Loay hoay với công nghệ xử lý rác thải hiện đại
- Cần có giải pháp đồng bộ xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở Hưng Yên
- Qui định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt
- Lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa không ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt TP Đà Nẵng
Quá tải về rác thải khiến việc xử lý rác để lại nhiều hệ lụy như khoảng 2/3 lượng rác thải phải tập trung về bãi rác Đa Phước gây quá tải cho tuyến vận chuyển và quá trình xử lý.
Tại khu xử lý rác thải Tây Bắc ở huyện Củ Chi, dù xử lý không được nhiều, nhưng Công ty CP Vietstar đã phải thay đổi công nghệ, tích hợp thêm công nghệ đốt rác phát điện nên thường xuyên gây ô nhiễm cho khu dân cư trong quá trình xử lý.
Để theo dõi tình trạng ô nhiễm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước, ngoài yêu cầu chủ đầu tư thực hiện một loạt biện pháp khắc phục, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố cũng đã phải huy động chính quyền quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh bố trí nhân lực khảo sát, đánh giá mùi hôi trên địa bàn; ghi nhận phản ánh của người dân về mùi hôi; thống kê thông tin để chuyển tới ban quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải.
Gần đây, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước mới tiến hành lập dự án đầu tư đổi mới công nghệ từ chôn lấp hợp vệ sinh sang xử lý đốt rác để phát điện, ủ kị khí kết hợp với sản xuất khí gas.
Lãnh đạo thành phố thị sát nhà máy xử lý rác - điện bằng công nghệ nội địa. |
Trước thực trạng xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh để lại nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã chủ trương đổi mới công nghệ xử lý rác thải tại thành phố.
Năm 2017, Công ty Môi trường đô thị thành phố đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy xây dựng nhà máy điện - rác Gò Cát bằng công nghệ đốt rác để sản xuất điện do chính Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu, chế tạo.
Tháng 4-2017, dự án đã được đưa vào vận hành và hòa lưới điện quốc gia. Theo ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy, công nghệ điện - rác của DN thực hiện chuyển hóa chất thải từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy.
Gồm 3 công đoạn là xử lý tiền chế, khí hóa để lấy nguồn năng lượng sạch đưa vào sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện. Dây chuyền công nghệ vận hành hoàn toàn tự động, khép kín, quá trình khí hóa trong điều kiện thiếu oxy nên không phát thải, không ảnh hưởng đến môi trường.
Với ưu thế trên, công nghệ điện - rác này đã giúp thành phố tìm được giải pháp trong xử lý rác thải, nhất là khi xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại tại nguồn. Tuy vậy từ đó đến nay, thành phố đã không có thêm dự án nào khác được xây dựng theo công nghệ này.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đầu tư công nghệ để biến rác thải thành điện năng. Khi TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này, có rất nhiều nhà đầu tư tham gia giới thiệu về công nghệ xử lý rác hiện đại.
Nhưng từ khi thành phố tiến hành chọn nhà thầu tư vấn đến lúc có thể chọn được nhà đầu tư thời gian rất dài, ít nhất cũng phải đến giữa năm 2020 mới có thể khởi động dự án.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT thành phố, tổng thời gian tiến hành của 3 bước đấu thầu kéo dài đến 768 ngày. Trước thực trạng này, thành phố đã yêu cầu trong 3 công đoạn này, phần nào có thể rút ngắn được sẽ rút ngắn tối đa. Sau khi lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, thời gian để tiến hành 3 bước đấu thầu xử lý rác thải thành điện năng cũng vẫn còn kéo dài đến 541 ngày và hiện phải chờ các cơ quan phê duyệt.
Theo ông Thắng, ở bước đấu thầu đơn vị tư vấn cho thành phố trong lĩnh vực này, sau 135 ngày đã có 10 đơn vị tham gia. Nhưng khi mở thầu xong, cả 10 đơn vị này đều xin rút hết với lý do không thể tham gia với mức kinh phí do thành phố đưa ra. Để gỡ vướng trong tìm nhà thầu tư vấn, thành phố đã cho phép mời thầu tư vấn không dựa theo giá chào thầu mà theo tiêu chí để lựa chọn.
Sau khi thông báo mời thầu lại, ngày 19-5 vừa qua, Sở TN - MT thành phố đã mở thầu được gói tư vấn, hiện kết quả đang chờ được thành phố phê duyệt.
Ông Thắng cho biết thêm, đầu tháng 7 tới, Sở TN - MT và nhà thầu tư vấn sẽ đưa ra được thông tin rộng rãi việc lựa chọn sơ tuyển đối với các nhà thầu muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến rác thải thành điện.
Thời gian sơ tuyển với các nhà đầu tư cũng sẽ được thành phố cho rút ngắn từ 160 ngày xuống còn 110 ngày. Sau công đoạn sơ tuyển, thành phố sẽ lựa chọn được danh sách rút gọn các nhà đầu tư có năng lực và phù hợp với yêu cầu của thành phố. Tiếp đó, quá trình tổ chức xét chọn công nghệ của nhà đầu tư cũng sẽ được rút gọn xuống còn 90 ngày.
Như vậy, tính cả thời gian hoàn thiện thủ tục và đầu tư xây dựng, để một dự án xử lý rác thải hiện đại đi vào hoạt động, ít nhất cũng phải mất vài ba năm nữa, trong khi đó công nghệ rác - điện nội đã có sẵn trên không được phát huy, mở rộng. Đây là một nghịch lý khi lượng rác thải sinh hoạt tại thành phố đang tăng nhanh và tiếp tục gây ô nhiễm từng ngày.