Mùa hoa đỗ quyên trên nóc nhà Đông Dương
Bên cạnh vẻ đẹp tươi tắn và quyến rũ ấy, còn có những cây vân sam trăm tuổi, vươn tán cao và rộng, đầy sức sống. Trước đây, chỉ những người có sức khỏe dẻo dai hay những tay phượt thủ khát vọng chinh phục đỉnh cao mới có thể đặt chân đến vùng đất này. Thế mà, hiện nay nhiều người đã có thể thỏa mãn mơ ước của mình khi đứng trên đỉnh núi cao hơn 3.000m, tay phất lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.
Khát vọng chinh phục đỉnh cao
Chỉ tay về phía những sợi dây cáp mảnh mai như những sợi chỉ mang theo các cabin đầy màu sắc đang cần mẫn chuyển động, ông Sigrist Reto (Trưởng nhóm kéo cáp chính của hãng Doppelmayr Garaventa) thốt lên: “Từng tham gia hàng trăm công trình nhưng với chúng tôi cáp treo Fansipan là một công trình khổng lồ. Quá khó khăn, vất vả! Nhiều đồng nghiệp sau khi kéo cáp đã phải thú nhận rằng họ sẽ không nhận thêm bất cứ công trình nào như vậy nữa!”. Dù vậy, gương mặt vị chuyên gia kỳ cựu của hãng cáp treo lừng danh trông vẫn rất mãn nguyện. Công trình kỷ lục thế giới mới “chinh phục nóc nhà Đông Dương” mà ông cùng các cộng sự tâm huyết người Việt đã dành toàn tâm ý trong hai năm qua đã hoàn thành.
Từng kinh qua quãng thời gian vất vả xây tuyến cáp treo Bà Nà Hills, ông Trần Tịnh (thợ cơ khí) cho hay, xây tuyến cáp treo lên nóc nhà Đông Dương gian khó gấp bội phần: “Vách đá thì dựng đứng, gió núi thổi bay người, băng giá lạnh cứng đôi bàn tay… Tất cả tưởng chừng sẽ làm chúng tôi tê liệt. Nhưng không hiểu sao có một sức mạnh kỳ diệu từ bên trong thôi thúc chúng tôi phải quyết tâm vượt qua mọi trở ngại”. Ngạo nghễ trên độ cao 3.143m so với mực nước biển, đỉnh Fansipan vốn dĩ luôn mê hoặc mọi bước chân khao khát tìm đến chinh phục. Nơi đây dường như chỉ dành cho những ai đam mê khám phá với sức bền và lòng kiên trì mãnh liệt.
Để thực hiện công trình, ngoài đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của hãng cáp treo lừng danh Doppelmayr Garaventa, những kỹ sư, công nhân thiện nghệ từng kinh qua thời gian xây cáp treo Bà Nà của Tập đoàn Sun Group đã được huy động. Nguyên vật liệu tải lên đỉnh cao 3.143m hoàn toàn do bàn tay con người và những phương tiện thủ công. Từng tảng đá nặng hàng trăm kg, những cuộn cáp… vận chuyển trên đường bằng đã khó, đường núi trơn trượt như thử thách lòng can đảm, ý chí quyết tâm và giới hạn về sự bền bỉ của con người. Sự dẻo dai, bản lĩnh vượt khó, ý chí, quyết tâm chinh phục và tinh thần đồng đội của những chuyên gia, những công nhân “bám” núi suốt hai năm qua đã không bị khuất phục.
Cáp treo Fansipan Sapa khánh thành ngày 2-2-2016, do Tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr Garaventa tại Sa Pa, Lào Cai. Công trình không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Đông Dương” từ 2 ngày xuống còn 15 phút mà còn giúp nơi đây ghi tên vào sách Guinness thế giới với 2 kỷ lục mới: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới.
Mùa hoa đẹp nhất trong năm
Qua dịp Tết đầu tiên Sapa có cáp treo, lượng khách tìm về khám phá Fansipan lên đến kỷ lục. Các khách sạn, nhà nghỉ chật cứng. Khu du lịch trở nên quá tải. Điều đó cho thấy sức hút đặc biệt và niềm khao khát bao lâu của khách du lịch với Fansipan, dù giá vé đi cáp treo lên tới 600.000 đồng/người.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự: “Trước đây hơn chục năm, vợ chồng tôi đã hẹn nhau sẽ cùng leo núi, chinh phục Fansipan. Do sức khỏe của tôi không đảm bảo nên chúng tôi cứ lần lữa. Rồi chồng tôi đột ngột ra đi, lời hẹn sẽ không bao giờ được thực hiện nữa. Nhưng bất ngờ năm nay khi biết đã có cáp treo lên Fansipan, câu chuyện năm nào chợt trở lại, và con trai tôi đã thay bố nó cùng tôi vượt qua trùng điệp núi cao. Nếu không có cáp treo, với sức khỏe của tôi thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ lên được đỉnh núi này”.
Cáp treo băng qua vạt rừng vân sam. |
Trong số những vị khách đi cáp treo Fansipan, chúng tôi gặp cặp vợ chồng người dân tộc Mông ở ngay huyện Sapa những xã lân cận. Họ cũng khao khát được đặt chân lên nóc nhà Đông Dương nhưng vì tuổi cao nên chỉ có thể đứng dưới chân núi mà ao ước. Giờ đây họ đã được thỏa mãn niềm mong mỏi.
Những ngày tháng 4 này, có thể coi là những ngày đẹp nhất trong năm ở Fansipan. Hoa đỗ quyên nở quanh năm nhưng nở rộ và đẹp nhất là vào tháng 4 đến hết hè. Ngắm đỗ quyên cũng không ở đâu đẹp bằng trên rừng Hoàng Liên. Bởi thế mà những người đam mê khám phá thường chọn chinh phục Fansipan vào tháng 4, tiết trời vừa khô ráo, lại vừa có thể thưởng thức vẻ đẹp hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Tây Bắc. Ở Fansipan, cây chỉ phân bổ ở độ cao từ 2.200 mét, rừng Hoàng Liên là địa danh hội tụ nhiều loài hoa đỗ quyên nhất Việt Nam. Đây còn được mệnh danh là "vương quốc" hoa đỗ quyên bởi có tới gần 40 loài hoa mang nhiều sắc màu khác nhau đua nở mỗi độ xuân về.
Từ trên cáp treo nhìn xuống, những chùm đỗ quyên đỏ thắm nổi bật trên nền xanh thẫm của rừng già trông như những đốm lửa ấm áp, tươi vui trong tiết trời se lạnh. Theo người dân Sa Pa, đỗ quyên không chỉ có sắc đỏ mà còn có sắc trắng, sắc vàng. Bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ của đỗ quyên, những cây vân sam trăm tuổi mang tới cho du khách góc cảm nhận khác về một Tây Bắc không chỉ nên thơ mà còn kỳ vĩ, đầy sức sống. Ở độ cao từ 2.500 mét, những cây vân sam vượt khỏi tầng mây, vươn tán rộng đầy kiêu hãnh, sừng sững trên đỉnh Đông Dương.
Theo khảo sát của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, vân sam Hoàng Liên gồm 26 loài, trung bình đều trên 300 tuổi, phân bố ở độ cao 2.600 – 2.700 mét. Cây cao từ 18-20 mét, có đường kính gốc từ 50-80cm, tán xòe rộng, thế đứng vững chãi. Cùng với đỗ quyên, vân sam là loài cây quý, đặc trưng của rừng núi Tây Bắc, đặc biệt ở khu vực đỉnh Fansipan.
Những ngày tháng 4, ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc trong sắc hoa rực rỡ, ngọt ngào, người ta như có thêm tình yêu với đất nước, con người Việt Nam. Cảm giác chinh phục được đỉnh cao dù bằng cách này hay cách khác cũng đều là trải nghiệm thú vị.