình dáng, giọng nói cứ như của một đứa trẻ học lớp 1. Lúc đó, gia đình Hùng cũng không để ý mấy tới vấn đề này, vì chuyện trẻ con phát triển sớm, muộn không phải điều lạ. Nhưng mọi người bắt đầu để ý hơn khi Hùng học đến lớp 5 mà cơ thể vẫn nhỏ bé như khi học lớp 1.

Nhận thấy sự phát triển bất bình thường của con trai, bố mẹ Hùng đã đưa Hùng đi khám ở Hà Nội, các bác sĩ lúc đó đã kết luận Hùng bị thiếu hoocmon tăng trưởng, nhưng đáng tiếc thay là ở Việt Nam khi đó, chúng ta không có loại thuốc đặc trị mà phải ra nước ngoài tiêm với giá thành cực kỳ đắt. Đành ngậm ngùi dẫn con về nhà vì gia đình lúc đó không có điều kiện kinh tế để đưa Hùng đi chữa trị, bố mẹ cũng chỉ biết quan tâm, chăm sóc cho Hùng với hy vọng con mình sẽ phát triển như những bạn bè đồng lứa.

Đến khi Hùng học cấp 2 vẫn không có dấu hiệu tích cực nào cả, lúc này mọi người trong gia đình cũng như Hùng đành chấp nhận kết quả của các bác sĩ. Riêng với Hùng, những năm đi học cấp 2 rồi cấp 3 là những năm tháng gian truân nhất, khó khăn nhất vì Hùng phải sống trong sự kì thị của bạn bè cùng trường. Nhưng có lẽ, cuộc đời không bất công với ai, cũng không ưu ái ai tất cả, bù lại thân thể nhỏ bé kia là một ý chí vươn lên phi thường, ít ai sánh kịp.

Chia sẻ về thời gian đi học trung học, Hùng không còn buồn nữa, nhưng có một câu chuyện làm Hùng nhớ mãi đến bây giờ, đó là lúc đủ tuổi làm chứng minh nhân dân. Làm xong hết mọi thủ tục, đến ngày hẹn lấy thì không ai chịu đưa Hùng vì mọi người bảo “trẻ con, về nhà đi học chứ ra đây làm gì? Hùng ức lắm, chạy thẳng về nhà khóc với bố mẹ, khi đó bố mẹ mới dẫn ra, nói chuyện với các cô chú mới lấy được CMND.

Rồi kể cả sau này, khi Hùng đã trưởng thành, cũng có lần bị cảnh sát giao thông bắt vì “trẻ con” ai cho đi xe máy. Còn hiện tại, do chỗ ở và chỗ làm cũng gần nhau nên Hùng di chuyển bằng chiếc xe đạp điện, nhẹ nhàng mà lại vừa tầm với Hùng hơn.

Học hết cấp 3, Hùng vào Đồng Nai chơi với cô và thời gian trong đó, tình yêu với công nghệ và tin học đã đến với Hùng. Và Hùng quyết định ở lại học tin ở một trường dạy nghề. Với tính tình hiền lành, chăm chỉ nên vừa đi học, Hùng được giới thiệu đi dạy thêm cho một gia đình ngay cạnh nhà cô, rồi tiếng lành đồn xa, nhà này giới thiệu cho nhà kia. Chẳng mấy chốc mà Hùng đã là một gia sư có tiếng khi đó, vừa dạy toán cấp 2, cấp 3, vừa dạy tin học.

Lúc đó, Trung tâm Nghị lực sống của “hiệp sĩ” Công Hùng đã có tên tuổi ở khắp cả nước. Trong một lần rất tình cờ, Hùng có quen một người bạn làm việc tại trung tâm và được người bạn này giới thiệu với anh Công Hùng.

Ngay lập tức, Hùng nhận được đề nghị ra ngoài Hà Nội làm việc, một cơ hội hoàn toàn bất ngờ, hiếm có với Hùng. Lúc đó, trung tâm chỉ có chức năng đào tạo tin học cho các học viên khuyết tật. Phải mãi sau này, khi nhu cầu làm ảnh, làm đồ hoạ ngày càng nhiều thì trung tâm có mở thêm lớp dạy học photoshop.

Trung tâm Nghị lực sống là một nơi gặp gỡ, giao lưu, hỗ trợ những người khuyết tật trên cả nước. Cho đến nay, mạng lưới cộng tác viên của trung tâm đã trải khắp các tỉnh, thành. Nhiệm vụ của đội ngũ cộng tác viên này là tìm, chọn lọc những người khuyết tật có mong muốn và đủ điều kiện để học, và tìm được một việc làm sau này.

Do đặc thù chuyên môn là tin học và photoshop nên những người khuyết tật được tuyển sinh vào đây cũng phải đáp ứng đủ các yêu cầu mà trung tâm đưa ra như: mắt phải bình thường, tay phải nhanh không có khuyết tật ở tay, nếu tay run hay bị dị tật là không thể thao tác trên bàn phím và chuột được.

Thời gian đầu, do đồng lương còn ít ỏi, mọi giáo viên như Hùng chỉ làm việc hỗ trợ khi có học viên, thời gian còn lại mọi người sẽ làm việc khác. Hùng đã từng có lúc đi bán vé máy bay... Nhưng sau nhiều năm gây dựng, trung tâm đã đi vào hoạt động ổn định, Hùng đã dẹp sang một bên các công việc khác, tập trung làm việc cùng mọi người ở trung tâm.

Nhìn vóc dáng nhỏ bé của Hùng, có lẽ chẳng ai nghĩ là một mình Hùng có thể vừa dạy học, vừa sửa chữa máy tính... Nhưng nhìn Hùng làm việc ở trung tâm mới thấy ý chí phi thường trong con người anh. Hùng làm việc không biết mệt mỏi, sáng, chiều dạy học, đêm về ngồi soạn giáo án cho lớp học tiếp theo.

Chia sẻ về công việc hiện tại, Hùng cho biết, bây giờ Hùng tạm hài lòng vì có thể dùng hiểu biết, sức khoẻ của mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình, thậm chí hơn mình để họ vượt qua sự tự ti về bản thân, vươn lên trong cuộc sống và khẳng định bản thân trong xã hội.

Từ ngày Hùng về làm việc, đã có hàng trăm người được Hùng và các giáo viên khác đào tạo, họ đã tìm được việc làm ổn định, lập gia đình và sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên, Hùng vẫn còn cảm thấy những việc mình làm là chưa đủ, vẫn cảm thấy bản thân Hùng phải cố gắng hơn nữa, có vậy mới giúp đỡ được tất cả mọi người.

Hùng muốn sau này, khi đã tích cóp được một số vốn, Hùng sẽ mở một trung tâm như bây giờ ở ngay quê nhà của mình. Như vậy, mọi người sẽ không phải đi xa nữa. Nhìn chị Vân, thầy Hùng và các thành viên của trung tâm sinh hoạt và làm việc, tôi thật sự bất ngờ, không thể tin nổi là họ, những con người sinh ra đã thiệt thòi lại mang trong mình ý chí như vậy, và dường như trong họ không bao giờ tắt ngọn lửa của những ước mơ.

Phong Sơn

.
.
.