Liên tiếp lật tẩy nhiều vụ thực phẩm “bẩn”
- Tem giả và thuốc kích thích cây trồng không chứng từ qua cửa khẩu
- 2 chất độc hại trong mẫu giám định của lô thuốc kích thích rau mầm
- Sử dụng thuốc kích thích "vươn cành" cho rau: Hậu quả khôn lường
Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, liên tiếp những ngày cuối tháng 4 năm 2016, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó cảnh báo tình trạng thực phẩm “bẩn” đang hiện hữu những thức ăn bình thường mà hàng ngày con người vẫn vô tư sử dụng.
Cụ thể, khoảng 9h ngày 22-4, tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, tổ công tác Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Công an tỉnh Nghệ An phát hiện cơ sở kinh doanh của bà Võ Thị Hoàn (47 tuổi) kinh doanh thuốc kích thích tăng trưởng dứa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 43 gói thuốc, trọng lượng 43g do nước ngoài sản xuất.
Thuốc kích thích tăng trưởng dứa mang nhãn mác nước ngoài bị thu giữ. |
Bà Hoàn cho biết, loại thuốc này có tác dụng kích thích dứa chín. Mặc dù chưa có kết luận cụ thể về việc loại thuốc trên gây hại như thế nào tới sức khoẻ người tiêu dùng, tuy nhiên đây là loại thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Tiếp đó, khoảng 8h45 ngày 27-4, tại xóm 18A, xã Nghi Liên, TP Vinh, Phòng PC49 Công an tỉnh Nghệ An phát hiện cơ sở sản xuất nem chua Thanh Hoá của bà Nguyễn Thị Liên (35 tuổi) có hành vi sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng Công an đã tạm giữ 7kg chất bột màu nâu, 25kg nem chua thành phẩm.
Khoảng 10h cùng ngày, đơn vị phối hợp với Chi cục Nông lâm thuỷ sản phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Đặng Thọ Hoàng (41 tuổi), trú xóm 3, xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An trong quá trình kinh doanh, chế biến măng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng liên ngành phát hiện 9,5 tấn măng được đựng trong 185 bao tải chưa qua sơ chế, đã ngả màu đen và bốc mùi hôi thối…
Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Nghệ An cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn xứ Nghệ đang diễn ra với tính chất, mức độ, quy mô ngày càng nguy hiểm, phức tạp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng người dân mà còn gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, tác động đến tính ổn định an sinh và an toàn xã hội.
Đặc biệt là tình trạng dùng chất kích thích tăng trưởng, hoá chất thúc chín nhanh trái cây. Hay tình trạng kinh doanh, mua bán, sử dụng hoá chất cấm, chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, đơn vị đã đẩy mạnh đấu tranh xử lý loại tội phạm này, lập nhiều chuyên án tập trung vào hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm “bẩn”.
Tính trong 5 tháng đầu năm 2016, Phòng PC49 Công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 39 vụ, 40 đối tượng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (tăng 15 vụ, 16 đối tượng so với cùng kỳ năm 2015).
Tạm giữ gần 40 tấn măng; 3.708 lít giấm gạo pha chế từ a-xít; 1.600 lít dầu ăn đã qua sử dụng; 7,15 tấn thực phẩm “bẩn” (gồm da, mỡ lợn, xương động vật, ruốc bông, lạp xường, tép, mực khô, quẩy, nem, bột sắn…); 9.200 quả trứng gia cầm; 174 con trâu, bò, lợn; 4.410kg men rượu; 10,29 tấn hoá chất, chất phụ gia thực phẩm; 43 lít hoá chất không rõ nguồn gốc; 2,3kg chất tạo nạc gia súc; 2.806 tem nhãn mác giấm gạo…
Lực lượng Công an đã xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ, 19 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 228 triệu đồng; đồng thời chuyển cơ quan khác xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ, 11 đối tượng và đang tiếp tục điều tra làm rõ nhiều vụ việc vi phạm khác.
Qua đó cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng có sự lựa chọn “nói không” với thực phẩm độc hại, đồng thời có tác động đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm, đồng loạt vào cuộc vì an toàn vệ sinh thực phẩm.