Mưa lũ diễn biến phức tạp, Đà Nẵng di dời khẩn cấp gần 1000 người dân

Thứ Bảy, 10/10/2020, 17:41
Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều điểm ngập nặng nên các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã khẩn cấp di dời 254 hộ (730 người) tại huyện Hòa Vang là nơi bị ngập lụt nặng nhất của thành phố. Ngoài mưa lớn, hiện các hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương đã bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 640 km, cách Quảng Ngãi khoảng 560 km, cách Bình Định khoảng 530 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Đà Nẵng đã khẩn cấp di dời 254 hộ (730 người) tại huyện Hòa Vang là nơi bị ngập lụt nặng nhất của thành phố.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với gió mùa đông bắc, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3 - 5 m; biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía bắc vĩ tuyến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra và kéo dài trong những ngày tới. Từ nay đến 14/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đề phòng lũ trên các sông có khả năng lên lại.

 Nhiều điểm tại TP Đà Nẵng ngập nặng do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Trong ngày 10/10, UBND TP Đà Nẵng đã họp khẩn về triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng tại Đà Nẵng. Cụ thể, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại TP Đà Nẵng 24 giờ tới tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông. Dự báo tổng lượng mưa phổ biến trong 24 giờ tới (từ 1 giờ ngày 10 đến 1 giờ ngày 11-10): tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ là 150-300mm, quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là 120-250mm, quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu là 120-250mm, huyện đảo Hoàng Sa là 40-60mm. 

Ngoài mưa lớn thì các hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương đã bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Tính đến 5 giờ ngày 10/10 mực nước hồ thủy điện A Vương là 369,90/370m, hồ thủy điện Đak Mi 4 là 250,44/251,5m, hồ thủy điện Sông Bung 4 là 217,98/216m. Tính đến 7 giờ ngày 10/10, mực nước hồ chứa Hòa Trung là 40,15m/41,10m với lượng mưa 125,2mm, hồ chứa Đồng Nghệ có mực nước 32,40m/33,3m, lượng mưa 231,2mm.

Theo báo cáo nhanh, điểm huyện Hòa Vang là nơi bị ngập lụt nhất của TP Đà Nẵng. Tại huyện Hòa Vang có  09/11 xã (47 thôn) bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông. (xã Hòa Châu: thôn Tây An; xã Hòa Tiến: thôn Lệ Sơn 2, Nam Sơn, An Trạch, La Bông; xã Hòa Nhơn: Ninh An, Phước Hưng Nam, Thái Lai, Phước Thái, Thạch Nham Tây, Phú Hòa 1; xã Hòa Phong: Túy Loan Đông 2, Túy Loan Tây; xã Hòa Bắc: thôn Lộc Mỹ; Hòa Ninh: Đông Sơn; xã Hòa Liên: thôn Trung Sơn, Quan Nam 2, tổ 1 thôn Tân Ninh; xã Hòa Khương: Phú Sơn 3, Phú Sơn 2, Phú Sơn 1 và các tuyến đường thôn xóm…. 

Một số tuyến đường liên xã, liên thôn có một số đoạn bị ngập: Tuyến đường ĐH2, Tuyến Phước Thái đi Diêu Phong, Phước Thái đi Thái Lai xã Hòa Nhơn; Tuyến đường ĐH8 (đoạn thôn Lệ Sơn 2 (Cầu Bến Giang) xã Hòa Tiến; Tuyến đường La Châu đi Gò Chùa, tuyến Hương Lam đi La Châu; tuyến Phú Sơn 3 đi Phú Sơn 2; tuyến đường Cầu Mùn thôn Cẩm Toại Đông Hòa Phong… Tổng cộng có 1118 hộ/3.963 nhân khẩu bị ngập.  Do tình hình xả tràn của các thủy điện nên dự báo trong ngày hôm nay mực nước ở các sông hạ du sông Vu Gia sẽ tăng cao.

Tại quận Hải Châu, Đà Nẵng đã xảy ra ngập cục bộ tại một số tuyến đường (Hàm Nghi, Hải Hồ; Kiệt 640 Trưng Nữ Vương…);  Quận Thanh Khê: đoạn đường Lê Duẩn, Hải Phòng ngập cục bộ, đoạn ngập cục bộ khoảng 100m, mức ngập dưới 1m; tuyến đường Đỗ Quang – Tôn Thất Tùng ngập cục bộ (khoảng 300m) từ 10-30cm; khu vực Khe Cạn ngập nước từ 0,5-1m. 

Đường Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Phước Thái nước ngập 50cm; Quận Ngũ Hành Sơn: khu vực Mân Quang (phường Hòa Quý) ngập cục bộ 30-50cm nhưng sau mưa rút nhanh; ngập cục bộ 20-30cm tại các khu dân cư tổ dân phố 10, 30 và 51 của phường Hòa Hải, phường Khuê Mỹ (KDC mới hải quân đường Lê Văn Hiến)  ngập cục bộ từ 30-50cm nước rút chậm nên nhân dân đã dùng bơm điện để bơm nước ra ngoài;  Quận Sơn Trà: ngập úng tại ngã tư Dương Đình Nghệ - Lý Văn Tố (phường An Hải Bắc); dự án 13, 14 và Bàu Gia Phước (phường Phước Mỹ); kiệt 259, kiệt 267, kiệt 331 đường Ngô Quyền (đường Mân Thái); ngã tư Lê Tấn Trung - Phan Bá Phiến, Nguyễn Chế Nghĩa, Kiệt 62/123 Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang);  Quận Liên Chiểu: Hòa Minh: ngập cục bộ tại tổ 89, 123,124; Hòa Khánh Nam: ngập cục bộ tại tổ 27, 36, 37, 38, 42, 49; Hòa Khánh Bắc: ngập cục bộ tại tổ 81 Hồng Phước; tổ 51,54 KDC Đa Phước 5; tổ 69 Thanh Vinh 1; một số điểm ngập trên đường Đồng Kè, đường Lạc Long Quận, Kiệt 36 Nguyễn Chánh, Kiệt 34 Âu Cơ, đường Phan Văn Trường. Số nhà dân bị ngập nước: 15 nhà (nước ngập từ 1-2m) tại Hồng phước; Hòa Hiệp Nam: ngập cục bộ tại các tổ 4,29,43,53 và 54; Hòa Hiệp Bắc: ngập cục bộ một số khu vực tổ 1, 02, tổ 15, tổ 33, 34, 35, 37. 

Khu vực đồn Biên phòng Hải Vân nước ngập cục bộ từ 0.5 – 1m; Quận Cẩm Lệ: Khuê Trung: Bình Hòa 15, tổ 33; Hòa An: 28 hộ/130 khẩu bị ngập nước 0.5m tại mương Khe Cạn tổ 9, 10, 12, 14, 15, 16; Hòa Phát: nước ngập lên đường 0,2m; Hòa Thọ Đông: ngập khu vực dự án nút giao thông Hòa Cầm; Hòa Thọ Tây: ngập khu vực tổ dân phố số 15; Hòa Xuân: ngập đường Phạm Hùng, Trần Văn Trà, 29/3, Khương Hữu Dụng, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu Liên hợp Thể thao…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông TP Đà Nẵng đã đề nghị lực lượng túc trực 24/24 tại 19 hồ chứa, khi tràn xả lũ thì phải thông báo nhanh đặc biệt các thôn xung quanh hồ, ngư dân. Tình hình mưa lũ tương đối phức tạp, kết hợp lũ, giông. Các địa phương quận, huyện vừa chỉ đạo lũ nhưng cũng phải xử lý môi trường. 

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin, trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, Đà Nẵng đã có các công điện khẩn chỉ đạo các ngành và quận, huyện ứng phó thiên tai, tập trung cho công tác thông tin, truyền thông về tình hình mưa lớn, lũ. Trong đó, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển và tại khu neo đậu; cho học sinh địa bàn nghỉ học. Các cơ quan chức năng triển khai sơ tán người dân tránh lũ tại các khu vực không an toàn, vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn; bảo đảm an toàn hồ chứa... 

Đặc biệt nghiêm cấm người dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn, kiểm soát tại các khu vực đường giao thông, khu dân cư ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối...

Hoài Thu
.
.
.