Ngày càng nhiều người vào bệnh viện tâm thần do nghiện rượu

Thứ Tư, 15/03/2017, 08:16
Cái chết của cháu bé 4 tuổi ở xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, do một gã nghiện rượu nặng dẫn tới tâm thần hoang tưởng gây nên là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tâm thần do nghiện rượu đang ngày càng gia tăng.

Trong khi dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của 9 nạn nhân, hơn 100 người bị thương ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và nhiều ca bệnh nặng phải cấp cứu do uống rượu có chứa methanol thì Bệnh viện Tâm thần Hà Nội lại liên tiếp nhận bệnh nhân mới do nghiện rượu. 

Từ “sâu rượu” đến bệnh viện tâm thần

Bên trong cánh cửa sắt khép kín của Khoa Điều trị các rối loạn tâm thần do lạm dụng chất, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, từng tốp người mặc quần áo bệnh nhân ngồi tụm năm, tụm ba tám chuyện. Nhưng khi chúng tôi lại gần thì thoáng giật mình bởi biểu hiện của họ vô cùng ngây ngô, lải nhải nói những câu vô nghĩa.

Không ai tin rằng trong số họ có người từng là cán bộ nhà nước, người làm giáo viên nghỉ hưu, người lại kinh doanh buôn bán nhưng đều bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu. Có người tay chân đều run lẩy bẩy, không đứng vững.

Khi nghe bác sĩ ở đây nói, chúng tôi không khỏi giật mình khi những bệnh nhân này không chỉ bị tâm thần, mà còn mắc nhiều bệnh nội khoa khác do… rượu. Nếu không tận mắt chứng kiến thì chúng tôi không thể hình dung, rượu lại biến con người thành mất kiểm soát hành vi, điên cuồng đến như vậy.

Theo tay bác sĩ chỉ, chúng tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn C., nhà ở quận Long Biên, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng bị loạn thần do rượu. Hai cánh tay ông C run bần bật, trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách ngây ngô.

Nghiện rượu bị tâm thần phải vào viện điều trị.

Ông C. năm nay hơn 50 tuổi nhưng ông bắt đầu uống rượu từ khi lên 17 tuổi. Mỗi ngày ông uống 1 lít, chủ yếu là rượu “cuốc lủi” mua trôi nổi trên thị trường. Ông có dấu hiệu loạn thần từ năm 30 tuổi nhưng không biết.

Cách đây hơn chục năm, tay chân ông run lẩy bẩy, thường xuyên mất ngủ, đêm nào cũng đi lại lung tung trong nhà. Dần dần ông mắc bệnh hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy ma quỷ kêu gào đòi giết. 

Mỗi lần phát bệnh, ông đập phá đồ đạc, chửi bới vợ con. Lâu dần, ông bỏ việc vì không đi làm nổi, ở nhà lại càng hoang tưởng nặng. Vợ con ông đã nhiều lần phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm mới “cưỡng chế” đưa ông vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị. Lần này do ông mắc hoang tưởng nặng, suốt ngày đập phá, la hét nói có người muốn giết ông nên vợ con phải gọi xe đến đưa ông đi viện. Sau 1 tuần điều trị cai rượu tại đây, tay ông đã đỡ run.

Ông Đỗ Văn Ba, 61 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Điều trị các rối loạn tâm thần do lạm dụng chất, kể cho chúng tôi nghe với giọng run rẩy, lắp bắp và ngắt quãng: “Ngày trước chuyện có con một bề mà lại là gái khiến tôi bị ức chế tâm lý. Mỗi lần phải nghe bạn bè chế diễu là tôi chỉ còn tìm đến rượu để quên đi”.

Các bác sỹ cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, thỉnh thoảng, người nhà lại đưa ông Ba vào điều trị loạn thần do lạm dụng rượu.

Đang trò chuyện thì chúng tôi thấy tiếng la hét và tiếng người chạy rầm rập ở ngoài cổng. Một bệnh nhân nghiện rượu mới được đưa vào đang điên cuồng giãy giụa, nhất định không cho người nhà và bác sĩ đưa vào phòng bệnh. Bệnh nhân này xấp xỉ 70 tuổi, mắc chứng loạn thần do rượu dẫn tới rối loạn về hành vi, rối loạn ý thức đến mức không khống chế nổi.  thèm rượu.

Uống rượu như thế nào để an toàn?

Theo TS, bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Điều trị các rối loạn tâm thần do lạm dụng chất, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thì trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, tỉ lệ bệnh nhân loạn thần do rượu vào điều trị tăng lên một cách rõ rệt.

Nếu như trước đây, số bệnh nhân vào điều trị nội trú rất ít thì thời gian gần đây, số bệnh nhân này chiếm đến hơn 10% tổng số bệnh nhân toàn khoa, tương đương khoảng 40 bệnh nhân tùy từng thời điểm. Loạn thần do rượu thường xuất hiện sau thời gian sử dụng rượu liên tục trong khoảng 10 năm đối với nam và khoảng 5 năm đối với nữ.

Bệnh nhân bị loạn thần thường có những biểu hiện về cảm xúc như tỏ ra lo âu, hoảng sợ, giận giữ bùng nổ không nhất thiết là phải sử dụng rượu. Bệnh nhân cũng sẽ bị ảo giác như ảo thị (nhìn thấy ma quỷ), ảo xúc giác (cảm giác rắn rết bò trên người); hoang tưởng, ghen tuông một cách vô lý…; rối loạn về hành vi như tấn công người khác. Bệnh nhân trở nên bệ rạc, tha hóa về hành vi, run chân tay, vã mồ hôi khi thiếu rượu.

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, khi bệnh nhân có dấu hiệu bị nghiện rượu thì phải được đưa đi điều trị từ sớm. Phác đồ điều trị dành cho một bệnh nhân loạn thần do rượu kéo dài tối thiểu 3 tuần cho đến 1 tháng. Việc điều trị cai nghiện chống tái nghiện tại cộng đồng đòi hỏi thời gian dài hơn, thường từ 1 năm đến 2 năm. Tuy nhiên, chương trình chống tái nghiện rượu hiện chưa có kinh phí để triển khai tại các địa phương.

Hiện nay, việc điều trị cũng gặp phải những khó khăn như người bị loạn thần do rượu thường kèm theo các bệnh lý nội khoa; nhân cách của bệnh nhân biến đổi nên việc hợp tác với bác sỹ để điều trị hạn chế. Cùng với đó, nhận thức của gia đình về rượu hiện chưa cao thậm chí là sai lệch.

Nếu như trước đây, chi phí điều trị dành cho các bệnh nhân bị loạn thần do rượu gia đình phải chi trả hoàn toàn thì bắt đầu từ 1-1-2017, theo Thông tư 36/2016/TT-BYT quy định việc thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phong, tâm thần của Nhà nước, chi phí điều trị được tính theo gói khi điều trị đúng tuyến, dao động khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng.

Nguyễn Hương – Trần Hằng
.
.
.