Nghệ nhân làm giàu từ gốc tre
- Nghệ nhân Phan Thanh Liêm và sáng tạo sân khấu múa rối nước thu nhỏ đậm hồn quê
- Nghệ nhân Lê Bá Chung, một đời khôi phục, giữ lửa làng nghề
- Nghệ nhân bonsai mời khách tham quan vườn kiểng chục tỷ
- Nghệ nhân đất Kinh Bắc vực dậy tranh dân gian Đông Hồ
Trời vừa ngớt cơn mưa, tôi men theo con đường quanh co của làng quê Đại Thạnh tìm đến nhà ông Chánh. Ngôi nhà nằm ở cuối con đường nhìn thẳng ra dòng Thu Bồn đang cuộn chảy. Tôi ngạc nhiên vì bên trong ngôi nhà này được bày trí toàn bộ bằng đồ tre.
Tôi hỏi: “Thời gian đâu mà ông làm đồ tre nhiều thế này? Ông Chánh cười đáp: “Mình thích thì mình làm miết cũng xong thôi. Xài đồ tre không tốn nhiều tiền, kiểu như mình tự cấp rồi tự thỏa mãn với niềm đam mê yêu tre làng”. Nói rồi ông Chánh lại tỉ mẩn chà những gốc tre đang làm dở để chuẩn bị hoàn thiện cho một sản phẩm mới. Vừa làm ông vừa kể chuyện đời mình.
Ông Chánh kể rằng, sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, từ thuở bé, ông đã theo chị vào rừng kiếm củi mang ra chợ bán lấy tiền nuôi 5 người em sống qua ngày. Thế nhưng, nghề kiếm củi mãi cũng không đủ tiền nuôi sống cả gia đình, thế là năm 14 tuổi, ông lại đi học nghề đan thúng, đan thuyền, đan nôi…
Dù chỉ còn một tay nhưng ông Phan Văn Chánh vẫn vượt khó, làm ăn giỏi. |
Cũng từ cái nghề này mà ông gặp và cưới bà Phạm Thị Tám, là con gái ông chủ nơi ông ở làm nghề đan. “Cái duyên nó sinh ra từ cái nghề. Nhưng rồi những ngày tháng yên bình với gia đình cũng chẳng được bao lâu khi tai họa bất ngờ ập đến”, giọng ông Chánh chùng xuống.
Ngừng một lúc rồi ông nói rằng, năm 22 tuổi, trong một lần đi làm mía đường để kiếm thêm thu nhập nuôi vợ con, không may ôngbị máy ép mía cắt đứt cánh tay phải. Từ đó, ông lâm cảnh tàn tật, mọi chuyện trong gia đình đều đổ trên đôi vai tảo tần của người vợ. “Ngày đó, mọi thứ đều rơi vào bế tắc, tinh thần tui bị suy sụp nhiều lắm. Cứ nghĩ mọi thứ thế là hết rồi””, ông Chánh tâm sự.
Nhưng, không nản lòng trước số phận, không để vợ con mình phải thêm khổ, ông đã tự mình đứng dậy. Khi vết thương chưa kịp lành, ông bắt đầu mày mò luyện tập lại nghề đan trên chính bàn tay của cánh tay còn lại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Từ đôi tay săn chắc, nay chỉ còn một tay, mọi hoạt động của ông đều trở nên khó khăn. Ông phải tập cách cầm rựa chặt cây bằng tay trái, cầm các nan tre cũng bằng tay trái…
Nhiều lần nan tre cứa chảy máu cả những đầu ngón tay, ứ máu trên cả vết thương cũ, nhưng ông vẫn không từ bỏ. Ông luyện tập ngày đêm vót tre, tập đan, bỏ cả những giấc ngủ, thế nhưng ông vẫn quyết tâm làm cho bằng được.
“Lúc đó, tui thấy lo lắm, ổng cứ ngày đêm mày mò ngồi tập vót tre, rồi đan. Thương ổng, tui khuyên ổng thôi nghỉ chứ làm chi cho khổ, nhưng ổng thương vợ con nên đâu chịu từ bỏ”, bà Tám ngồi bên chồng góp chuyện. Sau nhiều thời gian, cuối cùng mọi nỗ lực của ông Chánh cũng đã được đền đáp. Những sản phẩm ông làm ra đẹp mắt, mang độ bền bỉ được nhiều người trong làng ưa chuộng.
“Tui đã mê tre từ lúc nhỏ nên giờ sống được nhiều năm với cái nghề đan mà ông bà truyền lại cũng đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Dù trước đây đã quen với việc đan tre bằng tay phải mà giờ bắt đầu lại với tay trái quả thật rất khó. Nhưng càng nghĩ đến vợ con, nghĩ đến cái nghề nên tui tập dần cánh tay trái săn chắc hơn. Cũng nhờ nghề đan mà vợ, con tui được no ấm hơn. Những sản phẩm của tui được khách hàng rất ưa chuộng tôi rất vui mừng”, ông Chánh chia sẻ.
Từ việc mày mò làm một số sản phẩm đồ dùng trong sinh hoạt gia đình với mẫu mã đơn giản, khi tay nghề đã quen, ông Chánh sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo hơn. Năm 1986, ông tự mình làm ngôi nhà bằng tre và bán với giá 2 chỉ vàng.
Rồi ông tiếp tục làm ra những sản phẩm từ tre, như nôi, bàn ghế, giường, ông địa… Mỗi sản phẩm của ông làm ra, từ lúc tìm nguyên liệu chính là tre cho đến khi hoàn thành mất gần 5 tháng. Sản phẩm được chế tác từ gốc tre một cách tinh xảo, nên giá bán cũng khá cao, song được nhiều người trong nước ưa chuộng.
Ví dụ như, một bộ bàn ghế tre, ông bán với giá từ 20 triệu (bộ 5 món) đến 32 triệu (bộ 9 món). Và, câu chuyện về nghệ nhân nghị lực vươn lên làm giàu từ những sản phẩm độc đáo bằng gốc tre, trở thành đề tài lưu truyền không chỉ trong phạm vi làng, xóm nơi ông Chánh trú ngụ mà còn lan tỏa khắp nơi, góp thêm một bài học về ý chí, sự tự tin vượt khó của con người trong cuộc sống…