"Thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 11/02/2020, 07:46
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại thành phố được xác định có 3 nguồn, gồm khí thải từ các phương tiện giao thông - đây là nguyên nhân chính; tiếp theo là do khí thải từ hoạt động sản xuất và bụi từ hoạt động xây dựng. 


“Trong nguyên nhân gây ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, xe gắn máy là thủ phạm chính gây ô nhiễm bụi mịn rất lớn tại thành phố. Kết quả quan trắc, đo đạc mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố, nhất là vào các khung giờ cao điểm và ở những khu vực thường xuyên ùn ứ phương tiện giao thông đã cho thấy điều này”, ông Thắng thông tin thêm.

Theo phân tích của lãnh đạo Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, ngoài lượng xe máy đăng ký tại thành phố, còn một lượng lớn phương tiện của người dân ở các tỉnh, thành khác đưa vào phục vụ nhu cầu sống, làm việc, học tập.

Với con số bình quân mỗi năm thành phố tăng dân số cơ học 200 ngàn người, những năm qua, đã có cả triệu xe máy từ các tỉnh, thành khác được đưa về thành phố sử dụng. Trong vài triệu xe máy đang sử dụng hàng ngày tại thành phố hiện nay, có không ít phương tiện cá nhân không thực hiện các chế độ bảo hành, bảo dưỡng.

Xe máy “bao vây” ôtô trong giờ cao điểm gây kẹt xe và ô nhiễm không khí cục bộ tại TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, tại thành phố còn nhiều đoạn đường, giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, dồn ứ phương tiện, đây là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cục bộ ở từng khu vực. 

Thực tế giao thông tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, vào các khung giờ cao điểm gây kẹt xe và mức độ ô nhiễm không khí tăng cao, hầu hết các tuyến đường nội thành đều cấm xe tải, khi đó trên đường chỉ còn xe máy, xe hơi, xe buýt và xe khách hoạt động. Khi đó lượng xe máy nhiều gấp cả chục lần các loại phương tiện khác cộng lại, nên đây là thủ phạm chính xả khí thải gây ô nhiễm không khí.

Kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí - Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện cho thấy, ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh đến từ 3 nguồn chính, gồm nguồn giao thông (chiếm khoảng 50%); nguồn phát thải từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng... (khoảng 30%), còn lại là nguồn phát thải hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn…

Trong nguồn khí thải từ giao thông, xe máy được coi là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Riêng nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.

Tại Hội thảo “Hiện trạng ô nhiễm không khí và chính sách quản lý chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11-2019, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí khẳng định, khí thải từ xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí.

Cụ thể, khí thải từ xe máy chiếm 29% khí NO2, 90% khí CO và hơn 37% bụi, 39% khí SO2, 64% khí CH4 trong không khí tại TP Hồ Chí Minh. Từ các kết quả đo đạc, khảo sát trên, PGS-TS Hồ Quốc Bằng đề nghị Sở GTVT và CSGT cần có các giải pháp kiểm định khí thải xe gắn máy đang lưu hành.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Sở TN-MT cũng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phối hợp với Sở GTVT kiểm tra, giám sát khí thải của phương tiện giao thông, trước mắt tập trung vào phương tiện của các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh, vận tải hàng hóa, vận tải khách công cộng; phối hợp với Sở GTVT và các địa phương liên quan đẩy nhanh việc đầu tư, mở rộng các tuyến vành đai, đường xuyên tâm, bến bãi đậu xe… nhằm kéo giãn mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến đường, giảm các điểm kẹt xe để giảm ô nhiễm không khí cục bộ do phương tiện xả khí thải.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, trong năm nay sẽ 5 nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ngay khi được UBND thành phố chấp thuận, Sở GTVT sẽ thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp nhằm đa dạng hóa các phương thức giao thông đô thị ở khu vực trung tâm thành phố.

Việc sử dụng xe máy điện để vận chuyển hành khách công cộng cũng sẽ được thí điểm. Sở GTVT cũng sẽ đẩy mạnh kết nối các dịch vụ vận chuyển trên ứng dụng Grab với xe buýt và đẩy mạnh khai thác vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện sử dụng điện. Việc đầu tư mới xe buýt, taxi của các HTX, DN vận tải sẽ được ưu tiên chuyển đổi sang phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch như điện, khí ga… đến cuối năm nay sẽ có 816 xe buýt chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch.

Để kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông, Sở GTVT đã triển khai làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử phạt đối với xe buýt, ôtô khách, xe tải xả khói đen gây ô nhiễm không khí. Để ngăn chặn tình trạng xả khói đen do chở quá tải, Sở GTVT tiếp tục siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện bằng cách giám sát, kiểm soát tải trọng ngay tại các đầu mối tập kết hàng hóa lớn như bến cảng, tổng kho bãi...

Hiện Sở GTVT đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, Công ty Honda và Viện Khoa học Công nghệ giao thông tiến hành khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe máy tại các Trung tâm bảo dưỡng. Theo đó, xe máy cũ được sử dụng từ 5 năm trở lên sẽ được tiến hành kiểm tra khí thải, việc kiểm tra khí thải với xe máy cũ sẽ được thực hiện từ tháng 2 đến hết năm nay.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, hiện thành phố đã có hơn 8,1 triệu ôtô, xe máy, trong đó xe máy nhiều gấp gần 10 lần số lượng ôtô và chiếm tới 90% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Do đó, xe máy là tác nhân chính gây ra lượng phát thải trong số phương tiện giao thông.

Qua kiểm tra khí thải đối với xe gắn máy, Sở GTVT sẽ đánh giá mức độ gây ô nhiễm thực tế từ xe máy để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời đề xuất UBND thành phố trình Chính phủ quy chế cụ thể về thí điểm kiểm soát khí thải các loại xe gắn máy thời gian tới.  

Để kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, Sở TN&MT đã xây dựng lộ trình kiểm soát đối với các DN trong KCN-KCX. Những DN hoặc KCN-KCX xả khí thải sẽ phải xử lý trước khi xả ra môi trường. Ông Thắng thông tin, hiện TP Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng Trung tâm phân tích, xử lý toàn bộ các dữ liệu quan trắc về môi trường được truyển về đây, sau đó đưa ra cảnh báo với từng lĩnh vực.

Cùng lúc, để nâng cao chất lượng quan trắc, thành phố cũng đầu tư 54 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí và các vấn đề liên quan đến môi trường.

Trước mắt, Sở TN-MT vẫn thực hiện quan trắc thủ công thường xuyên ở 730 vị trí kết hợp với 6 trạm quan trắc tự động đã được đưa vào khai thác để giám sát chất lượng không khí và những vấn đề về môi trường khác.
Đ.Thắng
.
.
.