Nghị lực của cô giáo khiếm thị

Thứ Ba, 24/01/2017, 08:57
Khi đôi mắt bị mờ dần, Nguyệt đã có ý định bỏ học, nhưng rồi được sự động viên của ba mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, Nguyệt tiếp tục đến lớp bằng đôi tay rờ rẫm trên từng con chữ brai. Nhận tấm bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Nguyệt trở thành cô giáo đứng lớp dạy cho những học trò cùng cảnh ngộ…

Lớp học đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật, khiếm thị ở trung tâm TP Đông Hà có 6 học trò và một cô giáo, đều chung cảnh ngộ khiếm khuyết đôi mắt. Nhưng lạ là cả cô và trò đều không bao giờ va vấp bàn ghế trong phòng, tiếng cô giáo vang lên, tất cả đều cặm cụi viết bài. Rồi cô giáo lần lượt đến chỗ của từng học trò, cầm tay các em hướng dẫn từng nét chấm con chữ brai.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt nói: “Ban đầu cả cô và trò đều không nhìn thấy nên việc tiếp xúc gặp khá nhiều khó khăn nhưng lâu dần thành quen, cái quan trọng là học sinh đồng cảm với cô giáo và nắm bắt bài học một cách nhanh nhạy”.

Vừa đến nhập lớp từ một xã nghèo thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, em Vi Văn Dũng tỏ ra mạnh dạn: “Mấy bữa trước con nghe các bạn trong xóm đọc sách, con cũng thích lắm nhưng khi các bạn cho mượn sách thì con không nhìn thấy gì. Bữa nay con được cô Nguyệt dạy biết đọc chữ nổi brai bằng cách dò các ngón tay nên con cũng có thể đọc chữ được rồi”.

Còn em Mai Văn Quân, 7 tuổi, vừa nhập học đúng một tháng lại tỏ ra rất tự tin: “Ở trường, con không được thường xuyên gặp ba mẹ nhưng con sẽ không buồn, con sẽ gắng học để biết được nhiều hơn, để mai này trở thành người có ích, không phụ công lao dạy dỗ của cô Nguyệt”.

Cô giáo Nguyệt ân cần dạy chữ cho các em học sinh cùng cảnh ngộ.

Nguyệt sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo huyện Cam Lộ. Tuổi thơ của cô vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa, khi bạn bè chạy nhảy nô đùa thì cô lần từng bước đi theo ánh sáng chói lóa trước mắt mà không phân biệt được vật gì. Vấp ngã, khóc rồi đứng dậy lần đi, với khát khao được làm một đứa trẻ bình thường như bạn bè cùng trang lứa.

Nguyệt kể: “Đến tuổi đi học, nghe bạn bè kể về những tiết học rôm rả, mình cũng xin bố mẹ đến trường nhưng càng lớn, càng khó nhìn được đi, những con chữ trên trang sách từ mờ chuyển sang màu đen. Tuyệt vọng, mình từng đôi lần bỏ học. Rồi được sự động viên của gia đình, thầy cô, mình  mới lấy lại thăng bằng”. Năm 2013, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Nguyệt về nhận công tác giảng dạy ở trường dành cho trẻ khuyết tật, thuộc tỉnh Quảng Trị.

Nguyệt bảo: “Cuộc sống càng nhiều khó khăn, thử thách thì càng phải nỗ lực vượt qua”. Là giáo viên khiếm thị duy nhất ở trường nhưng Nguyệt nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, cái tâm nghề giáo và cả sự cảm thông, đồng cảm giữa người cùng cảnh ngộ, Nguyệt nhanh chóng hòa đồng cùng học sinh của mình. Thường một con chữ, học trò của Nguyệt phải đánh vật vài ba ngày mới nhớ được. Nhưng Nguyệt không vì thế mà nản.

“Để các em học được chữ thì mình phải kiên trì từng bước một, bởi các em khiếm khuyết rất dễ tổn thương nên mình phải bù lại bằng cả nỗ lực, kiến thức và một trái tim nồng ấm thì dạy học mới thành công”, Nguyệt chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, ngoài giờ lên lớp, Nguyệt còn mở trung tâm bấm huyệt dành cho người khiếm thị để kiếm thêm thu nhập, làm chủ cuộc sống. “Số phận không may mắn lấy đi của mình đôi mắt, thì mình phải tìm cách để cân bằng mà sống, sống một cách vui vẻ vì ai cũng chỉ sống có một lần”, Nguyệt bộc bạch.

Cuộc đời đôi khi lấy đi của con người nhiều thứ, nhưng không bao giờ đẩy con người ta vào ngõ cụt. Cách đây vài tháng, Nguyệt tình cờ làm quen và nên duyên chồng vợ với một người con trai tận xã đảo An Vĩnh (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Nguyệt kể: “Nghe bạn bè và em gái nói đến Facebook, em cũng mày mò lập Face dưới sự hỗ trợ của phần mềm dành cho người khiếm thị. Vài ngày sau đó anh Trường vào kết bạn. Hai tụi em làm quen rồi thi thoảng gọi điện nói chuyện. Em chỉ nghĩ tìm một người bạn để trò chuyện cho vui chứ lúc đó chẳng nghĩ đến chuyện yêu đương vì số phận mình thiệt thòi. Chừng hơn tuần, anh lại gọi. Anh bảo, em đọc lại cụ thể địa chỉ nhà em đi. Em tưởng anh đùa nên nói là khi nào đến Đông Hà thì em sẽ nhắn. Không ngờ anh nói, đang ở Đông Hà. Lúc đó em run lắm. Nhìn vẻ bối rối của em, ba em hỏi chuyện, em đành nói thật. Sau thoáng chần chừ, ba liền bảo để ba đi đón giùm cho”.

Ngồi cạnh vợ, Trường cười thật hiền: “Ngày em quyết định vượt 18 hải lý từ đảo Lý Sơn vào đất liền rồi từ đó bắt chuyến xe đò dài ngót 500 cây số ra Quảng Trị tìm gặp Nguyệt em đã cảm nhận được tâm hồn và trái tim nồng ấm của Nguyệt”.

Ngày ngày trong căn phòng nhỏ ở TP Đông Hà, vợ chồng cô giáo Nguyệt lại cùng chia sẻ với nhau công việc thường nhật, rồi cùng ngồi vào bàn, Trường chậm rãi đọc để Nguyệt gõ giáo án vào máy tính… Một hạnh phúc đơn sơ nhưng đầy nghị lực vượt qua ngưỡng cửa với khó khăn và thử thách của số phận!...

Phan Thanh Bình
.
.
.