Những gia đình người dân tộc nghèo khó vẫn không để con cái bỏ học

Chủ Nhật, 23/09/2018, 00:13
Thực trạng mỗi gia đình sinh nhiều con đã trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi. Chính vì vậy mà cái nghèo, cái khổ cứ mãi quẩn quanh, không có cách gì thoát ra được. Thế nhưng, đâu đó trong cái nghèo, cái khổ ấy, họ vẫn ấp ủ giấc mơ cho con cái mình đi tìm con chữ, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn...

Theo thống kê của huyện Tây Trà thì xã Trà Thanh cách trung tâm huyện khoảng 30km, là địa phương có tỉ lệ sinh con thứ 3 cao nhất. Ở đây, có rất nhiều hộ gia đình sinh từ 4-10 con, hầu hết đều là những gia đình nằm trong diện hộ nghèo. Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hồ Văn Thước (49 tuổi, trú thôn Môn, xã Trà Thanh). Anh Thước kết hôn từ năm 1992, tính đến nay vợ chồng anh đã sinh 9 người con. Đứa con gái út của anh Thước nay mới chỉ 3 tuổi.

Anh Thước cho biết, con trai đầu đã lập gia đình và vẫn sống chung nhà nên hiện tại gia đình có 13 nhân khẩu. Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, dột nát, ngoài chiếc tủ gỗ đã cũ kĩ ra thì chẳng còn món đồ nào có giá trị. Nhà không có bàn ghế, giường ngủ và anh Thước giải thích, nhà nhỏ quá, nếu đặt giường thì không đủ chỗ, vậy nên cả nhà anh trải chiếu nằm hết giữa nhà. Nhà đông con nên việc kiếm cái ăn hằng ngày cũng trở nên chật vật hơn. Để có thêm thu nhập trang trải trong gia đình, anh Thước phải đi làm công cho người ta, ai thuê gì làm nấy, miễn sao kiếm thêm ít đồng lo cho gia đình…

Tuy cuộc sống khó khăn bộn bề, nhưng vì mong muốn tương lai của các con được tốt đẹp hơn, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ, anh Thước vẫn nhất quyết muốn các con được đi học đầy đủ, để kiếm thêm cái chữ, sau này đỡ vất vả hơn. Ngoài đứa con lớn đã lập gia đình thì 8 đứa con còn lại của anh hiện đang theo học từ mẫu giáo tới cấp 3.

“Nghèo thì nghèo, nhưng mà con cái thì phải học hành tới nơi tới chốn. Ăn thì có gì ăn nấy, ăn rau ăn cháo cũng qua ngày cũng chịu, tôi chỉ mong con cái đứa nào cũng lo học, để thoát khỏi cái nghèo, tương lai không phải khổ như bố mẹ”, anh Thước ngậm ngùi.

Ông Hồ Văn Truyền cùng vợ và các con luôn hy vọng việc học sẽ “đổi đời” cuộc sống gia đình mình.

Cạnh nhà anh Thước, gia đình ông Hồ Văn Truyền (52 tuổi) cũng có 8 người con. Ngôi nhà mà gia đình ông đang ở nằm đơn độc trên đỉnh đồi, bao quanh là màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Thu nhập chính của gia đình ông Truyền hoàn toàn phụ thuộc vào vài hecta đất rẫy, trồng lúa, trồng keo, quế. Cuộc sống khốn khó với 10 miệng ăn mà không hề có bất kì thu nhập nào ngoài việc làm rẫy.

Thế nhưng, trong suy nghĩ của người đàn ông khắc khổ này vẫn luôn tâm niệm sẽ động viên con cái học lên, ông không cho phép con bỏ học giữa chừng, dù có nghèo đói tới đâu, cũng phải gắng học để kiếm con chữ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Truyền thẳng thắn: “Chú cũng nói chuyện với mấy đứa con, bố có tuổi rồi, khổ sao cũng được, nhưng các con phải khác, phải cố để thoát khỏi cái nghèo, muốn vậy thì chỉ có con đường là học thật tốt, tương lai sẽ không còn quanh quẩn với cái nghèo ở bản, ở rừng nữa”.

Có lẽ vì giấc mơ ấy quá lớn nên dù có lúc không đủ ăn, ông Truyền vẫn bấm bụng để các con yên tâm đến lớp. Hiện tại, 2 người con gái lớn của ông đang theo học sư phạm tiểu học tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, một người con trai đang học trung cấp nghề, còn lại đứa nhỏ nhất học lớp 3, đứa lớn học 12 và đang nuôi ước mơ trở thành bác sĩ.

Anh Hồ Văn Sơn, Trưởng thôn Môn, cho hay, gia đình ông Truyền là một trong số rất ít những gia đình đông con, thuộc diện hết sức khó khăn nhưng vẫn quyết tâm nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Trước đây, bà con dân tộc thiểu số dường như chưa ý thức được việc học hành của con cái, họ sinh nhiều con cũng xuất phát từ suy nghĩ càng đông con thì càng có thêm người đỡ đần việc nương rẫy. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn những gia đình như ông Truyền, luôn ý thức được việc cho con cái học hành tới nơi tới chốn để có được tương lai tốt đẹp hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Bạn, Phó Chủ tịch xã Trà Thanh cho biết, ngoài thôn Môn, trên địa bàn xã còn có thôn Cát cũng có nhiều hộ gia đình đông con. Hầu hết những hộ đông con đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. “Mặc dù chính quyền đã nhiều lần xuống tận thôn để tuyên truyền về công tác sinh đẻ có kế hoạch, nhưng rất khó để có thể khắc phục được. Đa số họ đều đưa ra lý do bị “vỡ kế hoạch”.

Việc sinh con đông gây ra nhiều hệ lụy, đói nghèo, ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số hộ gia đình ý thức được việc học hành của con cái, nên cũng rất tích cực khuyến khích con cái đi học để có thêm kiến thức và thoát khỏi đói nghèo”, ông Bạn bày tỏ.

Linh Nguyễn
.
.
.