Cháy nổ trong khu dân cư: Đừng đợi vỡ bát mới kê cầu ao!

Thứ Ba, 24/10/2017, 09:00
Báo điện tử CAND đã tổ chức tọa đàm trực tuyến ''Phòng ngừa cháy nổ trong khu dân cư''. Trong thời gian 2h, 3 vị khách mời đã trả lời hàng trăm câu hỏi của của độc giả báo điện tử CAND về các vấn đề liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và đặc biệt là phòng chống cháy nổ trong khu dân cư.


Kết thúc buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND cảm ơn độc giả Báo CAND đã theo dõi và đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm. 

Trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, đây là thời gian quá ngắn để làm rõ chủ đề mà chúng ta đặt ra. Tuy nhiên, 3 vị khách mời đã cung cấp cho độc giả bức tranh toàn cảnh về các vụ cháy nổ ở khu dân cư và đưa ra cũng như nhấn mạnh các giải pháp về công tác PCCC và CNCH, đã giúp cho chúng ta có được những kiến thức và kinh nghiệm nhất định để bảo vệ con người và tài sản.

Kính thưa các đồng chí, nhân dịp tháng PCCC, thay mặt Ban biên tập, cán bộ phóng viên, và rất nhiều bạn đọc online trên cả nước, chúng tôi xin chúc sức khỏe các vị khách mời, lực lượng PCCC… Nhân dịp này, cho phép tôi gửi lời cảm ơn tới các vị lãnh đạo, đồng chí các đơn vị và phóng viên báo bạn đã đến dự buổi giao lưu trực tuyến hôm nay.


Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND phát biểu tại buổi tọa đàm.

- Bên cạnh nhà riêng, nguy cơ cháy nổ trong các chung cư là rất lớn. Gần đây PCCC Hà Nội phát hiện đến 79 nhà cao tầng chưa đảm bảo về PCCC nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là gì? Trách nhiệm của chủ đầu tư và lực lượng PCCC?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 79 công trình nhà chung cư cao tầng chưa đảm bảo về công tác PCCC. Qua thực hiện chỉ đạo của đồng chí thường trực UBND thành phố, lực lượng cảnh sát PCCC đã phối hợp với UBND các quận huyện, phường, công an tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và cho đến nay đã có 21 công trình khắc phục xong các tồn tại, thiếu sót về công tác PCCC, đã được nghiệm thu về PCCC và đưa vào hoạt động. 

Còn lại 58 công trình vẫn còn tồn tại thiếu sót và chưa được nghiệm thu về công tác PCCC. Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi đã phát hiện thêm 40 công trình chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa vào hoạt động và nâng tổng số các công trình hiện nay lên 62 công trình.

Qua quá trình tổ chức triển khai hướng dẫn đã kiểm tra được 501 lượt, xử lí vi phạm hành chính 34 lượt với số tiền hơn 4 tỷ đồng, đình chỉ 6 công trình, tạm đình chỉ 28 hạng mục công trình. UBND các quận huyện đã ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ với 16 công trình. Sau mỗi đợt kiểm tra, chúng tôi đều có những báo cáo gửi đến cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương thực hiện phối hợp trong lĩnh vực quản lí. 

Chúng tôi đã đưa tin tồn tại, thiếu sót của những cơ sở này lên trang thông tin điện tử của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, đưa lên các cơ quan báo đài đưa tin phản ánh những khó khăn và thuận lợi của chủ đầu tư về khắc phục những thiếu sót đối với các nhà chung cư cao tầng, trong đó có phần đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí làm cho được 2 nút chủ đầu tư khắc phục được những tồn tại thiếu sót và chúng tôi đánh giá tốt điều này.

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại thiếu sót này tập trung 3 nguyên nhân chính: liên quan đến giải pháp kĩ thuật. Trước năm 2011, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật PCCC của chủ đầu tư chúng tôi đánh giá là yếu, việc phối hợp với các cơ quan quản lí nhà nước về thực hiện, cấp phép xây dựng với việc thẩm duyệt thiết kế PCCC còn hạn chế, dẫn đến khi công trình đã được thi công ổn định mới thẩm duyệt thiết kế về PCCC, như một số các nội dung theo yêu cầu về giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan PCCC như thiết kế thang bổ sung thang bộ, thang bộ kín, thiết kế bổ sung các hệ thống chống tụ khói… Dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện khó khăn.

Nguyên nhân thứ hai là nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nên việc khắc phục các nội dung tồn tại được chủ đầu tư phân chia thực hiện theo từng giai đoạn dẫn đến không hoàn thành được tiến độ đã cam kết về thực hiện các tồn tại thiếu sót.

Nguyên nhân thứ ba là một số các công trình người dân không đồng tình không ủng hộ trong việc chủ đầu tư khắc phục thiếu sót. Trong số 58 công trình, chúng tôi xác định 32 công trình có khả năng khắc phục được, chỉ cần có thời gian và kinh phí là sẽ khắc phúc được, còn lại 26 công trình chúng tôi đánh giá là khó khắc phục.

Để giải quyết các việc thực hiện này, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập tổ công tác có các sở, ngành liên quan để kiểm tra, đánh giá thực trạng và có giải pháp để báo cáo, xin giải pháp giảm tiêu chí cho 26 công trình trên. Hiện nay chúng tôi đã, đang và tập trung triển khai và đến 15/11 chúng tôi phải hoàn thành xong báo cáo đề xuất này. Trong số 32 công trình lại có 4 công trình người dân không ủng hộ việc khắc phục thiếu sót. 15 ngày chúng tôi kiểm tra một lần, tạo nên sức ép cho chủ đầu tư để họ cố gắng và thực hiện.

Vừa qua có 2 công trình là Chung cư 113 và Chung cư XO5 đã đồng tình và yêu cầu làm thí điểm cho một tầng. Việc này chúng ta cần phải kiên trì vận động. Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả tốt trong thực hiện các giải pháp đối với chung cư cao tầng, đặc biệt trong 62 công trình này. 

Từ đây đến 15/11, đã có 7 công trình báo cáo việc khắc phục. Hiện nay có 3 công trình chủ đầu tư chúng tôi đánh giá là thực sự chây ì, cố tình không thực hiện và chúng tôi đang kiện toàn, củng cố lại hồ sơ và chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra, nếu thực sự không tổ chức triển khai thực hiện thì sẽ có những giải pháp cứng rắn và quyết liệt hơn.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên tặng các vị khách mời ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm.

Theo như tôi được biết, ở nhiều nước người ta có những quy định về an toàn PCCC nhà riêng. Nhưng ở Việt Nam điều này dường như ít được quan tâm, nhà nào xây dựng tự lo trang thiết bị PCCC. Tại sao chúng ta lại chưa có quy định này thưa ông? Một người dân muốn xây một ngôi nhà mới, ông tư vấn nên chuẩn bị gì về an toàn PCCC?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục PCCC và CNCH, Bộ Công an: Luật PCCC và các văn bản Luật có liên quan đã có quy định về các yêu cầu PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình.

Cụ thể: Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; Điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình; Ngoài các yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC đã quy định việc trang bị phương tiện PCCC; trách nhiệm của chủ hộ gia đình; yêu cầu thiết kế đối với nhà liền kề theo quy định. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ và chưa phù hợp với các loại hình nhà ở đặc biệt nhà ở trong cụm khu dân cư cũ và nhà ở kết hợp kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp tuyên truyền kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn về PCCC đối với hộ gia đình của các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa thường xuyên, còn lúng túng dẫn đến hiệu quả chưa cao; chủ hộ còn chưa nắm bắt được rõ, chưa tự giác thực hiện các quy định về PCCC…

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: Điều 17, Luật PCCC và Điều 19 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC đã có quy định cụ thể về an toàn PCCC đối với nhà ở khu dân cư. Như nhà ở phải được bố trí hệ thống điện, nơi thời cúng, các chất cháy nổ phải để xa nguồn nhiệt điện… Thôn, làng, ấp bản có nội quy duy định về PCCC, sử dụng nguồn điện… có phương án, lực lượng nguồn nước để phục vụ PCCC.

Tại các quận nội thành, theo báo cáo kết quả, năm 2016 đã vận động 120.000 hộ tự trang bị phương tiện chữa cháy. Có nhiều phường trên địa bàn TP đã làm rất tốt. Những hộ nghèo áp dụng mô hình “ 3 trong 1” rất hay là 3 hộ cùng dùng chung phương tiện PCCC và vận động để hỗ trợ mua phương tiện PCCC. Đồng thời hướng dẫn các giải pháp, khuyến cáo về an toàn PCCC trong khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như thiết bị hệ thống điện phải có nguồn gốc xuất xứ; người dân phải tính toán được công suất tiêu thụ nhà mình chọn công suất dây dẫn phù hợp; bố trí ít nhất 1-2 bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc trong nhà; nhà từ 7 tầng trở lên có họng cấp nước chữa cháy; chú ý nguồn nhiệt, nguồn lửa, sắp xếp ô tô xe máy tầng 1 để thoát nạn…

3 chủ đầu tư còn chây ỳ trong công tác PCCC, gây khó khăn cho công tác QLNN về PCCC?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC HN: Công trình Chung cư CT4, CT5AB, CT6 Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông. Chủ đầu tư không hợp tác với các cơ quan đơn vị, không tổ chức khắc phục các tồn tại thiếu sót, đặc biệt là trong các hệ thống chữa cháy, báo cháy, hệ thống thoát nạn… Dù đã được kiến nghị rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư không hợp tác, không tiếp tất cả các đoàn kiểm tra về an toàn PCCC.

Việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong PCCC là rất quan trọng đối. Xin ông cho biết một số những kết quả và công tác ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc?

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: Ngành điện là ngành sản xuất kinh doanh đặc thù, là đơn vị quản lý nguồn điện cao và nguy cơ cháy nổ cao. Tổng Công ty đã thành lập 478 cơ sở quản lý về cháy nổ, 645 đội viên PCCC cơ sở…. Hàng năm đều được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận về PCCC. Đơn vị tuân thủ tuyệt đối với PCCC và an toàn điện. Hiện nay, chúng tôi tăng cường công tác cải tạo trạm biến áp và đường dây, đưa thiết bị mới đảm bảo tin cậy và công tác PCCC. Tổng Công ty đã xây dựng các trạm biến áp 110 với điều khiển từ xa, không người trực; đầu tư hệ thống camera giám sát an ninh, đo nhiệt độ các thiết bị tại trạm. Công nhân được trang bị súng đo nhiệt độ, đảm bảo an toàn khi có nguy cơ cháy nổ cao.

Trong Nghị định 83 có quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về cứu nạn cứu hộ. Thượng tá Bùi Quang Việt có thể nói rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành đối với công tác này không?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an: Nghị định 83 của Chính phủ quy định rất cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về cứu nạn cứu hộ. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác cứu nạn cứu hộ, đồng thời giao lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền.

Nghị định 83 quy định cụ thể về việc bố trí lực lượng cứu nạn, cứu hộ từ Trung ương đến địa phương, trong đó phân công rõ chức năng chủ trì công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng đối với các sự cố tai nạn chưa đến mức thảm hoạ. Đối với các Bộ, ngành thì có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cứu nạn cứu hộ. - Bảo đảm các điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ của Bộ, Ngành, đơn vị. - Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi phụ trách.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở theo dõi, thống kê, báo cáo tình hình triển khai công tác cứu nạn cứu hộ. Đối với UBND các cấp có trách nhiệm: - Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cứu nạn, cứu hộ và thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cứu nạn, cứu hộ tại địa phương, xử lý các hành vi vi phạm về cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền.

 - Chỉ đạo việc tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đầu tư kinh phí trang bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ và duy trì hoạt động của lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.

- Định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập, diễn tập phương án cứu hộ, cứu nạn tại địa phương và đơn vị mình.

 - Chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức hoạt động cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi địa bàn phụ trách.

Trong thời gian vừa qua có những vụ cháy liên quan đến quán karaoke. Mà nguyên nhân xuất phát từ các biển quảng cáo và các thiết bị trang trí bên trong các phòng hát karaoke. Vậy, chúng ta có những quy chuẩn nào để đảm bảo an toàn PCCC đối với những đối tượng này?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an:

Các quy định về biển quảng cáo liên quan đến an toàn cháy nổ đã được quy đã được quy định rất rõ ràng. Đặc biệt, sau sự kiện vụ cháy lớn tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội thời gian qua, Hà Nội và các địa phương đã quyết liệt xử lý tình trạng này theo đúng quy định của pháp luật.

Đến thời điểm này chúng ta đã phải gánh chịu 11 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới. Nhiều địa phương vẫn đang trong tình cảnh ngập lụt. Vấn đề an toàn điện trong những ngày mưa lũ là như thế nào? Ông có khuyến cáo gì với người dân ở các vùng ngập lụt?

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng ban An toàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc EVN: Cả nước đã trải qua 11 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới trong năm 2017. Trong đó, cơn bão Số 2 và Số 10 đã ảnh hưởng nặng nề lên lưới điện miền Bắc. Sau mỗi cơn bão, chúng tôi luôn cố gắng để cấp lại điện nhanh nhất cho người dân để đảm bảo sinh hoạt, kinh doanh.

Trước mùa mưa bão, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền để ngăn ngừa rủi ro về an toàn điện do mưa bão.
Tại miền Bắc có nhiều vùng trũng, ngập lụt, bởi vậy, trong những ngày mưa, bão, lũ, ngành điện luôn bố trí nhân viên canh gác hệ thống lưới điện. Khi mực nước lên cao, chúng tôi đã đặt biển báo, biển hướng dẫn để tránh người dân đi lại, gây mất an toàn. Trong trường hợp mặt nước và hệ thống lưới điện gần nhau, chúng tôi tiến hành cắt điện hoàn toàn. 

Ngoài ra, do nước mưa, lũ thường ngập sâu vào nhà dân, nên sau khi nước rút, chúng ta cần kiểm tra kĩ lưỡng hệ thống điện từ sau dây công tơ, đảm bảo an toàn tuyệt đối mới đóng cầu dao điện để sử dụng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.


Có ý kiến cho rằng việc xử lý vi phạm đối với công tác PCCC còn chưa đủ mạnh để răn đe, thậm chí đôi khi còn nể nang, xuê xoa nên các chủ đầu tư nhờn luật. Muốn ngăn ngừa tình trạng này cần làm gì?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục PCCC và CNCH: Việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC từ khi có Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ cũng như các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đã được toàn lực lượng PCCC triển khai thực hiện. Công tác xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về PCCC đã được đẩy mạnh và tăng dần qua các năm.

Từ năm 2012 đến nay, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC đã xử phạt tiền 112.854 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 180 tỷ đồng; xử phạt cảnh cáo 259 trường hợp. Tạm đình chỉ hoạt động 511 trường hợp, đình chỉ 256 trường hợp.

Ví dụ từ tháng 12-2016 đến tháng 9-2017 đã xử phạt 20.405 trường hợp vi phạm với tổng số tiền lên đến 48,4 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 1 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 258 trường hợp, đình chỉ hoạt động 173 trường hợp.

Xử phạt vi phạm hành chính đã và đang được tăng cường tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, tuy nhiên chế tài vẫn chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng ở việc xử phạt, tạm đình chỉ hoạt động mà chưa có chế tài cao hơn. Đề nghị các cơ quan chức năng ban hành các quy định và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm chứ không chỉ dừng đến lúc xảy ra hậu quả.

Công tác phòng cháy chữa cháy của Lực lượng PCCC hiện nay đang gặp những khó khăn gì?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH trả lời: Trong thời gian qua, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công An, lực lượng PCCC đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng cảnh sát PCCC đang gặp những khó khăn cụ thể sau:

1. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác PCCC còn hạn chế. Một số đơn vị chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC và CNCH; cá biệt, có nơi còn có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

2. Hành lang pháp lý về PCCC và CNCH hiện nay tương đối hoàn chỉnh tuy nhiên: Việc rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, do phải tuân thủ quy trình, quy định về thủ tục ban hành; Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC để giải quyết những cơ sở đặc thù tại các địa phương (Phố cổ, làng nghề truyền thống, tàu, thuyền du lịch biển…) chưa được quan tâm, chú trọng; Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về công tác PCCC và CNCH còn chậm, một số quy định còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện do hạn chế về nguồn kinh phí và điều kiện kinh tế, xã hội địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu: Quy định mức chi ngân sách địa phương cho hoạt động PCCC, mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó, đội dân phòng, đội PCCC cơ sở không chuyên trách; việc xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực (năm 2001)…

3. Công tác tuyên truyền mặc dù được quan tâm, chú trọng nhưng vẫn chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy nổ trong tầng lớp nhân dân. Ý thức PCCC của bộ phận quần chúng nhân dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, kiến thức về PCCC, giải pháp thoát nạn của người dân còn hạn chế. Phong trào toàn dân PCCC và CNCH, phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi còn mang tính hình thức, việc huấn luyện nghiệp vụ và trang bị phương tiện cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mực.

4. Các điều kiện hiện đại hoá lực lượng Cảnh sát PCCC còn nhiều bất cập: - Lực lượng Cảnh sát PCCC tuy đã được tăng cường nhưng mạng lưới đội chữa cháy, CNCH chuyên nghiệp còn ít, bán kính bảo vệ quá lớn so với tiêu chuẩn; quân số, biên chế của lực lượng PCCC còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra (Do chủ trương chung của Bộ về việc không tăng biên chế và mổ rộng mô hình, tổ chức)

Công tác đầu tư trang thiết bị phương tiện PCCC và CNCH chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phương tiện chữa cháy và CNCH rất lạc hậu, nhiều phương tiện sử dụng lâu năm, thường xuyên hỏng hóc, hiệu quả hoạt động kém; trang thiết bị bảo hộ cá nhân,bảo đảm an toàn cho CBCS trực tiếp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thiếu nghiêm trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo cháy sớm, tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, CNCH còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, mạng lưới các bể, trụ nước tại đô thị hiện nay còn thiếu, nhiều nơi bị hư hỏng… không đáp ứng được yêu cầu khi tổ chức chữa cháy. Công tác triển khai Đề án quy hoạch tổng thể về PCCC tại các địa phương triển khai còn chậm, chưa có sự rà soát, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho từng đơn vị…

Các vị khách mời trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. 

Mặc dù có những quy định về việc cấm kinh doanh, tổ chức chiết nạp ga trong các khu dân cư. Nhưng thực tế ở các TP lớn tình trạng này vẫn còn nhiều. Đây không khác gì quả bom nổ chậm giữa TP. Phải chăng cơ quan chức năng đã lơ là hay chế tài chưa đủ mạnh mới dẫn đến tình trạng này.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Trước hết, trên địa bàn TP Hà nội có 16 trạm sang chiết nạp gas được cấp giấy đủ điều kiện, 1.425 cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng trong đó 1.238 cơ sở đang hoạt động , 2 cơ sở thi công cải tạo, 164 cơ sở dừng hoạt động, 21 cơ sở giải thể. Trong đó, khoảng 75% cơ sở đang hoạt động nằm trong khu dân cư.

Thống kê trong năm 2016-2017, nguyên nhân cháy do gas gặp nguồn lửa là khoảng 2%. Người dân chủ yếu sử dụng gas để đun nấu nhưng có nhiều kiến thức chưa nắm được. Nhiều hộ mua hàng trôi nổi không đảm bảo khiến nguy cơ rò rỉ khí gas, gặp tia lửa nguồn nhiệt lập tức cháy nổ. Khi phát hiện ra có khí gas rò rỉ thì hết sức bình tĩnh. Không được phép làm phát sinh tia lửa điện, mở cửa thông thoáng đồng thời sử dụng quạt tay phảy hơi gas thoát ra ngoài. Nếu bình gas hở thì vặn bình và gọi cơ quan chức năng đến xử lý.

Theo như độc giả phản ánh về tình trạng sang chiết gas tràn lan, năm 2011 và 2012, chúng tôi đã phát hiện trường hợp sang chiết nạp gas trái phép. Từ năm 2013 trở lại đây chưa phát hiện sang chiết nạp gas tại cửa hàng, nơi ở. Nhưng về công tác quản lý, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất khi nhận được tin báo.

Rất mong muốn nhân dân khi phát hiện ra các cửa hàng trong khu dân cư sang chiết nạp gas trái phép báo ngay chính quyền và Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý. Việc sang chiết nạp gas thủ công trái phép sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể gây chết người.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Theo các vị khách mời chúng ta có cần thiết phải xây dựng ngay các  phương án, giải pháp phòng cháy, chữa cháy cho từng loại hình, cơ sở, hộ gia đình không ạ? Nếu có thì theo hướng nào?

* Ông Mai Quang Hùng: Theo tôi là cần thiết phải xây dựng ngay để đảm bảo an toàn PCCC trong cộng đồng.tuy nhiên vấn đề này để dành cho những nhà làm luật và các chính sách tham mưu cho chính phủ,

- Trước mắt cần tăng cường tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức để người dân và tổ chức hiểu và thấy trách nhiệm của mình để cùng thực hiện tốt công tác PCCN;

- Tăng cường kiểm tra và sử lý nghiêm các hộ gia đình và tổ chức cố tình vi phạm về các quy định PCCC;

- Đối với các công trình đang xây dựng dở dang cần kiểm tra và có biện pháp đình chỉ ngay những công trình mà chủ đầu tư không tuân thủ về các quy định PCCC, yêu cầu khắc phục đúng quy định mới cho nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng , đối với ngành điện chúng tôi kiến nghị với chính quyền địa phương không cấp điện cho nhưng cá nhân và tổ chức có công trình vi phạm, chỉ cấp điện khi các công trình vi phạm đã được chủ đầu tư khắc phục đủ điều kiện quy định về PCCC.

Một vấn đề bạn đọc quan tâm gửi nhiều câu hỏi về cho chương trình đó là nếu xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nặng cho các gia đình khác trong khu dân cư thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Vụ cháy cơ sở sản xuất áo quan làm 6 người chết ở TP Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH: Khi xảy ra cháy, nổ trách nhiệm chuyên ngành thuộc về cơ quan Cảnh sát PCCC, UNBD các cấp chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trên địa bàn (tại Điều 58 Luật PCCC năm 2001 quy định về cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, theo đó BCA chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy. UNBD các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương).

Trong đó trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương. Còn người chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ cơ sở; người gây ra cháy, nổ. Việc xác định người chịu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ phải căn cứ trên kết quả điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền.

Tùy vào mức độ thiệt hại do cháy, nổ gây ra thì người nào vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nếu vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS năm 1999, cụ thể: “Điều 240 BLHS năm 1999 quy định: 

Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy 

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm. 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ bảy năm đến mười hai năm. 

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”. 

Ngoài ra, người nào vi phạm quy định về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phải đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

BTV Báo Điện tử CAND xử lý các câu hỏi của độc giả gửi tới buổi tọa đàm.

Có một “lỗ thủng” pháp luật trong công tác PCCC. Nhà dân tuy cháy nhiều nhất nhưng khi cấp giấy phép xây dựng, Luật Nhà ở không quy định các điều kiện và quy chuẩn về PCCC như đối với các dự án đầu tư? Các vị khách mời có bình luận gì về nghịch lý này? Ngoài bất cập này còn những bất cập nào khác? 

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an: Với đặc trưng văn hoá của người Việt Nam, số lượng nhà đơn lẻ, nhà liền kề đang chiếm đa số loại hình nhà lưu trú. Theo số liệu của chúng tôi, tại Việt Nam hiện có 20 triệu hộ gia đình, với hơn 200.000 công trình được cấp phép xây dựng mới hàng năm.

Tuy nhiên, lượng công trình thuộc diện tổng duyệt về PCCC chỉ chiếm chưa đầy 4%. Đa số loại hình nhà này không thuộc diện đối tượng kiểm tra về an toàn PCCC căn cứ theo điều 15 Nghị định 79 ngày 31-7-2014. Bởi vậy, cơ quan chức năng không tiến hành tiền kiểm về an toàn PCCC của các loại hình công trình này mà chỉ tham gia hậu kiểm.

Hiện nay, theo Nghị định 79, cơ quan Cảnh sát về PCCC chỉ tiến hành thẩm duyệt an toàn PCCC đối với các khu dân cư mới được xây dựng. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ tiến hành thẩm duyệt an toàn PCCC về hạ tầng cơ sở, qua đó đối chiếu các yếu tố như hệ thống cấp nước chữa cháy, đường giao thông…

Đối với các khu công trình riêng lẻ thì chưa có quy chuẩn về PCCC, mới chỉ có các quy định về trách nhiệm của chủ hộ gia đình về an toàn PCCC. Bên cạnh đó, các công trình liền kề có diện tích nhỏ và kết hợp kinh doanh cũng đang cho thấy tình trạng bất cập. Bởi vậy, các cơ quan về PCCC sẽ tiếp tục nghiên cứu để sớm ban hành các văn bản nhằm nâng cao tiêu chí an toàn đối với các công trình này.

Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến.

Hà Nội là được mệnh danh là đất trăm nghề, những làng nghề truyền thống cũng tiềm ẩn rất cao nhiều nguyên nhân cháy nổ? Đề nghị các vị khách mời đánh giá thực trạng này ở Hà Nội như thế nào?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Về làng nghề, có thể nhắc lại rằng chúng ta có trên 1.000 làng nghề tại Hà Nội với 130 làng nghề có nguy hiểm về cháy nổ.

Về thực trạng công tác PCCC và CNCH tại các làng nghề này, chúng ta có thể thấy rằng:

Về giao thông: Tình hình giao thông hết sức bất cập, đường vào các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đa số là đường nhỏ, ngõ sâu. Có những đơn vị, thôn, xã vẫn còn để tình trạng cọc bê tông cắm giữa đường gây khó khăn cho công tác chữa cháy hay thậm chí là đưa người bị thương đi cấp cứu. Về vấn đề này, chúng tôi đã báo cáo Thành uỷ, HĐND thành phố Hà Nội và được sự chỉ đạo sớm triển khai tháo dỡ tất cả các cọc bê tông, barie tại cổng các khu vực dân cư.

Hiện nay, Hà Nội chỉ còn 4 cổng chào mà xe chữa cháy chưa vào được, các cổng chào này sẽ được tháo dỡ từ nay đến tháng 11. Tuy nhiên, do đường nhỏ, hẹp, việc tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về nguồn nước chưa cháy, hiện Hà Nội có hơn 3.000 trụ cấp nước chưa cháy, còn thiếu 3.000 trụ nữa so với tiêu chuẩn. Đối với các làng nghề thì nguồn nước chữa cháy còn khó khăn hơn do số trụ chỉ đáp ứng 25% nguồn nước, trong khi ao, hồ tại các khu vực này hoặc đã bị san lấp hoặc là gần như không thể tiếp cận. Chất chữa cháy hiệu quả nhất vẫn là nước nhưng chúng ta đang đang thiếu nước chữa cháy trầm trọng.

Về các hộ gia đình vừa ở vừa kinh doanh, có thể nói rằng, cơ sở của họ được xây dựng mang tính tự phát do yêu cầu của thị trường nên không có quy hoạch, trong khi việc thẩm duyệt về PCCC theo quy định của Luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình, thiết bị sản xuất tại các hộ gia đình còn lạc hậu, các hộ gia đình chủ yếu sản xuất tại nhà, với diện tích chật hẹp, nhiều nhà chỉ có một lối thoát hiểm, đồ đạc, nguyên vật liệu sắp xếp thiếu khoa học nên rất ảnh hưởng đến việc thoát nạn khi có cháy xảy ra. Việc sử dụng hệ thống điện trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình kết hợp ở với kinh doanh tại các làng nghề còn thiếu khoa học.

Các thiết bị điện, hệ thống đường điện, thiết bị bảo vệ điện chưa được thiết kế hợp lý và thường không được bảo trì theo định kỳ. Về ý thức, nhận thức của các hộ ở kinh doanh, có thể nói rằng, việc sử dụng các nguồn nhiệt để sấy, nấu nướng, đốt vàng mã… rất tuỳ tiện. Trong các làng nghề và cụm làng nghề thì khoảng cách an toàn giữa các hộ, các xưởng chưa được đảm bảo theo quy định dẫn đến cháy lan, cháy lớn khi có sự cố.

Ngoài ra, lực lượng PCCC tại chỗ chưa được đào tạo bài bản, mới được huấn luyện sơ sài về công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa cao, tỷ lệ trang bị máy bơm chữa cháy tại 130 làng nghề có nguy hiểm cháy chỉ chiếm 40%, còn lại chưa có máy bơm chữa cháy, mà chỉ có bình chữa cháy xách tay, vốn chỉ hiệu quả trong việc dập các đám cháy nhỏ. Thực trạng về xây dựng phương án phòng ngừa, tổ chức chữa cháy còn hạn chế. Các làng nghề có nguy hiểm về cháy đã có phương án và thực hiện diễn tập tương đối tốt, tuy nhiên, gần 1.000 làng nghề còn lại chưa có phương án cụ thể nên chưa chủ động trong công tác PCCC. 

Để phòng ngừa cháy nổ do điện, các biện pháp đảm bảo an toàn điện là gì?

* Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng công ty Điện lực miền Băc

 - Chúng tôi đề nghị và khuyến cáo người dân không nên tự thiết kế, thi công công trình điện trong gia đình mà nên thuê các đơn vị tư vấn có chức năng chuyên ngành về thiết kế và thi công điện dân dụng để thực hiện; công trình khi thi công xong phải được nghiệm thu đúng quy định đảm bảo an tuyệt đối an toàn mới đưa vào sử dụng;

- Lựa chọn các thiết bị sử dụng trong gia đình phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn kỹ thuật , có nhãn mác rõ ràng , có hợp chuẩn , hợp quy của các tổ chức kiểm định đo lường của nhà nước cho phép sử dụng;

- Nên sử dụng các loại bóng đèn Led thay thế cho bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng trong nhà;

- Không được dùng các loại giấy hoặc vải để bao bọc , che chắn bóng đèn , dây dẫn điện phải đảm bảo đủ tiết diện phù hợp với công suất sử dụng điện , không bố trí dây dẫn điện đi chung với các vật liệu dễ cháy nổ ;

- Khi đi ra khỏi nhà cần cắt điện ( APTOMAT, Cầu dao điện), khòng để các thiết bị điện ra nhiệt như bàn là , bếp điện …gần vật dễ cháy nổ , không cho người bị tâm thần hoặc mất hành vi sử dụng các thiết bị điện;

 - Hàng năm phải tổ chức kiểm tra , kiểm định các thiết bị điện và hệ thống dây dẫn trong nhà để kịp thời phát hiện những hư hỏng để kịp thời khắc phục và thay thế ;

 - Trong trường hợp người dân cần tư vấn thêm về an toàn điện có thể gọi điện trực tiếp đến Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty điện lực miền Bắc số điện thoại 1900-6769 chúng tôi sẫn sàng tư vấn 24/24h cho khách hàng hoàn toàn miễn phí về an toàn sử dụng điện trong gia đình...

BTV Báo Điện tử CAND xử lý các câu hỏi của độc giả gửi tới buổi tọa đàm.

Có một thực tế là không chỉ riêng ở địa bàn Hà Nội, hầu hết các khu đô thị trên cả nước người dân đều kết hợp nhà ở với sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như các khu phố cổ của Hà Nội hay phố Đê La Thành chuyên kinh doanh phế liệu, đồ gỗ, hàn xì sắt thép… chẳng hạn. 100% các nhà mặt phố đều sử dụng vừa ở vừa kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ. Việc quản lý những cơ sở này hiện nay như thế nào? Trách nhiệm của chính quyền cũng như lực lượng chức năng ra sao?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Số hộ nhà ống trên TP Hà Nội hiện nay là hơn 500.000, số hộ kết hợp ở và sản xuất, kinh doanh là trên 120.000 tập trung ở các quận nội thành chủ yếu. Về quản lý, chúng tôi làm tốt công tác điều tra cơ bản, đánh giá tình hình thực trạng, tập trung các biện pháp nghiệp vụ về PCCC và CNCH, tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm. Truyền tải bằng nhiều hình thức về PCCC cho các hộ kinh doanh đặc biệt các hộ kinh doanh trên mặt tiền các tuyến phố. Công tác này được thực hiện rất nghiêm túc.

Tiếp theo, phân ra và rà soát trong số các khu dân cư có 149 khu dân cư có nguy hiểm cháy nổ tại các quận nội thành. Từ việc xác định đó, tập trung các biện pháp và tổ chức xây dựng các phương án PCCC và CNCH các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ. Từ đó giúp chính quyền nắm được, tổ chức điều hành, giúp các tổ dân phố biết nguy cơ cháy nổ cao để tăng các biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ. Giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội huy động phương tiện, lực lượng khi có cháy nổ.

Tập trung thẩm tra kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện quy định về PCCC cho các chủ hộ, người đứng đầu các doanh nghiệp thuê mặt bằng trên các tuyến phố. Trong đó đặc biệt chú ý vấn đề điện như hướng dẫn các hộ chọn nguồn nguyên vật liệu về điện làm sao có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các thiết bị điện, thiết bị bảo vệ với các vật liệ dễ cháy như quần áo, hàng hóa…

Ví dụ như tại các cửa hàng, gần như 100% cửa hàng có bát hương thờ thần tài. Tuy nhiên, yêu cầu bố trí đúng khoảng cách để không ảnh hưởng đến xung quanh khi thắp hương thờ cúng. Cách đây khoảng 5-7 năm, tình trạng hóa vàng trên các tuyến phố nhiều nhưng hiện nay đã hạn chế nhiều. 

Chúng tôi đánh giá, lực lượng tại chỗ đã xử lý được 50% số vụ cháy xảy ra tại cơ sở, nhà của mình. Cuối cùng, việc hướng dẫn sắp xếp hàng hóa trong cửa hàng đã có nhiều chuyển biến như không sắp xếp hàng kín chỗ thoát nạn, khoảng cách hàng hóa… Đối với các hộ gia đình có lồng sắt ban công đã bố trí thêm cửa ở lồng sắt để thoát nạn. Tỷ lệ thực hiện các quy định về PCCC đã chiếm đến tỷ lệ 65%. Ngày 19-8 vừa qua, đã tham mưu cho TP Hà Nội kế hoạch 219 về rà soát kiểm tra nhà ở, nhà… đánh giá toàn diện hơn các quy định về PCCC và đề ra giải pháp cho các khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, thực trạng các vụ tai nạn lao động xảy ra như thế nào? Ông có thể chia sẻ một vài số liệu trong những năm gần đây?

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc EVN: Là một trong những Tổng Công ty lớn nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, hoạt động trên 27 tỉnh thành miền Bắc (trừ Hà Nội), từ miền biển, hải đảo, trung du đến miền núi, địa bàn phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.

Toàn Tổng công ty có 27.778 cán bộ công nhân viên. 22.000 nhân viên trực tiếp làm các công việc nặng nhọc. Một ngày có hơn 1.000 người làm việc trên lưới điện, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất lớn. Tổng Công ty đã tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện thường xuyên về an toàn lao động. Tuy nhiên trong những năm gần đây vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc, nguyên nhân chính là do lỗi của người lao động không tuân thủ các quy định, quy trình an toàn lao động.

Năm 2015 trở về trước, xảy ra 15-16 vụ tai nạn lao động, làm thương vong khoảng hơn 10 người. 2016 trở lại đây, nhờ áp dụng nhiều biện pháp trong an toàn lao động, nên chỉ xảy ra 3 vụ tai nạn lao động, làm chết 1 người, bị thương 2 người. Giảm 77% số vụ và 84% số người chết so với các năm trước đó. 10 tháng đầu năm 2017, xảy ra hai vụ tai nạn lao động nhẹ.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội

Qua thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn hàng trăm ngàn điểm có nguy cơ cháy nổ. Mời đại diện PCCC Hà Nội cung cấp rõ hơn cho bạn đọc về thực tế này?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: 

Về công tác quản lý PCCC và CNCH tại Hà Nội, chúng tôi có thể cung cấp số liệu như sau: Toàn thành phố Hà Nội có trên 40.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó 8.270 cơ sở có nguy cơ, nguy hiểm về cháy nổ.

Trong số 40.000 cơ sở thuộc diện quản lý có 1.000 công trình nhà cao tầng; gần 2.000 cơ sở kinh doanh văn hoá, karaoke; 86 khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trên 1000 làng nghề truyền thống; khoảng 3.000 khách sạn, nhà lưu trú; hơn 2.000 cửa hàng kinh doanh ga, xăng dầu, khí đốt. Bên cạnh đó là 1.155 chợ; 188 cơ sở hóa chất; 1.132 kho hàng, bãi xưởng sản xuất; và 8.699 xưởng sản xuất nhỏ.
Về dân cư, Hà Nội hiện có 1.900.000 hộ gia đình, trong đó có tới hơn 500.000 là nhà ống, 120.000 hộ kinh doanh, kết hợp với nhà nghỉ.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Những khó khăn trong khi chữa cháy nhà nhà trong khu dân cư hiện nay là gì thưa ông?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH: Có thể khẳng định, hai lí do gây khó khăn lớn nhất khi chữa cháy tại khu dân cư đó là cơ sở hạ tầng giao thông và nguồn nước chữa cháy. Đối với hệ thống giao thông trong khu dân cư rất phức tạp, đặc biệt là các đô thị, nhiều ngõ ngách, nhỏ hẹp, nhiều tuyến đường dân tự ý xây các cột bê tông chắn ngang nên xe chữa cháy không đi vào được.

Bên cạnh đó, đường dây điện chằng chịt, các nhà xây mái che cũng khiến xe chữa cháy khó khăn trong quá trình di chuyển. Tình trạng kẹt xe, ý thức của người tham gia giao thông kém, khi xe chữa cháy di chuyển đến nơi xảy ra cháy rất khó khăn vì nhiều người không nhường đường. Nguồn nước trong thời gian vừa qua cũng được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy, nhiều sông hồ bị lấp đi, không được quan tâm đầu tư, xe chữa cháy mất nhiều thời gian đi lấy nước dẫn đến hiệu quả PCCC giảm. Các nhà ở liền kề, kết hợp sống và kinh doanh, có nhiều vật liệu gây cháy nên khi xảy ra cháy nổ đám cháy lan rất nhanh. Ngoài ra, đặc thù các vụ cháy nhà dân thường xảy ra vào ban đêm, rất khó phát hiện hoặc phát hiện muộn, dẫn đến không chữa cháy kịp thời. 

Được biết, một trong nguyên nhân làm gia tăng vụ số vụ cháy nhà dân xảy ra trong thời gian qua là công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được pháp luật quy định. Đây là một bất cập. Xin hỏi đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tại sao lại có sự vô lý này?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH: Phải khẳng định rằng công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 58 Luật PCCC, Điều 18, Điều 56 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC ở địa phương, Điều 5 Luật PCCC quy định cụ thể trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC, Điều 5 và Điều 48 Luật PCCC, Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC và kiểm tra an toàn PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC). 

Cái thiếu là các tiêu chuẩn, chưa đi vào bắt buộc; một số quy định trong quy chuẩn này không phù hợp với thực tế, nhưng chưa được chỉnh lý, sửa đổi kịp thời, gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện… đây là lỗ hổng về việc bảo đảm an toàn về PCCC đối với các loại hình này và cần sự đồng thuận của người dân. 

C66 đã đưa ra bộ tiêu chí hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, hộ gia đình (ngày 24/7/2017, Bộ Công an ban hành Công văn số 1659/BCA-C66), khi bộ tiêu chí này đi vào nhận thức người dân sẽ tiếp tục nâng lên thành tiêu chuẩn, quy chuẩn và thông tư quy định về vấn đề này nhưng phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân và theo lộ trình để người dân có sự chuẩn bị.

Được biết, một trong nguyên nhân làm gia tăng vụ số vụ cháy nhà dân xảy ra trong thời gian qua là công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được pháp luật quy định. Đây là một bất cập. Xin hỏi đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tại sao lại có sự vô lý này?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Liên quan đến số nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, trong suốt quá trình thời gian triển khai, UBND các cấp TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp đến với nhân dân công tác PCCC. Đồng thời tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng thoát nạn thoát hiểm, nâng cao ý thức nhân dân về thực hiện các quy định về PCCC. UBND và chính quyền các cấp đã tổ chức kiểm tra thanh tra hướng dẫn và xử lý các vi phạm về PCCC đối với hộ gia đình và hộ kết hợp với sản xuất kinh doanh. Bước đầu đã đi vào nề nếp.

UBND TP đã đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC với lượng kinh phí rất lớn khoảng 130.000 tỷ đồng. UBND các cấp cũng đã đầu tư đã trang bị, đầu tư trang thiết bị PCCC tại các khu dân cư lên đến vài trăm tỷ đồng. Đặc biệt phối hợp tổ chức chỉ đạo diễn tập, thực tập PCCC các khu dân cư một cách rất trách nhiệm. Từ đó góp phần giảm nguy cơ cháy so với các năm về trước.

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục PCCC và CNCH.

Qua thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn hàng trăm ngàn điểm có nguy cơ cháy nổ. Mời đại diện Cục C66 và PCCC Hà Nội cung cấp rõ hơn cho bạn đọc về thực tế này?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục PCCC và CNCH: Trên toàn quốc theo từng địa phương và số lượng các cơ sở đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ. Vì vậy, Cục đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, mở rộng tuyên truyền hướng dẫn người dân ngay cả cháy nổ trong nhà. Khi có cháy nổ người dân có kỹ năng thoát nạn. Còn tại các cơ sở, Cục đã có chỉ đạo cụ thể xuống từng địa phương tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn trong thời gian tới. 

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: Đối với Hà Nội, qua công tác điều tra, quản lý, giám sát nắm tình hình, hiện nay có trên 40.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong đó, có khoảng 8.270 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ và gần 1.000 các công trình nhà cao tầng, 2.000 các cơ sở dịch vụ văn hóa giải trí và karaoke; 86 khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trên 1.000 làng nghề truyền thống, 3.000 khách sạn nhà nghỉ, cửa hàng xăng dầu là khoảng gần 2.000, chợ trung tâm thương mại là 1.155, cơ sở hóa chất là 188, kho hàng bãi xưởng sản xuất là 1.132, xưởng sản xuất nhỏ là 8699. Các khu dân cư có khoảng 1.900.000 hộ ở toàn thành phố, trong đó có khoảng 500.000 nhà ống và khoảng 120.000 hộ kinh doanh và kết hợp với ở.

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc EVN

Qua thống kê hầu hết các vụ cháy nhà trong khu dân cư là do chập điện. Ông cho biết đâu là nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ tại các hộ gia đình?

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc EVN:

1. Người dân chưa tuân thủ các quy định, trong xây dựng công trình mới, người dân tự lắp đặt và thiết kế đường điện, không có lực lượng chuyên ngành hướng dẫn.

2. Thường sử dụng thiết bị điện không đảm bảo chất lượng, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

3. Trong quá trình sử dụng không tuân thủ quy định về an toàn chất lượng, không kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ hàng năm, nhiều người chỉ biết sử dụng từ lúc mua đến lúc hỏng.

Thực trạng các vụ cháy nổ nhà trong khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội? Nguyên nhân của các vụ cháy?

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Tôi đồng tình với đánh giá thực trạng cháy nổ trên cả nước, đối với địa bàn Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 749 vụ cháy, 8 vụ cháy thiệt hại về người, 20 vụ cháy rừng, chiếm 55% cháy dân cư, thiệt hại 20 người chết, 10 người bị thương, 400 tỉ đồng, 55 hecta rừng bị thiệt hại.

Qua các vụ cháy cho thấy nguyên nhân chính bao gồm:
1, Cháy do đường dây dẫn điện đã sử dụng lâu năm dưới tác động của mưa nắng, công suất tiêu thụ điện tăng, dẫn đến quá tải, chiếm 60%; c
2, Chập các thiết bị tiêu thụ điện như tủ lạnh, tivi, nồi cơm điện… chiếm khảng 5%;
3, Các mối nối dây dẫn điện dẫn đến phóng điện, hồ quang điện dẫn đến cháy, chiếm 10%;
4, Sơ xuất, bất cẩn khi sử dụng điện, lửa đốt cháy, chiếm khoảng 5%;
5, Do mâu thuẫn, đốt, tự đốt, chiếm tỉ lệ tương đối cao, 10%;
6, Do sét đánh, chiếm 1%;
7, Do hút thuốc lá, trẻ em nghịch lừa, chiếm 2%;
8, Do sự cố kĩ thuật máy móc gây cháy, chiếm 3%;
9, Do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh, gây cháy; 

Đặc biệt, ý thức, nhận thức, trách nhiệm của chủ hộ gia đình và của nhân dân về PCCC vẫn còn hạn chế; không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện; một nguyên nhân nữa là vai trò, trách nhiệm của các người đứng đầu, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nhất là trong việc sản xuất nhỏ và vừa, các quy định về PCCC chưa thực sự có trách nhiệm, dẫn đến các vụ cháy thực sự thương tâm và chúng tôi thực sự chia sẻ về các vụ cháy; trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện luật PCCC đến nhân dân tuy đã quyết liệt nhưng vẫn ở trong phạm vi nhất định.

Các vị khách mời tại buổi tọa đàm.
Những năm gần đây hỏa hoạn, cháy nổ không chỉ gây bao thảm cảnh cho các gia đình mà còn là lời cảnh báo về sự bất cẩn, lơ là, ý thức chủ quan của con người trước nguy cơ cháy nổ. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH có thể đánh giá thực trạng công tác PCCC – CNCH nói chung, cháy nổ trong khu dân cư nói riêng trong thời gian gần đây như thế nào?

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH: Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 3089 vụ cháy, trong đó có 968 vụ cháy ở các hộ gia đình, làm chết 65 người, bị thương 105 người, thiệt hại về tài sản là 57 tỷ đồng. Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và thiệt hại.

Về nguyên nhân, có thể nói đến sự phát triển nhanh chóng của các loại hình kinh doanh ở hộ gia đình. Bên cạnh đó, diễn biến cực đoan của thời tiết cũng khiến các vụ cháy có hậu quả lớn hơn.

Qua số liệu nêu trên, chúng ta có thể thấy tình hình cháy nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (hơn 50%) và thiệt hại về người, tài sản (83%). Các vụ cháy nhỏ lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.

Bên cạnh đó, trên thực tế, chúng ta cũng có thể thấy rằng, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cấp uỷ chính quyền còn buông lỏng, chưa được chú trọng, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này, ý thức về PCCC của chủ hộ gia đình, người dân chưa cao, còn chủ quan, mất cảnh giác; kiến thức về PCCC, thoát nạn còn hạn chế.

Việc thành lập, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả; chưa bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư trang bị phương tiện PCCC và bảo đảm cho lực lượng này hoạt động trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở.

Đúng 9h, 3 vị khách mời gồm: Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội; Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH; Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc EVN đã có mặt tại Phòng trực tuyến Báo CAND để trả lời các câu hỏi của độc giả.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên tặng hoa các vị khách mời dự buổi tọa đàm. 

Dự buổi tọa đàm về phía Báo CAND có Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

Những năm gần đây hỏa hoạn, cháy nổ không chỉ gây bao thảm cảnh cho các gia đình mà còn là lời cảnh báo về sự bất cẩn, lơ là, ý thức chủ quan của con người trước nguy cơ cháy nổ.

Thống kê của các cơ quan chức năng trong 10 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hơn 17.000 vụ cháy nổ, làm chết 688 người, làm bị thương 1.848 người. Bên cạnh nỗi đau đớn mất mát về con người, cháy nổ cũng cướp đi ít nhất gần 5 nghìn tỷ đồng. Tính trung bình mỗi năm cả nước có hơn 60 người chết vì cháy nổ và thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do hỏa hoạn.

Các vụ cháy nổ nhà dân trong các khu dân cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản ngày càng gia tăng về số vụ và mức độ thiệt hại. Đáng báo động, những vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng với mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Trong khi công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được pháp luật quy định cụ thể thì ý thức phòng ngừa cháy nổ của nhiều hộ gia đình lại rất kém.

Nhằm đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân, phân tích các bất cập trong công tác quản lý nhà nước và trong thực tiễn; đề xuất các giải pháp trong phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy nhà trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác này PCCC và cứu nạn cứu hộ, Báo CAND tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư".

Cuộc tọa đàm sẽ có sự tham gia của các khách mời đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an; PCCC Hà Nội, một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn Hà Nội.

Kính mời độc giả quan tâm gửi câu hỏi cho các vị khách mời đến  địa chỉ email: candonline@gmail.com.

Báo điện tử CAND
.
.
.