Mắc nợ vì... nhận quà “trúng thưởng”
- Lừa trúng thưởng qua mạng sẽ phải chịu án phạt nào?
- Khách hàng liên tiếp trúng thưởng chục triệu khi uống Trà thanh nhiệt Dr Thanh
- Lừa đảo trúng thưởng từ facebook “GoiquaFB2018”
Sau nhiều lần đắn đo, ngày 11-9 vừa qua, chị Nguyễn Thị H (TP Quy Nhơn) mới tìm đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định trình báo về trường hợp mình bị lừa.
Theo lời trình bày, ngày 10-9, trên Facebook con trai của chị có nick name "Trình Nguyễn" nhận một tin nhắn qua Messenger với nội dung "Được 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu, 1 xe máy hiệu SH 125i” và không quên chúc mừng chủ nhân may mắn trúng thưởng giải nhất của sự kiện trên.
Để làm tin, trang mạng còn chụp phiếu trúng thưởng gửi kèm và khẳng định đây là giải thưởng do Tập đoàn Facebook tổ chức. Khi vào trang Google và gõ tìm kiếm "traogiaiVN28.com" thì thấy phiếu trúng thưởng có tên con mình. Liên hệ tổng đài CSKH (08)9987... thì cũng xác nhận kết quả.
Phiếu trúng thưởng đối tượng lừa đảo gửi cho con chị H. |
Con trai chị khi nhận thông báo cũng đã có niềm tin... tuyệt đối vì gia nhập “làng Face” đã lâu. Theo hướng dẫn, đầu tiên con trai xin chị 3 triệu mua toàn bộ card điện thoại Viettel nộp vào tài khoản trên trang Facebook mà đối tượng đã cho sẵn. Sau khi đã nộp xong thì một số điện thoại khác gọi đến báo "đã nộp tiền để làm hồ sơ gốc thành công".
Đồng thời tiếp tục thông báo phải nộp thêm 10% (tức 20 triệu) để nộp thuế thu nhập cá nhân. Sau khi làm theo hướng dẫn thì đối tượng bảo muốn kích hoạt được 6 mã số trúng thưởng thì phải nộp tiếp 36 triệu đồng. Cũng may chị H bừng tỉnh đúng lúc, không nộp tiền theo yêu cầu, gọi đến những số điện thoại trước đó thì không liên lạc được. Trang Facebook ngay lập tức cũng bị xóa, không vào được.
Không riêng gì chị H, trước đó, chị Mai Xuân T (xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) cũng đến Công an huyện trình báo về website thông báo trúng thưởng giải nhất trong “Tuần lễ vàng” của Tập đoàn Facebook gồm 1 chiếc xe máy hiệu SH 125i trị giá 81 triệu đồng, 1 thẻ mua sắm trị giá 200 triệu và 1 năm sử dụng xăng miễn phí của một nhà mạng.
Muốn nhận giải thưởng cùng phần quà nói trên, theo hướng dẫn chị T đã nộp 2 lần với số tiền 17 triệu đồng. Theo yêu cầu, chị phải nộp nhiều khoản tiền nữa nhưng chị đã không làm theo thì trang mạng này đã bị khóa không thể liên lạc được.
Tương tự, bà T (trú làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh), bà Đặng Thị L (xã Mỹ Tài), bà Nguyễn Thị T (xã Mỹ Cát, cùng huyện Phù Mỹ) dù người thân cản ngăn nhưng với sức hấp dẫn của giải thưởng, vẫn lén lút mượn tiền thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo để rồi phải "tiền mất, nợ mang".
Thời gian qua, dù đã được các cơ quan chức năng thông báo về phương thức lừa đảo này nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định đã tiếp nhận nhiều tin báo của bị hại về việc bị lừa trúng thưởng rồi nộp lệ phí trúng thưởng qua mạng xã hội nhằm vào những người nhẹ dạ, cả tin để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (nay là Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) và Công an một số địa phương trong nước đã triệt phá, bắt hàng chục nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Facebook, Zalo...
Phương thức hoạt động của các đối tượng là dùng tài khoản Facebook tự lập ra hoặc hack của người khác để gửi tin nhắn trúng thưởng thu hút người truy cập vào các trang web giả mạo.
Các trang này yêu cầu khách hàng nhập thông tin cá nhân như số CMND, năm sinh, địa chỉ, tài khoản mật khẩu Facebook và gửi số cào điện thoại để làm hồ sơ nhận thưởng với đủ lý do để bắt khách hàng nộp tiền.
Khi không thể lừa khách hàng được nữa thì chúng khóa tài khoản, hủy sim, số điện thoại đã dùng để liên lạc trước đó tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng.
Thượng tá Trần Cao Hiệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua mạng, người tham gia các trang mạng xã hội tuyệt đối không khai báo bất kỳ thông tin cá nhân, không cung cấp tài khoản, mật khẩu Facebook trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội.
Nếu không, đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng chính các thông tin để chiếm đoạt tài khoản, sau đó dùng tài khoản này tạo niềm tin để đi lừa những người thân có trong danh sách tài khoản. Người dân không nên tin và truy cập các trang web, đường link từ những tin nhắn trúng thưởng, không thực hiện hướng dẫn nộp tiền mặt để lĩnh thưởng vì đây là những hình thức lừa đảo.