Người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2025 trở đi:

Lương hưu mới tính trên bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH

Thứ Ba, 27/01/2015, 08:19
Đây là khẳng định của bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ LĐ-TB&XH khi thông tin về những điểm mới trong BHXH năm 2014. Theo đó, ngoài vấn đề mở rộng đối tượng, thay đổi thời gian đóng, hưởng, cách chi trả tiền hưu trí… Luật BHXH năm 2014 cũng đã bổ sung một số điểm mới so với Luật BHXH hiện hành liên quan tới chế độ thai sản của lao động (LĐ) nữ mang thai hộ và LĐ nữ nhờ mang thai hộ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến lo lắng của rất nhiều người lao động về mức lương hưu của họ sẽ bị giảm khi áp dụng Luật BHXH mới, bà Nga khẳng định, mọi người có thể yên tâm là từ 1/1/2025 trở đi, khi đã thực hiện một cách trơn tru về mức đóng BHXH trên toàn bộ thu nhập theo đúng điều 90 của Luật Lao động (theo lộ trình áp dụng từ 2018), mức lương hưu mới tính bình quân cả quá trình đóng BHXH.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội.

Còn trước thời điểm này, Luật BHXH mới đưa ra lộ trình cụ thể mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người LĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định như sau: Đối với người bắt đầu tham gia BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn tính bình quân 5, 6, 8 năm hoặc 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như Luật BHXH năm 2006; đối với người bắt đầu tham gia từ 1/1/2016 đến 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2020 đến 31/12/2024, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Như vậy, chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH từ trước ngày 1/1/2016 thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016, Luật BHXH mới có hiệu lực, thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước. Ngoài thay đổi thời gian đóng, hưởng, cách chi trả tiền hưu trí… Luật BHXH năm 2014 cũng đã bổ sung, mở rộng thêm đối tượng tham gia vào BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Một điểm mới đáng lưu ý nữa, với BHXH bắt buộc yêu cầu mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng là: Người làm việc có hợp đồng từ 1 đến 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn; người LĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép LĐ. Điều nhiều người quan tâm là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sắp tới sẽ được triển khai theo hướng nào?

Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, sẽ mở rộng theo hướng không khống chế tuổi trần, LĐ tham gia ở độ tuổi nào cũng được, có thể đóng 1 lần cho nhiều năm, miễn là đóng BHXH đủ 20 năm thì sẽ được hưởng lương hưu. Hiện cả nước mới chỉ có 11 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đa phần là số người đã tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ thời hạn để hưởng lương hưu chuyển sang. Số lượng lao động nông nghiệp gần như chưa tham gia, vì vậy mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tới đây sẽ phải tập trung chủ yếu vào đối tượng này.

Theo bà Nga, để huy động nông dân tham gia BHXH, Luật cũng đã hạ mức đóng bằng mức chuẩn nghèo, thay vì mức đóng dựa trên mức lương tối thiểu chung là 1.150.000 đồng như trước đây. Về cơ bản, Nhà nước sẽ có tính toán, hỗ trợ bằng tiền mặt với nhóm đối tượng này. Mức hỗ trợ như thế nào thì Chính phủ sẽ phải tính toán và sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể. Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, hiện nay chỉ có trên dưới 20% tổng lực lượng LĐ tham gia BHXH.

Ngoài vấn đề giảm mức đóng để “kéo” nông dân, LĐ tự do tham gia BHXH, Luật BHXH năm 2014 cũng có bổ sung một số điểm liên quan tới chế độ thai sản của LĐ nữ mang thai hộ và LĐ nữ nhờ mang thai hộ. Bà Nga cho biết thêm: LĐ vẫn được nhận tiền trợ cấp thai sản như bình thường, về thời gian nghỉ thai sản vẫn phải đảm bảo mức tối thiểu là 4 tháng, tối đa là 6 tháng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người LĐ nữ mang thai hộ. Trong trường hợp LĐ nữ nhờ mang thai hộ muốn tiếp nhận con sớm hơn (dưới 6 tháng) thì đơn vị BHXH cũng sẽ căn cứ vào đó để tính thời gian hưởng chế độ thai sản và thời gian nghỉ thai sản với LĐ nữ mang thai hộ và cả LĐ nữ (mẹ) nhờ mang thai hộ. Lúc này, nếu tiếp nhận con từ LĐ nữ mang thai hộ, LĐ nữ nhờ mang thai hộ sẽ được hưởng chế độ thai sản, thời gian nghỉ thai sản như với  trường hợp LĐ nữ nhận con nuôi. Nếu cả hai cùng tham gia BHXH thì cả hai đều sẽ được hưởng trợ cấp thai sản, thời gian nghỉ thai sản như quy định của Luật BHXH.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Ảnh: Quảng Minh.

Ngoài ra, Luật BHXH cũng quy định với trường hợp LĐ nữ khi mang thai mà phải nghỉ việc để dưỡng thai chỉ cần đóng BHXH đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thay vì phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con như Luật BHXH hiện hành. Luật BHXH năm 2014 cũng quy định tăng quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở thay vì mức tính 25% như Luật BHXH hiện hành.

Thu Uyên
.
.
.