Mưa lớn, triều cường gây thiệt hại nặng ở Bà Rịa - Vũng Tàu
- Kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ
- Công an Hương Khê huy động gần 100 CBCS xuống giúp dân trong mưa lũ
- Phòng tránh bệnh dịch trong những ngày mưa lũ miền Trung
Chiều 18-10, có mặt tại khu vực thôn Nam Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, chúng tôi nhận thấy, toàn bộ khu vực rộng cả chục ha nước đã ngập trắng. Các ruộng làm muối, đùng nuôi hải sản của người dân không còn bờ, chỉ thấy một màu nước. Con đường dẫn vào các nhà dân đã bị ngập sâu.
Hoa màu của người dân tại BR-VT ngập chìm trong nước |
Ông Lê Văn Lầm, nhà ở thôn Nam Hải cho biết, gia đình ông đã sống ở đây hơn 20 năm nay. Một tuần trở lại đây, nước ngập ngấp nghé nền nhà nên việc sinh hoạt gặp khó khăn. “Ở đây lâu rồi nhưng năm nay tôi mới chứng kiến nước ngập như thế này. Có vài sào đùng sau nhà vừa mới thả tôm bây giờ ngập trắng coi như mất trơn”-ông Lầm nói.
Theo quan sát của chúng tôi, chuồng nuôi gia cầm của gia đình ông Lầm đã bị ngập, nên gà, vịt phải di cư lên khu vực ngay sát móng nhà để trú ngụ.
Không riêng gia đình ông Lầm mà nhiều gia đình tại thôn Nam Hải cũng bị nước tấn công. Trong đó, gia đình ông Vũ Đình Chuận, thôn Nam Hải đã bị thiệt hại cả trăm triệu đồng do nước ngập.
Ông Chuận cho biết, sau khi thu hoạch muối, gia đình ông chất thành 5 đụn tại những gò đất cao ráo chờ được giá để bán. Tuy nhiên, mấy hôm nay, nước ngập quá nhanh khiến gia đình ông không kịp trở tay.
Bên cạnh đó, 8ha nuôi tôm, cá của gia đình ông cũng bị mất trắng. “Nước ngập đứng nhìn muối, tôm cá trôi theo con nước mà bất lực. Xót lắm chú ơi…”-ông Chuận buồn bã nói.
Theo ước tính của ông Chuận, mỗi đống muối có khoảng 20 tấn. Với giá hiện nay 700 nghìn đồng/tấn thì thiệt hại hàng chục triệu đồng chưa tính cá, tôm.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Hải, huyện Tân Thành cho biết, tại thôn Nam Hải có khoảng 250ha đất bị ngập. Diện tích ngập nước phần lớn là đồng ruộng đã bị nhiễm phèn không thể canh tác. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ làm muối và trồng lúa.
Ông Minh cũng cho biết thêm, do những ngày qua mưa lớn, thôn Nam Hải lại ở cuối nguồn nên lượng nước tại các sông suối đổ về nhiều. Bên cạnh đó, triều cường lớn nên nước lũ không kịp tiêu thoát.
“Sau khi nhận được thông tin chúng tôi đã báo vụ việc lên UBND huyện. Song song đó, huy động, cắt cử lực lượng túc trực tại cống số 6 để điều tiết nước và phòng chống vỡ đê. Còn thiệt hại về tài sản hiện chưa thể thống kê do nước còn ngập”-ông Minh nói.
Ngày 18-10, triều cường kèm theo việc xả lũ của đập chứa nước sông Kinh làm cho khoảng 100ha ở hạ lưu sông Kinh bị ngập nước, trong đó có 47ha nuôi trồng thủy sản. Theo tính toán ban đầu, các hộ nuôi trồng thất thoát khoảng 30 tấn tôm thẻ chân trắng và cua.
Nước từ đập sông Kinh vẫn tiếp tục tràn về với lưu lượng khá lớn, cộng thêm triều cường, gây ngập nhiều đùng nuôi tôm. Ở khu vực ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc tỉnh BR-VT, có khoảng 10 gia đình ngư dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng. Hiện nay, các hộ dân đang dùng bao cát ngăn chặn nguy cơ vỡ bờ đùng. Ngập lụt do triều cường cũng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Một số hộ dân đã phải di dời vật dụng, tài sản.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Văn Cường - PGĐ Sở NNPTNT tỉnh BR-VT cho biết, hiện tại cống số 4, số 5, số 6 của BR-VT tất cả đều nằm trong tình trạng ngập, nếu đồng loạt xả ra hết thì còn nguy kịch hơn nữa, do đó Sở chỉ đạo thủy lợi phải xả đúng quy trình, xả đúng nước triều cường để giảm tải bớt để bảo vệ hệ thống đê. Sẽ từng bước khắc phục các hậu quả do mưa lũ gây ra, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân.