Mạnh tay xử phạt chủ trang trại và hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm

Thứ Ba, 31/05/2016, 08:57
Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng đã phát hiện, xử phạt các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm tại những vùng chăn nuôi trọng điểm. Ngoài phạt tiền và đình chỉ sản xuất có thời hạn, các DN vi phạm còn bị xử phạt bổ sung là buộc thu hồi sản phẩm thức ăn nhiễm chất cấm.

Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tỉnh Bình Dương đã triển khai ký cam kết “nói không với chất cấm” đối với các trang trại chăn nuôi heo, các thương lái giết mổ heo ở các cơ sở giết mổ trên địa bàn. 

Ngoài ra, Chi cục Thú y Bình Dương cũng đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi – thú y, an toàn thực phẩm… 

Tiến hành kiểm tra tại 20 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; và tiến hành lấy 36 mẫu thuốc thú y, 18 mẫu thức ăn chăn nuôi để phân tích. 

Kết quả cho thấy tất cả các mẫu thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi đều âm tính với chất cấm Beta - agonist. 

Tuy vậy,  các đợt kiểm tra việc sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi sau đó vẫn cứ phát hiện heo nhiễm chất cấm. 

Cụ thể trong đợt đầu, với 70 mẫu nước tiểu heo và mẫu thức ăn được lấy từ 36 cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn 9 huyện, thị vẫn có 2 mẫu nước tiểu của 2 cơ sở chăn nuôi heo dương tính với chất cấm. 

Đợt tiếp theo, Chi cục Thú y Bình Dương lấy 55 mẫu nước tiểu heo và 17 mẫu thức ăn tại 55 cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn cũng lại phát hiện có 3 mẫu nước tiểu ở 2 trại heo dương tính với chất cấm. 

Lấy mẫu nước tiểu heo để kiểm tra việc sử dụng chất cấm tại một trang trại.

Kết quả phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT để kiểm tra tại các cơ sở giết mổ, với 10 mẫu nước tiểu heo lấy từ 10 hộ giết mổ cũng lại phát hiện tới 5 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol. 

Theo Chi cục Thú y Bình Dương, nguồn gốc số heo có sử dụng chất cấm chủ yếu được đưa về từ Đồng Nai và Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng thực trạng hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm là nỗi đau của ngành chăn nuôi địa phương này. 

Theo ông Công, Đồng Nai được xem là thủ phủ của ngành chăn nuôi đặc biệt là số lượng đàn heo đứng đầu cả nước, nên việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều hộ chăn nuôi thậm chí là trang trại chăn nuôi quy mô lớn thời gian qua thực sự đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Vì vậy, cần lên án đối với những chủ hộ, chủ trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

Để hạn chế tình trạng này, theo ông Công, các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc nắm bắt được số lượng số hộ và trang trại chăn nuôi tại từng địa phương tạo thuận lợi trong việc kiểm tra giám sát nguồn thức ăn hằng ngày. Nếu phát hiện trang trại hay hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm cần có biện pháp kiên quyết là rút giấy cấp phép chăn nuôi của trang trại cũng như cưỡng chế với hộ chăn nuôi dùng chất cấm. 

Bởi theo ông Công, nguyên nhân chủ yếu trong việc nhiều hộ lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian qua là cơ chế xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó từ ngày 1-7 tới đây, khi BLHS sửa đổi có hiệu lực, mức phạt cao kèm theo chế tài hình sự có tính răn đe cao nên ông Công tin chắc là việc sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi mới có thể chấm dứt hoàn toàn.

Đ.Thắng
.
.
.